‘Bà mối’ giúp doanh nghiệp chế tạo vào chuỗi cung ứng

Phương Anh - 09:00, 06/09/2020

TheLEADERChính phủ cần có những bàn thảo, thỏa thuận tốt với công ty đầu chuỗi tại Việt Nam, đảm bảo đầu ra của ngành công nghiệp chế tạo, từ đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Thời gian qua, Việt Nam đã ghi nhận những kết quả tích cực và đáng kể về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trên bản đồ dòng chảy FDI.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề tồn tại nhiều năm qua, trở thành bài toán “con gà – quả trứng” là mối liên kết rời rạc, lỏng lẻo giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại. Mức độ tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo Việt Nam còn rất hạn chế.

Tại hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững” cuối tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nguyên nhân trước hết là bởi các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn khi vào Việt Nam thường có sẵn chuỗi cung ứng hoặc tự phát triển chuỗi cung ứng khép kín.

Nguyên nhân thứ hai là do quy mô nhỏ bé, đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam bị hạn chế về trình độ quản lý, nguồn lực cả về lượng lẫn chất cũng như ít khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm để có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe.

Thực tế này đặt ra đòi hỏi không chỉ với bản thân doanh nghiệp mà còn với Chính phủ trong vai trò kết nối, đảm bảo đầu ra cho ngành công nghiệp chế tạo.

TS. Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đã trao đổi với báo chí về những thuận lợi, khó khăn của ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam cũng như những mong mỏi, nguyện vọng từ phía doanh nghiệp.

Trong quá trình đồng hành cùng doanh nghiệp công nghiệp chế tạo những năm qua, theo bà, đâu là những tín hiệu tích cực cùng những khó khăn của doanh nghiệp?

TS. Trương Thị Chí Bình: Tôi đã tham gia hỗ trợ doanh nghiệp tham dự chuỗi cung ứng toàn cầu của châu Âu từ năm 2015 trong một dự án được Liên minh châu Âu tài trợ và sau đó là các thị trường khác như Bắc Mỹ, Nhật Bản. Ở trong nước, tôi cũng tham gia hỗ trợ trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Ở góc độ tích cực, doanh nghiệp đã thay đổi rất nhiều khoảng 5 năm qua. Lần đầu tiên đưa doanh nghiệp đi châu Âu, đoàn có những doanh nghiệp rất nhỏ với doanh số chỉ khoảng 1 triệu USD/năm. Ngay từ năm đầu tiên tham dự hội chợ chế tạo lớn nhất ở Đức, doanh nghiệp đã thay đổi ngay lập tức khi trở về chứ không cần có đơn hàng từ khách hàng châu Âu.

Khi đến đấy, doanh nghiệp tận mắt thấy được chuỗi cung ứng toàn cầu, các đối thủ cạnh tranh, yêu cầu của người mua, nhà cung cấp như thế nào và họ buộc phải thay đổi để theo được cuộc chơi này.

Trong vòng 5 năm qua, các doanh nghiệp như vậy có thể tăng trưởng gấp tới 3 lần cả về đầu tư lẫn doanh thu. Tất nhiên, mức doanh thu nhỏ thì tăng trưởng nhanh nhưng điều quan trọng nhất là doanh nghiệp đã thay đổi cách làm.

Về con số thì tỷ lệ chúng ta tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã tăng lên so với trước đây rất nhiều. Khảo sát của VASI năm ngoái cho thấy doanh nghiệp xuất khẩu đi châu Âu đạt khoảng 12% trong số khoảng 300 doanh nghiệp trong khi trước đây chỉ 1 – 2 doanh nghiệp xuất đi thị trường này trong lĩnh vực chế tạo. Những khu vực khác như Nhật Bản hay Hàn Quốc thì tỷ lệ cũng gia tăng lên.

Đây thật sự là những kết quả hấp dẫn với những người trong cuộc nhưng thực tế còn rất nhiều thách thức.

‘Bà mối’ giúp doanh nghiệp chế tạo vào chuỗi cung ứng
Doanh nghiệp công nghiệp chế tạo không chỉ cần mạnh lên, tốt lên mà còn cần phải nhiều lên về số lượng.

Cho đến bây giờ, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhỏ bé so với yêu cầu của thị trường khi quy mô, doanh số trung bình hiện chỉ khoảng dưới 3 triệu USD/năm. Trong khi đó, theo kinh nghiệm của các chuyên gia châu Âu khi hỗ trợ xuất khẩu thì trung bình tối thiểu phải 5 triệu USD/năm thì mới có thể xuất khẩu sang thị trường này được. Số doanh nghiệp có doanh số trên 5 triệu USD/năm của ngành công nghiệp sản xuất chế tạo tại Việt Nam mới chiếm khoảng 30% thôi và quy mô khá nhỏ.

Quy mô nhỏ đồng nghĩa với việc không thể đáp ứng được các đơn hàng lớn cũng như những yêu cầu về sản phẩm hoàn chỉnh, xuất nguyên một bộ linh kiện mua về mà người ta lắp được luôn, còn nếu chỉ làm linh kiện rời thì khách hàng rất ít.

Chúng ta còn thiếu công đoạn mà có thể tạo ra một bộ linh kiện hoàn chỉnh như vậy cũng như công đoạn để có thể gia công linh kiện một cách toàn diện. Cho đến thời điểm hiện tại, rất nhiều giai đoạn gia công vẫn phải gửi ra nước ngoài làm rồi lại gửi quay lại Việt Nam làm cho chi phí cao.

