Cách nào để xoá tư tưởng 'Hội An là Đà Nẵng + 1'

Kim Yến - 08:37, 10/06/2020

TheLEADERHội An hội tủ đầy đủ mọi yếu tố để trở thành một trung tâm du lịch cạnh tranh sòng phẳng với Đà Nẵng.

Cơ quan nào của Hội An có thể hoạch định chính sách trong ngắn hạn và kết nối tất cả nguồn lực? Tại sao khách nội địa chỉ đến Đà Nẵng mà không vào Hội An? Làm thế nào để biến Hội An thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng? Làm thế nào để xoá bỏ tư tưởng Hội An là Đà Nẵng +1?

Với gần 30 năm làm du lịch, một người yêu Hội An, ông Lê Quốc Việt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Santa Việt Nam đã đặt ra những câu hỏi hết sức căn cơ và cụ thể như thế, để có thể mang lại hiệu quả thiết thực nhất cho chiến lược kích cầu du lịch Hội An.

Trao đổi bên lề toạ đàm “Kích cầu du lịch nhìn từ thực tiễn Hội An” do TheLEADER và Hiệp hội du lịch Quảng Nam tổ chức, ông Việt vô cùng trăn trở: "Là thành viên của Hiệp hội du lịch Quảng Nam, chúng tôi đã họp với nhau rất nhiều lần, bàn bạc đủ thứ, có cả những hội nghị quan trọng về kích cầu du lịch, nhưng để tìm ra một chiến lược chung thì chưa, nên cứ mạnh ai đưa ra chương trình kích cầu của riêng mình, chưa tạo ra sức mạnh tổng lực để làm thay đổi thị trường, thay đổi khách hàng".

Cách nào để xoá tư tưởng 'Hội An là Đà Nẵng + 1'
Ông Lê Quốc Việt - Giám đốc Công ty MTV Santa Việt Nam

Theo ông Việt, sự liên kết giữa các doanh nghiệp làm du lịch ở Hội An còn rất yếu. Ngay như dọc con phố Nguyễn Phan Vinh nơi ông đang sống và kinh doanh biệt thự du lịch, có rất nhiều nhà hàng, homestay, khách sạn đẹp và độc đáo của Hội An, nhưng để ngồi lại được với nhau cùng chạy một chương trình nào đó nhằm thu hút du khách nội địa cũng không làm được. 

Ví như một chuyện rất đơn giản như mấy biệt thự, homestay, khách sạn ở mặt tiền phố có thể liên kết với nhau để cùng thuê một chiếc xe buýt đón khách từ sân bay về sẽ tạo thuận lợi và giảm chi phí cho cả người kinh doanh lẫn du khách. 

"Biệt thự của tôi có ngày chỉ vài người khách, homestay nhà khác cũng vậy, thuê nguyên chuyến xe sẽ rất lãng phí. Nhưng cho đến giờ thì chuyện đó vẫn chưa làm được. Tình trạng đóng cửa ngủ đông ở con đường có bờ biển rất đẹp này vẫn dài dài, hoặc hoạt động rất cầm chừng, huống chi nói đến cả Hội An," ông Việt nói.

Hơn lúc nào hết, theo ông Việt, du lịch Hội An đang cần một nhạc trưởng. Các cơ quan ban ngành phải hệ thống lại để đưa ra kế hoạch cụ thể, giải pháp kịp thời, phù hợp với Hội An. Mọi thứ đang thay đổi quá nhanh, do vậy đừng sợ đưa ra kế hoạch sẽ bị lỗi thời ngay, kế hoạch phải luôn được cập nhật, làm mới. Nếu cứ mạnh ai nấy làm, không có tổ chức, không được thống nhất từ chính quyền đến các hiệp hội, doanh nghiệp sẽ khó hiệu quả. Có một lộ trình mới vận hành đúng hướng trong ngắn hạn và dài hạn, mới phát triển bền vững…

"Tôi biết các lãnh đạo tỉnh cũng đang rất lo, tính toán và ra quyết định. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu ngân sách của Quảng Nam năm nay bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không lo sao được, vì đó là cuộc sống của dân, là an ninh xã hội. Tôi tin lãnh đạo tỉnh sẽ có giải pháp, nhưng phải nhanh hơn, quyết liệt hơn. Tạo ra sự kiện như chú Nguyễn Sự (nguyên Bí thư Thành uỷ Hội An) nói là hoàn toàn đúng, khuếch trương sự kiện phải có lộ trình. Các cơ quan ban ngành phải đồng lòng với doanh nghiệp mới có thể triển khai chiến lược này để thu hút khách về”, ông Việt khẳng định

Theo anh, làm thế nào để xoá bỏ tư tưởng Hội An chỉ là Đà Nẵng +, biến Hội An trở thành một trung tâm du lịch?

Ông Lê Quốc Việt: Hội An hội tủ đầy đủ mọi yếu tố để trở thành một trung tâm du lịch cạnh tranh sòng phẳng với Đà Nẵng. Vấn đề là làm thế nào để mọi người dân Hội An, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng như chính quyền đồng lòng tạo dựng, bày cỗ đón du khách.

