Các lỗi phổ biến nhất về sở hữu trí tuệ của các nhà xuất khẩu

Hường Hoàng - 15:13, 09/05/2022

TheLEADERCác doanh nghiệp xuất khẩu thường chỉ nhận ra tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi đã quá muộn, nghĩa là khi họ đối mặt với việc các công ty làm hàng giả, hàng nhái sản phẩm của họ hoặc khi họ bị cáo buộc xâm phạm quyền của người khác.

Các lỗi phổ biến nhất về sở hữu trí tuệ của các nhà xuất khẩu
Doanh nghiệp xuất khẩu còn mơ hồ về sở hữu trí tuệ dẫn đến nhiều vấn đề không đáng có (Ảnh: Luật Law Key)

Do đó, khi soạn thảo kế hoạch và chiến lược xuất khẩu, điều quan trọng là doanh nghiệp xuất khẩu phải hiểu được môi trường sở hữu trí tuệ ở thị trường xuất khẩu tiềm năng, cũng như hiểu được tất cả các vấn đề khác về môi trường kinh doanh ở thị trường đó. Một số lỗi phổ biến nhất mà các nhà xuất khẩu thường mắc phải là:

- Tin rằng bảo hộ sở hữu trí tuệ có tính toàn cầu. Nhiều nhà xuất khẩu tin rằng bằng cách nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp ở nước sở tại là họ sẽ tự động nhận được sự bảo hộ trên toàn thế giới. Nhưng, quyền sở hữu trí tuệ có tính lãnh thổ và các cơ quan sở hữu trí tuệ chỉ cấp bảo hộ theo pháp luật quốc gia (hay khu vực) có liên quan. Chỉ trong lĩnh vực quyền tác giả mới được bảo hộ rộng rãi và tự động ở nhiều nước. Để biết được về cách thức nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, hãy xem bài số 61 trong loạt bài này.

- Cho rằng pháp luật và thủ tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là giống nhau trên toàn thế giới. Tuy đã có sự hài hòa hóa đáng kể về pháp luật và thủ tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới, nhưng vẫn còn tồn tại khác biệt trong nhiều vấn đề ở các nước khác nhau. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, bằng độc quyền sáng chế được cấp theo nguyên tắc cấp độc quyền cho người đầu tiên tạo ra sáng chế (nghĩa là người nộp đơn có thể không được cấp bằng độc quyền sáng chế nếu có người khác chứng minh được rằng họ đã tạo ra sáng chế này trước đó), trong khi hầu hết nước khác cấp bằng độc quyền sáng chế theo nguyên tắc cấp độc quyền cho người đầu tiên nộp đơn (nghĩa là bằng độc quyền sáng chế sẽ được cấp cho người đầu tiên nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế).

- Không kiểm tra xem nhãn hiệu đã được đăng ký hay được sử dụng bởi đối thủ cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu hay chưa. Việc sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đã đăng ký hay đang được sử dụng bởi một công ty khác ở nước khác có thể bị coi là xâm phạm quyền nhãn hiệu của công ty đó. Công ty của bạn có thể bị yêu cầu ngừng sử dụng nhãn hiệu đó hoặc bị yêu cầu bồi thường thiệt hại cho hành vi xâm phạm. Đây có thể là một luồng gió lớn quét sạch toàn bộ chiến lược xuất khẩu và tiếp thị của công ty bạn. Việc tra cứu nhãn hiệu ở thị trường xuất khẩu có liên quan là một biện pháp cực kỳ cần thiết trước khi bắt đầu triển khai kế hoạch xuất khẩu của bạn và việc tra cứu này nên được thực hiện trước khi lựa chọn nhãn hiệu.

- Không sử dụng các hệ thống bảo hộ khu vực hoặc quốc tế. Đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nhiều cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia có thể sẽ gây ra tốn kém. Các hệ thống bảo hộ khu vực và quốc tế, nếu có, là một cách thức có hiệu quả để đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại nhiều nước khác nhau trên thế giới.

- Nộp đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài quá muộn. Đối với một số quyền sở hữu trí tuệ như sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp, bạn nên đăng ký bảo hộ tại các nước xuất khẩu trong một thời hạn nhất định kể từ ngày nộp đơn trong nước. Thông thường, thời hạn này được coi là “thời hạn ưu tiên " (1 năm đối với sáng chế và giải pháp hữu ích và 06 tháng đối với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp). Việc không nộp đơn trong thời hạn ưu tiên có thể khiến bạn mất đi khả năng bảo hộ tại nước đó, và do đó, tạo ra lỗ hổng cho các công ty khác sao chép miễn phí sáng chế và kiểu dáng của bạn.

