Bất chấp Covid-19, nhiều ngành vẫn ‘khát’ nhân sự trung và cao cấp

Hoài An - 16:22, 27/04/2020

TheLEADERSản xuất và công nghệ thông tin là hai lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong ba tháng đầu năm nay, bất chấp sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 khiến nhiều khu vực đình trệ.

Theo thống kê dựa trên nhu cầu tuyển dụng từ Navigos Search, sản xuất và công nghệ thông tin là hai lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong quý I/2019.

Theo đó, ngành sản xuất có nhu cầu tuyển dụng cấp trung và cấp cao tăng trưởng cao nhất, tăng 14% so với quý cuối năm 2019 và tăng đến 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành công nghệ thông tin cũng có mức tăng trưởng nhẹ, ở mức 3% so với quý IV/2019 và 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, một số nhà máy sản xuất phải đóng cửa do thiếu nguyên vật liệu, đa số nhà máy phải dừng sản xuất hoặc dừng một phần do nhu cầu mua hàng giảm sút. Tuy nhiên, cũng đã có những nhà máy trở lại hoạt động bình thường sau khi tìm kiếm được nguồn cung nguyên liệu thay thế.

Ngành dệt may chịu ảnh hưởng lớn và có tình hình nhân sự khó khăn khi một số doanh nghiệp phải cho nhân viên nghỉ phép, nghỉ không lương, nghỉ luân phiên và hưởng một phần lương tối thiểu vùng theo thỏa thuận cho những ngày nghỉ hoặc cắt dần các vị trí.

Một số nhà máy vẫn có thể hoạt động vì chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế, đồ bảo hộ y tế. Một số công ty hoạt động tốt do có nhiều đơn hàng, trong khi có công ty sản xuất cầm chừng để duy trì nhân sự.

Theo quan sát từ Navigos Search, làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, với các ngành điện/ điện tử, cơ khí và gỗ nội thất, vẫn đang tiếp diễn từ năm 2019. 

Tuy nhiên, các quyết định tuyển dụng của các nhà đầu tư đang phải trì hoãn vì chính sách hạn chế di chuyển giữa các quốc gia. Ngoài ra, cũng có một số dự án chậm triển khai do trưởng dự án hoặc vị trí quan trọng không thể sang Việt Nam sau thời gian về nước hoặc di chuyển ở các quốc gia khác.

Navigos Search nhận định các ứng viên trong ngành đang có động thái tìm hiểu những cơ hội việc làm mới. Dự đoán sau khi dịch được kiểm soát, từ nửa cuối năm 2020, nguồn cung nhân sự ngành sản xuất sẽ dồi dào, trong khi nhu cầu tuyển dụng sẽ ổn định trở lại để các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất và phục hồi doanh nghiệp.

Là một trong số những ngành ít chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, thương mại điện tử, đặc biệt cho ngành hàng thiết yếu đang phát triển mạnh vì giải quyết được việc hạn chế gặp gỡ và thanh toán trực tiếp.

Bất chấp Covid-19, nhiều ngành vẫn ‘khát’ nhân sự trung và cao cấp
Mặt bằng lương cho các ứng viên trong ngành thương mại điện tử có xu hướng cao hơn các lĩnh vực kinh doanh truyền thống.

Hiện đang có nhu cầu tuyển dụng ở các vị trí phát triển kinh doanh, marketing và các vị trí kỹ thuật chuyên môn về thương mại điện tử. Dù nguồn cung nhân sự cho mảng này tại Việt Nam còn khan hiếm vì đây là ngành mới tại Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn ưu tiên tuyển dụng ứng viên đã có kinh nghiệm trong cùng ngành và sẵn sàng trả mức lương cao để thu hút nhân tài.

Mặt bằng lương cho các ứng viên trong ngành này có xu hướng cao hơn các lĩnh vực kinh doanh truyền thống và sẽ duy trì như vậy trong thời gian từ 3 – 5 năm tới. Ngoài ra, ứng viên Việt Nam cũng được ưu tiên nhiều hơn vì không có rào cản ngôn ngữ và dễ dàng hòa nhập văn hóa.

Dự đoán trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư mới vào thị trường Việt Nam khiến nhu cầu tuyển dụng của ngành thương mại điện tử sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2020 và 2021.

Bên cạnh đó, quý I/2020 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao trong mảng năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo do tác động của các chính sách khuyến khích đầu tư và xây dựng các dự án năng lượng của Chính phủ.

Các vị trí tuyển dụng được chú ý bao gồm các vị trí phát triển kinh doanh, chuyên gia kỹ thuật, quản lý, phụ trách các dự án xây dựng. Dự báo năm 2020, nhu cầu tuyển dụng trong mảng năng lượng còn tiếp tục tăng và mở rộng sang các vị trí trong mảng vận hành/ sản xuất điện.

Quý I/2020 cũng ghi nhận sự gia tăng đột biến của nhu cầu tuyển dụng đối với các dự án nhiệt điện. Dự kiến đây sẽ là một điểm sáng trong thị trường tuyển dụng năm 2020 với nhu cầu tuyển dụng lớn, trải dài từ các vị trí quản lý dự án, chuyên gia kỹ thuật tới các vị trí vận hành và sản xuất.

Dịch bệnh Covid-19 đang có những tác động tiêu cực trong ngắn và trung hạn với việc triển khai các dự án năng lượng. Tuy nhiên, với những biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, việc tuyển dụng trong ngành năng lượng hứa hẹn có nhiều chuyển biến tích cực hơn trong năm 2020.

Yêu cầu tuyển dụng trong các dự án năng lượng cũng dần có sự sàng lọc khắt khe hơn khi nguồn cung nhân lực dồi dào hơn so với cách đây 2 – 3 năm. Các nhà tuyển dụng đòi hỏi kỹ năng và kiến thức chuyên sâu hơn cùng khả năng ngoại ngữ và kỹ năng mềm tốt, có thể làm việc và phối hợp tốt với các đối tác nước ngoài.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search, đánh giá sự tác động bất ngờ của đại dịch Covid-19 lên toàn cầu đã trở thành bài toán khó cho các doanh nghiệp để có thể duy trì đội ngũ nhân sự và hoạt động kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, một khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tuyển dụng sẽ bùng nổ vì các doanh nghiệp sẽ cần đến đội ngũ nhân lực để vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Do đó, các doanh nghiệp nên xúc tiến hoạt động tuyển dụng trong thời gian này vì nguồn cung lao động đang dồi dào hơn và ứng viên khi nhận việc sẽ có nhiều thời gian để hòa nhập với công ty và chuẩn bị cho kế hoạch phát triển sau khi dịch bệnh qua đi. Nếu doanh nghiệp chọn cách tạm hoãn các hoạt động tuyển dụng, sẽ có thể phải đối mặt với cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài một khi nhu cầu bùng nổ trở lại.

Hiện nay hầu như toàn bộ quá trình tuyển dụng từ tìm kiếm ứng viên cho đến phỏng vấn đều có thể thực hiện hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ. Doanh nghiệp có thể sử dụng giải pháp đăng tuyển trực tuyến, hoặc sử dụng dịch vụ tư vấn tuyển dụng chuyên nghiệp.

Do đó, bên cạnh việc duy trì và tạo động lực cho đội ngũ hiện tại, các công ty cũng cần xây dựng ngay kế hoạch tuyển dụng để đảm bảo nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, bà Mai khuyến nghị.