Bức tranh u ám xuất khẩu thủy sản đầu năm 2023

Dũng Phạm - 13:00, 23/05/2023

TheLEADERTrong năm 2022, thủy sản là ngành hàng “sáng giá” nhất với tăng trưởng 23,6% so với năm 2021 khi xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành thủy sản đang đối diện với một năm 2023 đầy thách thức trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới cùng tình hình vĩ mô trong nước vẫn còn nhiều khó khăn.

Tính lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 2,6 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu các nhóm mặt hàng thủy sản của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ.

Đóng góp lớn nhất vào kim ngạch xuất nhập khẩu thủy sản là các mặt hàng như tôm, cá tra và cá ngừ với sản lượng xuất khẩu lần lượt đạt 887 triệu USD, 570 triệu USD và 248 triệu USD. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm các mặt hàng chứng kiến mức sụt giảm mạnh nhất khi có sản lượng lần lượt giảm 37%, 41% và 33% so với cùng kỳ năm 2022. 

Thêm nữa, số liệu giá trị xuất khẩu thủy sản tới sáu thị trường lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Anh Quốc cũng cho thấy sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ.

Trong đó, đáng chú ý nhất là mức giảm lên tới hơn 50% đến từ Mỹ - thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, điều này đã khiến Mỹ rớt xuống vị trí thứ 3 trong số các thị trường nhập khẩu thủy sản, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Nguyên nhân được chỉ rõ là do tồn kho nhiều, lạm phát cao tại Mỹ đã ảnh hưởng lớn tới sức tiêu thụ của người tiêu dùng trong giai đoạn đầu năm 2023.

Theo báo cáo quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ giảm tới 53%, chỉ đạt 64 triệu USD. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mỹ cũng giảm chỉ còn 36 doanh nghiệp. 

Đối với mặt hàng tiêu biểu là cá tra, mặc dù luôn nằm trong top 2 thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, nhưng hiện nay xuất khẩu sang Mỹ vẫn vướng vụ kiện chống bán phá giá với cá tra, cho nên chỉ một số rất ít doanh nghiệp được xuất khẩu vào thị trường này. Đây cũng là một điều vô cùng bất lợi cho cá tra Việt Nam. Năm nay cũng là năm thứ 20 cá tra bị đánh thuế chống bán phá giá tại Mỹ do phía Mỹ chưa công nhận Việt Nam hoàn toàn là nền kinh tế thị trường.

Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc dù có tín hiệu tốt hơn, nhưng vẫn chưa ghi nhận được mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chính do xuất khẩu cá tra sang thị trường này chưa hồi phục vì giá trung bình xuất khẩu giảm. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ của thị trường này hồi phục chậm hơn so với dự đoán. Tính đến hết tháng 4, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt 418 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này có thể giải thích bởi sau mở cửa, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn tồn tại khiến khả năng phục hồi chậm hơn dự kiến. Tuy nhiên, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn kỳ vọng rằng, xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ sớm hồi phục với việc 1,4 tỷ người dân được “giải phóng” khỏi các các đợt phong tỏa do Covid-19 và quay trở lại chi tiêu cho việc ăn uống.

Bức tranh u ám của xuất khẩu thủy sản Việt Nam đầu năm 2023 1

Về phía các doanh nghiệp thủy sản trong nước, sự sụt giảm được dự đoán từ trước cũng đã được thể hiện rõ trong báo cáo kinh doanh quý I/2023 vừa được công bố.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023. Trong đó, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt hơn 2.220 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 219 tỷ đồng, tương ứng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp của công ty giảm 50,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 394 tỷ đồng, xuống chỉ còn 384,5 tỷ đồng. Mức giảm này cũng nằm trong dự tính khi Mỹ và EU - hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Vĩnh Hoàn chứng kiến sự sụt giảm mạnh về nhu cầu nhập khẩu. Đáng chú ý, công ty đã trích lập dự phòng chứng khoán gần 84 tỷ đồng, trong khi giá gốc là 179 tỷ đồng, chủ yếu là với các khoản cổ phiếu bất động sản như DXS, NLG và KBC.

Một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu khác là Công ty Cổ phần Nam Việt (ANV) cũng công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 với doanh thu đạt 1.155 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ trong bối cảnh giá bán và sản lượng bán sản phẩm của doanh nghiệp đều giảm. Mặt khác, giá nguyên liệu thức ăn và giá cá nguyên liệu tăng khiến giá vốn bán hàng của doanh nghiệp tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 951 tỷ đồng. Điều này kéo theo lợi nhuận gộp của Nam Việt ở mức 203 tỷ đồng, giảm 43% so với mức 358 tỷ đồng ghi nhận quý 1/2022.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), doanh nghiệp này cũng vừa đưa ra con số doanh thu thuần quý I/2023 đạt hơn 2.100 tỷ đồng và chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó là lợi nhuận gộp chỉ đạt 123 tỷ đồng, giảm tới 75% so với mức 492 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. Thậm chí kết quả lợi nhuận sau thuế của MPC ghi nhận âm hơn 98 tỷ đồng và cũng là quý đầu tiên MPC có mức lợi nhuận âm kể từ giai đoạn đầu năm 2016. 

Trong bối cảnh quy mô thị trường bị thu hẹp và mặt bằng lãi suất vẫn đang ở mức cao, MPC đã có động thái chủ động cắt giảm 842,6 tỷ đồng nợ vay trong quý I/2023, tương ứng mức giảm 21,5% so với đầu năm, về mức 3.075 tỷ đồng và chiếm 32,4% tổng nguồn vốn. Điều này phần nào giúp MPC giảm áp lực về tài chính trong điều kiện hoạt động kinh doanh chính vẫn còn nhiều khó khăn.

Bức tranh u ám của xuất khẩu thủy sản Việt Nam đầu năm 2023 2
Các doanh nghiệp thủy sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023

Trong ngắn hạn, các chuyên gia thị trường nhận định những rủi ro trong năm 2023 như nguy cơ leo thang chiến tranh ở Ukraine, tình hình lạm phát và lãi suất duy trì ở mức cao cùng sự xuất hiện của các cuộc chiến thương mại mới có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung thủy sản ở các thị trường lớn.

Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Vasep ông Trương Đình Hòe, các doanh nghiệp đều đang kỳ vọng nhu cầu thị trường sẽ được cải thiện và xuất khẩu thủy sản quay lại đà tăng trưởng từ quý 2/2023. Theo kịch bản khả quan, xuất khẩu thủy sản năm 2023 có thể tiếp tục mang về 10 tỷ USD.

Trong nỗ lực cải thiện tình hình thị trường, từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế tại Mỹ, EU, Nhật Bản cũng như các chương trình giao thương trong nước, hy vọng sẽ tăng thêm các kết nối và thu hút được các bạn hàng nhiều hơn trong thời gian tới và từ đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần.