Át chủ bài giúp doanh nghiệp chuyển đổi số

Việt Hưng - 15:26, 12/05/2020

TheLEADERChuyển đổi số đang tạo nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ bứt phá, với sự lan rộng của các công nghệ. Trong đó, RPA và AI được xem là giải pháp cải thiện năng suất công việc hiệu quả.

RPA (Robotic Process Automation) được hiểu là tự động hóa quy trình bằng robot phần mềm. Đây hứa hẹn sẽ là "át chủ bài" giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán vận hành, tạo đột phá cho hoạt động sản xuất kinh doanh.  

Lợi ích khi ứng dụng RPA

Với đặc thù là hệ thống robot xử lý các thao tác lặp lại nhiều lần trong vận hành, hoạt động liên tục 24/7, RPA sở hữu những ưu thế như: thời gian triển khai ngắn do robot làm việc trực tiếp với dữ liệu, cần ít người hỗ trợ, thích hợp triển khai cho doanh nghiệp ở mọi quy mô. Chi phí áp dụng RPA cũng tối ưu hơn so với việc xây dựng hệ thống công nghệ mới.

Mặt khác, RPA có mức độ bảo mật cao hơn so với việc sử dụng dịch vụ thuê ngoài, hạn chế rủi ro về rò rỉ dữ liệu. RPA đặc biệt quả khi doanh nghiệp tìm kiếm một giải pháp chuyển đổi số giúp tối ưu hóa nguồn lực với chi phí hợp lý nhất. 

Robot tự động cũng đem tới sự chuyển hóa về chất của nhân sự.  Các hoạt động hành chính được thực hiện bằng tự động hóa khiến lượng nhân sự tham gia vào các khâu làm việc lặp lại ít đi, nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc của từng nhân viên, đặt họ trước bài toán nâng cao năng lực để không bị thay thế. Từ đó, RPA giúp hoạt động quản trị trở nên kỷ luật hơn, hiệu quả hơn.  

Theo trang Cio.com dẫn lời của đại diện của Deloitte LP cho biết đã áp dụng công nghệ này vào quá trình xử lý các yêu cầu trong nghiệp vụ tài chính - ngân hàng và thu được kết quả khả quan.

Theo đó, Deloitte đã thiết lập lại quy trình yêu cầu của mình bằng việc triển khai 85 robot phần mềm (bot) để chạy 13 quy trình, xử lý 1,5 triệu yêu cầu mỗi năm. Khối lượng công việc do RPA xử lý tương đương hiệu suất của 200 nhân viên toàn thời gian và giúp công ty tối ưu khoảng 30% chi phí tuyển dụng thêm.

Thị trường phát triển của RPA

Giám đốc công nghệ của Walmart - gã khổng lồ ngành bán lẻ cũng tiết lộ, tập đoàn cũng sử dụng RPA để triển khai khoảng 500 bot tự động hóa trả lời câu hỏi của nhân viên, giúp họ lấy thông tin hữu ích từ các tài liệu kiểm toán.  

Với nhiều lợi thế , RPA được nhiều doanh nghiệp trong nhiều ngành như y tế, kiểm toán, ngân hàng, nhân sự, mua sắm trực tuyến như AT&T, Deutsche Bank, American Express Global Business Travel, Ernst & Young… ứng dụng rộng rãi. 

Một báo cáo của Gartner chỉ ra, RPA sẽ trở thành phân khúc tăng trưởng nhanh nhất của thị trường phần mềm doanh nghiệp toàn cầu với mức tăng trưởng 41% vào năm 2020. Năm 2019, doanh thu RPA đạt khoảng 1,3 tỷ USD.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp lớn đã bắt kịp xu hướng sử dụng robot phần mềm để nâng cao tính cạnh tranh, năng suất lao động và giảm nhẹ gánh nặng cho nhân viên. Các doanh nghiệp trong ngành y tế, ngân hàng, tài chính… đã và đang áp dụng công nghệ này trong một số thao tác đặc thù lặp đi lặp lại như các lệnh chuyển tiền, khai báo, nhập và xử lý dữ liệu…

Chia sẻ về cơ hội phát triển của doanh nghiệp Việt khi áp dụng RPA vào hoạt động, ông Bùi Đình Giáp, Giám đốc Dự án akaBot - nền tảng tự động hóa quy trình bằng robot của FPT Software chia sẻ: "RPA đã chứng minh được lợi ích cụ thể thông qua giá trị vốn hóa thị trường lên đến hàng tỷ USD và tốc độ phát triển hơn 60% hàng năm. Cùng với nhiều biến động kinh tế đang diễn ra, chức năng tự động hóa mô phỏng thao tác của con người với độ chính xác, tốc độ cao sẽ giúp các doanh nghiệp tối ưu nguồn lực, đem lại hiệu suất làm việc tối đa".

Đại diện một ngân hàng tại Việt Nam cho biết đã sử dụng akaBot từ đầu năm 2020 và thu được kết quả khả quan. Giải pháp akaBot đáp ứng được nhu cầu tự động hóa cho một số nghiệp vụ đặc thù tại ngân hàng, với mức độ ổn định tương đối cao, nhất là trong nghiệp vụ chuyển tiền nội địa.

Tổng Giám đốc FPT Software, ông Phạm Minh Tuấn cho hay: "Chúng tôi kỳ vọng RPA sẽ sớm thay đổi cục diện đa ngành nghề không chỉ tại Việt Nam mà cả trên toàn cầu".

akaBot là sản phẩm do FPT Software phát triển. Theo công bố của doanh nghiệp phần mềm có quy mô nhân sự lớn nhất Việt Nam này, trong năm 2019, tổng giá trị bán bản quyền của akaBot cho các khách hàng trên toàn thế giới đã đạt hơn 8 triệu USD, và mới giành được hợp đồng bản quyền trị giá 6,5 triệu USD cho một doanh nghiệp trong vòng 5 năm. akaBot cũng là một trong 30 sản phẩm RPA đứng đầu thế giới năm 2019, bên cạnh các sản phẩm đình đám được đầu tư hàng trăm triệu USD như UiPath, BluePrism... do RPA Hack đánh giá.