- Bộc lộ thông tin quá sớm mà không có các hợp đồng/thỏa thuận bảo mật và thỏa thuận không bộc lộ. Bộc lộ thông tin về đổi mới sản phẩm hay kiểu dáng mới nhất của bạn với đối tác kinh doanh tiềm năng, đại lý xuất khẩu, nhà phân phối hay đối tác bất kỳ khác trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ mà không có hợp đồng bằng văn bản yêu cầu giữ bí mật có thể sẽ khiến bạn mất quyền đối với sáng chế hay kiểu dáng của mình. Trên thực tế, việc đổi mới sản phẩm của bạn sẽ không còn được coi là mới và có khả năng được bảo hộ sáng chế nữa. Người khác có thể nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, điều đó có thể khiến bạn không được phép sử dụng sáng chế của chính mình. Điều tương tự cũng diễn ra đối với kiểu dáng công nghiệp.

- Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Việc xuất khẩu sản phẩm mà không kiểm tra xem liệu sản phẩm đó có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác ở thị trường nước ngoài có liên quan hay không có thể sẽ là một phi vụ tốn kém. Ví dụ, nếu bạn nhận li - xăng công nghệ từ một công ty khác, bạn phải chắc chắn rằng bạn có quyền xuất khẩu sản phẩm chứa công nghệ đó để tránh xâm phạm các quyền của chủ sở hữu. Nếu sản phẩm của bạn bị cho là xâm phạm theo cách này, sản phẩm của bạn có thể sẽ bị bắt giữ tại cửa khẩu và việc phân phối sản phẩm sẽ bị cản trở hay ngừng hẳn, điều đó sẽ rất tốn kém, thậm chí có ý nghĩa quyết định đối với công việc kinh doanh của bạn.

- Không xác định vấn đề sở hữu quyền sở hữu trí tuệ khi thuê lao động. Nhiều công ty thuê ngoài các công ty khác (thường là các công ty ở nước ngoài) để thực hiện các hoạt động sáng tạo, sản xuất hoặc thiết kế sản phẩm. Nhưng các công ty này thường quên bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình ở các nước đó hoặc quên quy định các vấn đề về quyền sở hữu kiểu dáng, sáng chế, phần mềm, v.v. trong hợp đồng với các nhà sản xuất nước ngoài. Vấn đề ở đây đến từ việc giữa công ty giao việc và công ty ký hợp đồng nhận làm việc có thể nảy sinh cách hiểu khác nhau về quyền sở hữu quyền sở hữu trí tuệ.

- Tìm cách li - xăng sản phẩm ở thị trường mà sáng chế và kiểu dáng có liên quan không được bảo hộ. Thay vì trực tiếp xuất khẩu sản phẩm, nhiều công ty cấp li – xăng (cấp phép) cho các công ty khác để nhận một khoản phí trọn gói (trả một lần) hoặc tiền phí li – xăng (phí bản quyền là một khoản phí định kỳ, thường là hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng quý, trong đó bên nhận quyền thanh toán cho bên nhượng quyền để tiếp tục sử dụng nhãn hiệu, hệ thống, sản phẩm và dịch vụ của bên nhượng quyền).

Hợp đồng li - xăng thường có những quy định liên quan đến việc chia sẻ bí quyết công nghệ, cũng như cho phép sản xuất và/hoặc bán sản phẩm do bên cấp li – xăng phát triển. Điều quan trọng là phải bảo đảm rằng các quyền sở hữu trí tuệ có liên quan đến sản phẩm sẽ được li - xăng phải được bảo hộ đầy đủ ở nước có liên quan dù hợp đồng li - xăng có được thương lượng ở đâu và hợp đồng phải có các điều khoản phù hợp để xác định rõ vấn đề sở hữu đối với các quyền sở hữu trí tuệ đó.

- Sử dụng nhãn hiệu không phù hợp với thị trường có liên quan. Có rất nhiều ví dụ về các công ty chỉ khi bắt đầu tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ ở thị trường nước ngoài mới nhận ra rằng nhãn hiệu của họ không phù hợp với thị trường đó vì (a) nhãn hiệu có ý nghĩa tiêu cực hoặc không hay theo ngôn ngữ hoặc văn hóa địa phương hoặc (b) nhãn hiệu không thể đăng ký ở cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia dựa trên cơ sở tuyệt đối.

Tóm lại, có rất nhiều lý do để tin chắc rằng các vấn đề sở hữu trí tuệ cần phải được xem xét một cách thỏa đáng khi xây dựng kế hoạch xuất khẩu và phải chắc chắn rằng doanh nghiệp đã áp dụng đầy đủ các biện pháp để bảo đảm (a) không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác một cách vô ý; và (b) hạn chế cơ hội của các đối thủ cạnh tranh trong việc chiếm đoạt các thành quả sáng chế và sáng tạo của doanh nghiệp bạn.