Hiện tại chúng ta đang cần khách nội địa, vậy phải tìm hiểu xem khách nội địa cần gì, mong muốn cái gì để ở lại Hội An lâu hơn, khám phá Hội An nhiều hơn mà không thấy buồn chán. Vì từ trước tới nay mọi người đang tập trung vào khách quốc tế, nhưng bây giờ thì khách nào cũng phải quý như nhau, miễn là khách đàng hoàng, tử tế.

Đặc thù của Hội An là văn hoá và sinh thái, vậy mình phải tìm đúng nguồn khách có chiều sâu văn hoá và yêu sinh thái, đến đây nghỉ dưỡng. Mỗi phân khúc khách hàng có thị trường riêng, khách sôi động, trẻ trung có thể đến Đà Nẵng, khách trầm lắng và từng trải đến Hội An nghỉ dưỡng sẽ phù hợp hơn. 

Phải tìm hiểu kỹ càng xem đối tượng khách này đang gặp phải những trở ngại nào để giải quyết những vấn đề đó, ví dụ như đi lại thuận tiện hơn, các điểm vui chơi về đêm hấp dẫn hơn, ăn uống độc đáo, tươi ngon và an toàn hơn cho sức khoẻ.

Khi tìm ra những điểm nghẽn đó, doanh nghiệp và nhà quản lý phải cùng ngồi lại với nhau để giải quyết. Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng chợ đêm, mở rộng nhanh hơn các dự án mặt biển. Những điểm này đã có quy hoạch hết rồi, chỉ cần đẩy nhanh tiến độ hơn. Bên cạnh đó toàn xã hội phải chung tay đẩy mạnh thông điệp đến đối tượng khách mục tiêu mà mình nhắm tới, tiếp thị bằng mọi phương tiện của thời đại 4.0

Trước đây du khách chỉ biết đến Hội An mà ít biết tới Quảng Nam, phải làm sao quảng bá cho những điểm đến khác của Quảng Nam cũng rất hấp dẫn, đa dạng. Du lịch Việt Nam có cái gì thì du lịch Quảng Nam có cái đó, như làng cổ, phố cổ, văn hoá phi vật thể, biển đảo, sông hồ, núi rừng… đều rất tuyệt vời. 

Làm thế nào đẩy những hình ảnh, thông điệp đó đến khách du lịch nói chung để mọi người biết Hội An không chỉ có phố cổ, không chỉ có Mỹ Sơn. Lúc đó du khách sẽ sẵn sàng lựa chọn Hội An cho kỳ nghỉ của mình, và từ Hội An toả đi tham quan khám phá các địa điểm khác ở Quảng Nam. Tây Giang rất đẹp và hoang sơ, có Đỉnh Quế, rừng Pơmu, văn hoá Cơ Tu… Đông Giang có Cổng Trời, Nam Trà Mi, Bắc Trà Mi… những điểm du lịch rất tuyệt vời chưa được khám phá.

Tôi đã đề xuất với chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam tổ chức những famtrip cho những nhân vật có tiếng trong giới phượt, giới du lịch khám phá đi khai phá những tour đó. Từ các bài viết hấp dẫn, hình ảnh phong phú của họ sẽ lan toả những thông điệp về sự hoang sơ, hấp dẫn của Quảng Nam một cách thuyết phục, thu hút du khách đại trà hơn.

Nếu làm được như vậy Quảng Nam sẽ xây dựng được thương hiệu du lịch cho riêng mình, biến Hội An thành trung tâm du lịch của cả nước, xoá được tư tưởng coi Hội An chỉ là Đà Nẵng + 1. Từ đó thu hút lượng khách nhiều hơn, giúp tiêu thụ nguồn cung về phòng cũng như các dịch vụ ở Hội An hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 do bị hẫng nguồn khách quốc tế. Thậm chí du khách sẽ từ Hội An đi du lịch Đà Nẵng, thay vì trước đây ở Đà Nẵng và đến Hội An chỉ là một buổi tham quan.

Điều này vừa giúp Hội An giải quyết nguồn khách trong ngắn hạn và dài hạn, đồng thời vẫn giữ được bản sắc của Hội An mà không bị lượng khách xô bồ làm ảnh hưởng chiều sâu văn hoá và du lịch Hội An

Từng có một cơ nghiệp vững vàng ở Hà Nội, vì sao anh và gia đình lại chọn Hội An làm quê hương thứ hai và nỗ lực góp phần cho phát triển du lịch chung?

Ông Lê Quốc Việt: Tôi ở đây đã 5 năm, cảm thấy tuyệt vời lắm. Con người Hội An rất hay, phóng khoáng, sống chậm. Cảnh quan chỗ nào cũng thơ mộng, đi dọc sông Cổ Cò, chỉ nhìn những bãi cỏ năn, cỏ lác mênh mang thôi cũng đã mê rồi. Có thời gian ngắn học tập ở một thành phố nhỏ nước Mỹ, tôi nhớ mãi slogan của thành phố là “Big Sky”, nghĩa là bầu trời rộng mở. 

