Chiến lược mới giúp Việt Nam mở rộng điện mặt trời

Minh Nhật - 15:21, 13/02/2020

TheLEADERĐấu thầu cạnh tranh trong lựa chọn và triển khai các dự án điện mặt trời có thể giúp Việt Nam gia tăng công suất gấp vài lần và tạo thêm hàng chục ngàn việc làm.

Giá bán điện mặt trời ưu đãi cố định (FIT) mang lại kết quả vượt kỳ vọng

Các nhà hoạch định chính sách về năng lượng tái tạo của Việt Nam nhờ sự kiên định trong công tác quản lý chương trình giá FIT áp dụng cho điện mặt trời đã được đền đáp bằng những thành tích ấn tượng về công suất năng lượng tái tạo, Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA) đánh giá.

Các đơn vị phát triển điện mặt trời mới có công suất điện hòa lưới trước cuối tháng 6 năm ngoái được áp dụng mức giá 0,0935 USD/kWh và có thời hạn 20 năm theo quyết định của Bộ Công Thương. Mức giá này đã khuyến khích nhiều nhà đầu tư tham gia, tạo thành một cuộc đua trong nửa đầu năm 2019.

Theo Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, gọi tắt là Quy hoạch điện VII điều chỉnh ban hành năm 2016, Việt Nam đặt mục tiêu 12 gigawatt (GW) công suất điện mặt trời.

Chính phủ cũng đề ra các mục tiêu trung gian 850 megawatt (MW) điện mặt trời vào năm 2020 và 4 GW vào năm 2025. Tuy nhiên, mục tiêu năm 2025 đã đạt được vào giữa năm ngoái khi công suất ở mức hơn 4,5 GW.

IEEFA đánh giá đây là kết quả tích cực bởi trước đó các chuyên gia khu vực đã cẩn trọng về việc liệu chương trình có đem lại đủ lợi ích cho các nhà tài trợ trước các rủi ro thị trường hay không.

Sự phát triển trên sẽ hỗ trợ kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam giữa thời điểm các dự án nhiệt điện than đối mặt với các thách thức mới về môi trường và gây tổn hại về mặt kinh tế.

Bà Melissa Brown, cố vấn tài chính năng lượng của IEEFA, nhận định chương trình điện mặt trời thành công của Việt Nam là một điểm nhấn nổi bật giữa các thị trường năng lượng phát triển nhanh ở khu vực Đông Nam Á.

“Việc hòa được vào lưới điện khoảng 4,5 GW công suất điện mặt trời mới trong hai năm là một thành tựu to lớn. Điều này thực sự khẳng định được những tham vọng về năng lượng tái tạo của Chính phủ Việt Nam”, bà Brown nhấn mạnh.

Chiến lược mới giúp Việt Nam mở rộng quy mô điện mặt trời

Mặc dù chiến lược giá FIT đã thành công trong việc thúc đẩy triển khai nhanh các dự án trong những năm gần đây, biểu giá ưu đãi cố định này cũng làm phát sinh những vấn đề mới, trong đó có rủi ro “giảm phát” – hiện tượng các dự án điện mặt trời phải hoạt động dưới công suất phát điện lắp đặt.

World Bank (Ngân hàng Thế giới) trong báo cáo công bố mới đây đã kiến nghị hai phương án mới cho việc triển khai dự án, bao gồm đấu thầu cạnh tranh công viên điện mặt trời và đấu thầu cạnh tranh theo trạm biến áp, tức đấu thầu cạnh tranh dựa vào công suất khả dụng ở các trạm biến áp điện/lộ đường dây.

Các phương pháp tiếp cận này được đánh giá sẽ giải quyết được vấn đề về giảm phát cũng như cải thiện chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân.

Đấu thầu điện mặt trời: Hy vọng cho sự bứt phá năng lượng tiếp theo
Một cuộc đua về điện mặt trời đã bùng nổ trong nửa đầu năm 2019.

Cụ thể, trong đấu thầu cạnh tranh tại trạm biến áp, Chính phủ Việt Nam sẽ xác định các trạm biến áp ở các tỉnh với giới hạn công suất kết nối dành cho điện mặt trời và mở thầu công suất nhất định tại mỗi trạm.

Mô hình này được khuyến nghị áp dụng tại Việt Nam do giúp tối ưu hóa sử dụng công suất truyền tải hiện có khi triển khai các dự án điện mặt trời giúp giảm chi phí phát sinh tiềm tàng để tích hợp năng lượng tái tạo và giảm rủi ro hạn chế.

Tuy nhiên, nếu số lượng trạm biến áp được chọn quá ít, có thể xảy ra cạnh tranh lớn đối với đất xung quanh trạm biến áp đó và đẩy giá trong hợp đồng mua bán điện.

Trong đấu thầu cạnh tranh công viên điện mặt trời, Chính phủ Việt Nam sẽ xác định các địa điểm, tiến hành giải phóng mặt bằng và đầu tư vào cơ sở hạ tầng thiết yếu nếu được thỏa thuận như hàng rào, cấp nước.

Tổng công ty truyền tải điện quốc gia cùng các tỉnh cam kết thực hiện đầu tư vào hạ tầng công viên điện mặt trời.

Khi dự án đạt đến “trạng thái sẵn sàng để đấu thầu cạnh tranh”, tức là đã được chấp thuận và có các phê duyệt cần thiết, quy trình đấu thầu cạnh tranh bắt đầu và các đơn vị sản xuất điện độc lập (IPP) thắng thầu sẽ chịu trách nhiệm thu xếp tài chính, xây dựng và vận hành dự án điện mặt trời.

Mô hình này có thể thu hút các công ty lớn hơn và ít chấp nhận rủi ro hơn. Các nhà đầu tư toàn cầu, những người thường cảnh giác với các rủi ro pháp lý và phát triển sở tại, nhiều khả năng sẽ tham gia phương án này.

Công viên điện mặt trời giúp giảm đáng kể rủi ro phát triển, đặc biệt là trong giải phóng mặt bằng và chấp thuận và rút ngắn thời gian phát triển cho khu vực tư nhân, giúp tiết kiệm chi phí và từ đó giảm giá trong hợp đồng mua bán điện.

Tuy nhiên, cơ quan thực hiện cần có thời gian và ngân sách trả trước để phát triển các công trình trong công viên điện mặt trời trước khi tiến hành đấu thầu. Có rủi ro là cơ sở hạ tầng dự kiến từ chính phủ không được xây dựng theo mốc thời gian đã thỏa thuận với IPP thắng thầu, dẫn đến gia tăng chi phí đối với chính phủ.

Đợt đấu thầu thí điểm đầu tiên, bao gồm đấu thầu cạnh tranh quy mô 500 MW theo trạm biến áp và 500 MW theo công viên điện mặt trời mặt đất dự kiến bắt đầu vào nửa cuối năm 2020 với hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của World Bank.

Theo phân tích chuỗi cung cấp thực hiện, báo cáo chỉ ra rằng mục tiêu 12 GW điện mặt trời trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh dự kiến mỗi năm sẽ tạo ra 25.000 việc làm toàn thời gian trong phát triển dự án, dịch vụ vận hành và bảo trì trong giai đoạn đến năm 2030.

Hầu hết các việc làm này được định hướng xuất khẩu và phụ thuộc vào Việt Nam duy trì thị phần hiện tại trong thị trường điện mặt trời toàn cầu. Điều này lại phụ thuộc trở lại vào việc quốc gia duy trì được sức hấp dẫn của mình đối với các hãng sản xuất tấm năng lượng mặt trời trên thế giới.