Chất lượng, giá thành của Việt Nam hiện rất kém cạnh tranh so với các đối thủ khác như Trung Quốc, Ấn Độ hay các nước ASEAN như Thái Lan.

Như vậy có thể thấy việc gặp gỡ giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp nước ngoài rất quan trọng khi chỉ cần một hội chợ thôi, doanh nghiệp cũng có thể thay đổi cách làm. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội để hội nhập và hợp tác, đơn cử như với thị trường châu Âu?

TS. Trương Thị Chí Bình: Điều quan trọng nhất vẫn là chúng ta phải tốt lên, mạnh lên và nhiều lên. Tốt không chưa đủ, mạnh lên cũng chưa đủ mà phải nhiều về số lượng thì mới chơi được với cuộc chơi châu Âu.

Chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp châu Âu vốn thuê ngoài từ những quốc gia lớn như Trung Quốc, Ấn Độ đồng nghĩa với việc họ đã quen với sự đáp ứng từ những nhà cung cấp có quy mô, có chất lượng tốt như vậy rồi. Trong khi đó, Việt Nam là người đi sau trong cuộc chơi chế tạo này, do vậy không còn cách nào khác ngoài việc phải tự mạnh lên.

Việc liên kết, tiếp xúc không phải là điều quan trọng vì nếu chúng ta mạnh lên rồi thì chắc chắn chúng ta không những tìm được người mua mà người mua còn tìm đến chúng ta.

Đối với công nghiệp chế tạo, hiện nay sản phẩm nào Việt Nam có thế mạnh khi tham gia vào chuỗi cung ứng?

‘Bà mối’ giúp doanh nghiệp chế tạo vào chuỗi cung ứng 1
TS. Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Ảnh: laodong.vn.

TS. Trương Thị Chí Bình: Các sản phẩm hiện giờ Việt Nam tương đối có lợi thế là những sản phẩm gia công nhiều công đoạn. Cùng là sản phẩm cơ khí nhưng nếu gia công ít công đoạn, đơn giản thì Trung Quốc cạnh tranh giá hơn chúng ta rất nhiều. Nhưng nếu nhiều công đoạn hơn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết, khéo léo thì đấy là một trong những lợi thế của công nhân, kỹ sư Việt Nam.

Một số lĩnh vực sản phẩm hiện giờ Việt Nam đã xuất khẩu có thể kể đến như bộ dây điện trong ô tô, thiết bị điện trong các sản phẩm chế tạo cho ô tô, cho điện tử - những sản phẩm là ví dụ cho việc kết hợp các công đoạn giữa tay và máy thì Việt Nam hiện giờ đang sản xuất tốt và rẻ hàng đầu thế giới.

Với vai trò đồng hành cùng doanh nghiệp chế tạo trong nhiều năm qua, xin bà cho biết thêm những đề xuất, kiến nghị về chính sách hỗ trợ để ngành công nghiệp chế tạo có thể phát triển và cạnh tranh hơn nữa?

TS. Trương Thị Chí Bình: Điều đầu tiên doanh nghiệp muốn là Chính phủ hãy tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch nhất, tốt nhất để doanh nghiệp dễ làm ăn, tức là hãy để yên cho doanh nghiệp được làm ăn. Những doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo có thể xem là lành mạnh, đàng hoàng nhất bởi vì họ bán cho FDI nên họ không thể cũng như rất khó trốn tránh thuế hay làm những chuyện khuất tất.

Cho nên doanh nghiệp chỉ mong có môi trường kinh doanh tốt nhất, đừng tạo ra thêm những chi phí không chính thức.

Tại Việt Nam, các địa phương, các cơ quan công quyền thường rất mở cửa với FDI hay với doanh nghiệp nhà nước, khiến doanh nghiệp nội địa, tư nhân là thiệt thòi nhất.

Do đó, điều đầu tiên doanh nghiệp muốn là hãy đồng hành cùng doanh nghiệp trong con đường này. Việc hỗ trợ được đến đâu hay đến đấy vì doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực vận hành theo quy luật của thị trường.

Từ góc độ của người làm chính sách vĩ mô, nghiên cứu nhiều năm, tôi thấy để doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu tốt và nhanh thì Chính phủ cần có bàn thảo, thỏa thuận tốt với công ty đầu chuỗi tại Việt Nam.

Nếu không, mãi mãi chúng ta cũng chỉ làm được những linh kiện rất đơn giản, rẻ tiền và thiệt thòi. Còn những linh kiện quan trọng, có giá trị gia tăng thì chúng ta không bao giờ được phép làm vì các doanh nghiệp nước ngoài đã có nhà cung cấp rất tốt, rất ruột thịt. Do đó, doanh nghiệp Việt sẽ không bao giờ tự đầu tư vào đấy vì thiếu sự cam kết đầu ra.

Câu chuyện này giống như gà và trứng, Chính phủ phải đứng ra ở giữa thu xếp doanh nghiệp nước ngoài nhường một phần nào đấy cho doanh nghiệp nội thì mới có những sản phẩm có giá trị gia tăng cao được.

Do vậy, trước khi có những chính sách thật cụ thể như về tài chính, về thuế, về lãi suất thì những việc như trên là những việc doanh nghiệp cần nhất. Khi có những hỗ trợ như vậy, doanh nghiệp sẽ tận dụng rất tốt các hiệp định.

Cảm ơn bà!