Ai được nhận tiền hỗ trợ từ cơ chế thu gom, tái chế bắt buộc

Phạm Sơn - 10:27, 04/06/2022

TheLEADERHoạt động phân loại, thu gom, tái chế sản phẩm, bao bì sẽ nhận được hỗ trợ từ tiền đóng góp của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nếu đáp ứng được một số điều kiện.

Kể từ năm nay, nhà sản xuất, nhập khẩu những sản phẩm thuộc loại khó thu gom, không có giá trị tái chế sẽ bắt buộc phải đóng khoản tiền nhất định vào Quỹ Bảo vệ môi trường, theo quy định điều 55 Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Các sản phẩm, bao bì thuộc diện đóng góp tài chính bắt buộc bao gồm: Thuốc bảo vệ thực vật; pin dùng một lần; kẹo cao su; tã bỉm; thuốc lá và một số dòng sản phẩm chứa nhựa tổng hợp.

Ngoài ra, kể từ năm 2024, đối với các sản phẩm thuộc diện thu gom, tái chế bắt buộc, doanh nghiệp cũng được lựa chọn giữa 2 phương án là tự tổ chức thu gom, tái chế; thuê bên thứ 3 để thực hiện thu gom, tái chế hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường

Ai nhận được tiền hỗ trợ từ cơ chế thu gom, tái chế bắt buộc
Sản phẩm bắt buộc phải chịu trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải kể từ năm 2022.

Đây là 2 nội dung chính của công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR), với hàm ý tạo ra động lực để doanh nghiệp thay đổi thiết kế bao bì, sản phẩm, sử dụng nguyên vật liệu theo hướng bền vững.

Mặt khác, khoản phí thu được từ công cụ EPR sẽ được sử dụng để thúc đẩy hoạt động thu gom, tái chế và xử lý rác thải tại Việt Nam, một mắt xích quan trọng trong xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Về hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải, dự thảo thông tư quy định có 2 loại hỗ trợ tài chính, bao gồm hỗ trợ các doanh nghiệp tái chế theo khối lượng tái chế và hỗ trợ tổ chức, cá nhân có các hoạt động phân loại, thu gom sản phẩm, bao bì cho mục đích tái chế.

Ai nhận được tiền hỗ trợ từ cơ chế thu gom, tái chế bắt buộc 1
Ai nhận được tiền hỗ trợ từ cơ chế thu gom, tái chế bắt buộc 2
Quy định về hỗ trợ tài chính đối với hoạt động thu gom, tái chế, xử lý rác thải trong dự thảo thông tư.

Đối với hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải, dự thảo thông tư đưa ra 3 loại hình hỗ trợ, bao gồm chủ đầu tư dự án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chủ dự án ứng dụng sáng chế về xử lý chất thải rắn sinh hoạt được nhà nước bảo hộ; tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt, bao gồm bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài những nội dung trên, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường, đề xuất có thể sử dụng nguồn tài chính đóng góp từ EPR để hỗ trợ các địa phương xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo thu gom và phân loại rác thải tại nguồn đạt chuẩn, ví dụ như hệ thống thùng rác công cộng, xe thu gom rác… Hỗ trợ đầu tư có thể được thực hiện thông qua hình thức hợp tác công tư (PPP).

Góp ý về dự thảo, bà Quách Thị Xuân, Điều phối viên Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA), đưa ra quan điểm cần phải bổ sung thêm danh mục những loại công nghệ không được chấp nhận hỗ trợ tài chính.

Đó là những công nghệ như đốt rác phát điện, xử lý vô cơ… Theo bà Xuân, những công nghệ xử lý rác thải này không thể giải quyết thực trạng ô nhiễm mà chỉ chuyển ô nhiễm từ dạng rắn sang dạng khí, gây nguy hiểm hơn cho sức khỏe con người.

Cũng quan tâm đến vấn đề công nghệ, đại diện công ty Bridgestone nhận xét, việc hỗ trợ nhà tái chế cần xem xét đến yếu tố về tính tiên tiến trong công nghệ được sử dụng. “Giữa đơn vị tái chế sử dụng công nghệ bình thường nhưng có lợi nhuận và đơn vị tái chế sử dụng công nghệ tiên tiến nhưng chưa có lợi nhuận, chúng ta sẽ lựa chọn hỗ trợ ai”, đại diện Bridgestone đặt vấn đề.

Từ góc nhìn của nhà tái chế, ông Huỳnh Ngọc Thạch, Tổng giám đốc công ty Nhựa Tái chế Duy Tân, nêu ra vấn đề “gần như không có chứng từ” khi thu mua phế liệu từ những đại lý đồng nát, ve chai, hay còn gọi là lực lượng thu gom rác thải khi chính thức. Như vậy, việc xác định lượng rác thải đầu vào là tương đối khó khăn.

Mặt khác, với tính chất phức tạp của rác thải, lượng rác thải đầu vào không thể sử dụng 100% cho tái chế bởi còn dính lẫn nhiều loại tạp chất. Vào mùa mưa, tỷ lệ tạp chất có thể lên đến 30%. Ông Thạch đặt câu hỏi, nếu tính toán mức tài trợ dựa vào sản lượng đầu ra, vậy 30% tạp chất được xử lý đó có được ghi nhận?

Một đại diện khác của ngành tái chế là ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, đề xuất, khi tiến hành xác định khối lượng tái chế, thay vì yêu cầu nhiều loại giấy tờ phức tạp, có thể xét duyệt dựa trên báo cáo thuế của các doanh nghiệp tái chế.

Ông Vượng cũng cho rằng, quy định “khối lượng sản phẩm tái chế được hỗ trợ phải có xác nhận của kiểm toán” là không cần thiết bởi một mặt làm đội chi phí của doanh nghiệp, mặt khác chưa chắc đã các công ty kiểm toán đã đủ nguồn lực để tiến hành kiểm toán số lượng lớn đơn vị tái chế.

Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh cho rằng, thay vì bắt buộc kiểm toán, nhà quản lý nên cân nhắc chỉ tiến hành kiểm toán đối với những trường hợp có dấu hiệu gian lận, sai phạm.