Các hiệp định của WTO quy định những gì về sở hữu trí tuệ

Hường Hoàng - 08:00, 02/08/2022

TheLEADERTổ chức Thương mại thế giới (WTO) là một tổ chức quốc tế chuyên xử lý những quy tắc thương mại quốc tế. Mục đích của WTO là thúc đẩy thương mại giữa các nước thông qua việc tạo ra những điều kiện cạnh tranh bình đẳng và hợp lý. Để đạt được điều đó, WTO khuyến khích các nước đàm phán nhằm giảm thuế quan và xóa bỏ những hàng rào khác trong thương mại và yêu cầu các nước áp dụng các quy tắc chung về thương mại hàng hóa và dịch vụ.

Các hiệp định của WTO quy định những gì về sở hữu trí tuệ
Logo của Tổ chức Thương mại Thế giới (Luật Dương Gia)

Một tập hợp các quy tắc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ được quy định trong Hiệp định của WTO về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (còn được gọi là ’’Hiệp định TRIPS“).

Hiệp định TRIPS là hiệp định ràng buộc đối với tất cả thành viên WTO. Đây là hiệp định được tạo ra nhằm thu hẹp khoảng cách về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới và đưa chúng vào khuôn khổ những quy tắc chung của quốc tế, thường được gọi là ’’các chuẩn mực và tiêu chuẩn tối thiểu“ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Do Hiệp định TRIPS yêu cầu tuân thủ các chuẩn mực và tiêu chuẩn này, nên các thành viên WTO có thể phải ban hành hoặc sửa đổi pháp luật, quy định và thủ tục của họ liên quan đến việc đăng ký, cấp, thụ hưởng và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Khi xảy ra tranh chấp thương mại đối với quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các quy định của Hiệp định TRIPS, các nước có thể áp dụng hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. Hiệp định TRIPS điều chỉnh năm lĩnh vực lớn.

Thứ nhất là cách áp dụng những nguyên tắc cơ bản của hệ thống thương mại quốc tế và của các điều ước quốc tế khác về sở hữu trí tuệ.

Thứ hai là cách thức bảo hộ đầy đủ quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ ba là việc các nước phải thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách đầy đủ trong lãnh thổ của mình;

Thứ tư là cách giải quyết những tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ giữa các thành viên WTO.

Và cuối cùng là những quy định chuyển tiếp trong thời gian hệ thống mới được áp dụng.

Mặc dù Hiệp định này có thể sẽ rất hữu ích đối với những doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc cơ bản của cuộc chơi về sở hữu trí tuệ ở cấp độ quốc tế trong việc kinh doanh những hàng hóa hoặc dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thì hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ quốc gia hoặc khu vực trong việc quy những thủ tục đăng ký, cấp, khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ lại là một vấn đề lớn.

Vì vậy, đầu tiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên quan tâm đến pháp luật quốc gia nước sở tại và khu vực, pháp luật của các quốc gia mà doanh nghiệp dự định xuất khẩu hoặc có quan hệ kinh doanh chiến lược.

Áp dụng các tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ trong Hiệp định TRIPS các thành viên WTO

Khi Hiệp định WTO có hiệu lực từ ngày 01/01/1995, các nước phát triển đã có một năm để đảm bảo rằng luật pháp và thực tiễn về sở hữu trí tuệ của họ tuân thủ tất cả những yêu cầu của Hiệp định TRIPS. Các nước đang phát triển cũng như các nền kinh tế chuyển đổi (theo một số điều kiện nhất định) sẽ có năm năm (tính cho đến ngày 01/01/2000), các nước chậm phát triển có 11 năm (tính đến ngày 01/01/2006). Trong khi đó, đối với một số sản phẩm nhất định thì các nước chậm phát triển có thể được gia hạn thêm 10 năm (đến ngày 01/01/2016).

Ngoài ra, tại thời điểm Hiệp định TRIPS có hiệu lực (ngày 01/01/1995), một số nước đang phát triển chưa bảo hộ sáng chế đối với một số sản phẩm trong một số lĩnh vực nhất định, ví dụ, lĩnh vực dược phẩm và hóa chất. Trong trường hợp này, Hiệp định cho phép nước đó có tối đa 10 năm (đến 01/01/2005) để bảo hộ các sản phẩm đó.

Tuy vậy, việc nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế đối với các sản phẩm dược và hóa nông phải được chấp nhận ở các nước này từ khi thời hạn chuyển tiếp bắt đầu cho dù những nước này không nhất thiết phải cấp bằng độc quyền sáng chế trong thời hạn đó. Do vậy, nếu muốn đăng ký bảo hộ sáng chế cho các lĩnh vực đó tại những nước này, các công ty có thể đăng ký nhưng sẽ chưa được bảo hộ cho đến thời điểm muộn nhất là tháng 01 năm 2005.