Hội An cũng có những khoảng không rộng mở như thế, chẳng cần đi đâu xa. Những rừng dừa, đầm sen, ngôi chùa cổ… tất cả đều chứa đựng giá trị văn hoá khiến mình phải khám phá, nhất là với một người Hà Nội như tôi.

Học chuyên ngành sử của Đại học tổng hợp Hà Nội, ra trường năm 1992, tôi rẽ sang làm du lịch suốt từ đó đến bây giờ. Từng sang Mỹ với học bổng ngắn hạn cho đề tài “Bảo tồn những giá trị tự nhiên và văn hoá để áp dụng vào du lịch”, tôi thấm thía hơn ai hết giá trị của Hội An. Làm thế nào để áp dụng những điều đó vào Hội An là điều tôi tâm huyết. Với Santa, tôi đang muốn tạo dựng một hệ sinh thái du lịch và việc làm cho Hội An.

Mỗi khi rảnh là tôi ngồi viết đề án để bảo tồn và phát triển cho Hội An. Ví dụ như làm thế nào để thu hút khách du lịch cho mùa mưa ở Hội An chẳng hạn. Mùa mưa Hội An cũng rất đẹp, những cơn mưa nhỏ nhẹ là mùa của rêu phong cổ kính.

Điều tôi băn khoăn là những điểm đến quen thuộc như làng rau Trà Quế, Cẩm Thanh, làng lụa An Mỹ… thay vì du khách chỉ biết đi vòng vòng ngắm lúa, ngắm rau rồi về, phải làm sao cho nó “nét” hơn cho du khách mãn nhãn, muốn tìm hiểu sâu hơn. Chẳng hạn như có một ngôi nhà cộng đồng cho du khách dừng chân, uống nước lá Cù Lao Chàm, nghe giới thiệu về văn hoá nơi đó. 

Cần làm mới những điểm đến đó cho đối tượng khách nội địa có chiều sâu văn hoá và khách quốc tế muốn tìm hiểu, giao tiếp, trải nghiệm sâu hơn.

Theo tôi biết, ngay cả trong lúc này, khách quốc tế cũng đang rất mong được trở lại Hội An. Có khách nước ngoài liên hệ với tôi đặt tour nghỉ dưỡng, trong đó có từ thiện, thiền, yoga, đạp xe, những hoạt động sâu hơn so với trước đây. Rõ ràng khách châu Âu cũng đã thay đổi xu hướng du lịch sau dịch Covid-19, người ta muốn tĩnh tâm lại, chú ý đến sức khoẻ, tâm hồn của mình hơn. Người Việt mình cũng vậy. Chúng tôi đang chờ hết Covid-19 sẽ tung ra tour nghỉ dưỡng này.

Anh có lo ngại Hội An nếu phát triển quá nhanh sẽ bị băm nát như một số điểm du lịch khác? Liệu làn sóng di dân ào ạt của người Hà Nội và các tỉnh sẽ khiến cho những giá trị văn hoá, con người vốn có ở đây sẽ bị biến dạng không?

Ông Lê Quốc Việt: Đó là điều nhiều người lo lắng! Về quy hoạch, xây dựng, phát triển du lịch, hạ tầng hiện nay chính quyền Hội An đang quản lý khá tốt, nhưng có khi lực bất tòng tâm! Nếu đồng lòng thì dự án có thể chỉ cần xin ở Hội An mà không cần đến Quảng Nam, thậm chí tận Hà Nội, và không làm ảnh hưởng đến bản chất Hội An. Việc bê tông hoá kênh mương, hoặc sông Cổ Cỏ nếu kè cứng bê tông sẽ làm mất đi cảnh quan thiên nhiên. Phải cân nhắc rất kỹ càng giữa phát triển và bảo tồn.

Thực ra tôi biết lãnh đạo Hội An và người Hội An nói chung rất lo làn sóng xâm thực văn hóa của người Hà Nội và người ngoài Bắc vào đây, và luôn phòng thủ để chống lại sự xâm thực đó. Nhất là kiểu trọc phú có tiền vào đây đầu tư, không coi ai ra gì, kinh doanh vô tội vạ, phá giá, không có tính cộng đồng… 

Nhưng tôi thấy đó chỉ là thiểu số, cái gì cũng có hai mặt. Những người đã tạm xa quê hương vào đây hẳn là vì yêu thích Hội An, thấy mình phù hợp với văn hoá Hội An. Ví dụ như tôi chẳng hạn, vào đây vì thấy Hội An giống với Hà Nội những năm 80-90. Tôi là người Hà Nội gốc, tôi nhìn thấy Hà Nội ngày xưa của tôi ở Hội An, tất nhiên tôi phải có trách nhiệm gìn giữ nó chứ không thể phá nó.

Cũng có người lo tính cách người Hà Nội quá mạnh mẽ, thiên về kinh tế, sẽ làm hỏng Hội An. Đó là trách nhiệm của nhà quản lý trong quá trình phát triển, phải gạn đục khơi trong, hạn chế những ảnh hưởng xấu và kích hoạt những điểm tích cực.

Xin cảm ơn anh!