‘Chuyển đổi kép’ ở Bóng đèn phích nước Rạng Đông

Phạm Sơn - 15:35, 19/04/2024

TheLEADERNghiên cứu áp dụng những thành tựu công nghệ vào sản xuất giúp Bóng đèn phích nước Rạng Đông lột xác từ một công ty sản xuất hàng gia dụng trở thành công ty công nghệ, đóng góp tích cực vào công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của đất nước.

‘Chuyển đổi kép’ ở Bóng đèn phích nước Rạng Đông
Ông Nguyễn Đoàn Kết tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh. Ảnh: VOV

Năm 2023, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông ghi nhận được mức tăng trưởng trên 20%, một con số rất tích cực trong bối cảnh nền kinh tế đối diện với những thách thức, rủi ro chưa từng có.

Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giảm đốc Bóng đèn phích nước Rạng Đông, cho biết, mức doanh thu trên đến từ việc ứng dụng công nghệ để tiết giảm nguyên vật liệu, giảm tiêu hao năng lượng, tăng cường năng suất, mở rộng và cải tiến chất lượng sản phẩm.

Đó là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ nhân viên và ban lãnh đạo nhằm chuyển đổi thành doanh nghiệp công nghệ cao, trên nền tảng là công ty sản xuất hàng tiêu dùng có hơn 60 năm tuổi.

Bài toán thích ứng

Thành lập theo quyết định của Chính phủ vào năm 1961, Rạng Đông là nhà máy đầu tiên sản xuất bóng đèn, phích nước tại khu vực Đông Dương. Kể từ đó, những sản phẩm đầu tiên của nhà máy là chiếc bóng đèn tròn hay cái phích đựng nước sôi đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt.

Từ đó đến nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, đất nước và nền kinh tế chứng kiến nhiều sự biến chuyển. Đến khi những khái niệm về công nghệ số, cách mạng công nghiệp 4.0 dần trở nên phổ biến, ban lãnh đạo Rạng Đông hiểu được rằng doanh nghiệp đang đứng trước bài toán “thay đổi hay là chết”.

Ông Kết cho biết, đội ngũ Rạng Đông đã nghiên cứu nhiều mô hình của các tập đoàn trên thế giới nhằm đưa ra cho mình một chiến lược chuyển đổi số riêng, phù hợp với điều kiện và nguồn lực của doanh nghiệp.

Chiến lược của Rạng Đông dựa trên sáu trụ cột, bao gồm tạo ra hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ thông minh, thông minh hóa hệ thống sản xuất, tối ưu hóa hệ thống sản xuất, ứng dụng công nghệ số, vận hành xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh số và cuối cùng là phát triển marketing 4.0.

Chiến lược đã có nhưng việc thực hiện phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên, theo ông Kết, là việc làm sao để các loại máy móc, thiết bị có xuất xứ từ nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Nga, Đức, Hungary có thể “nói chuyện” được với nhau để cùng tích hợp thông tin lên một hệ thống.

Tiếp đến là bài toán về chi phí. Theo Phó chủ tịch Rạng Đông, các giải pháp chuyển đổi số toàn diện trên thế giới đã có sẵn nhưng được bán với giá rất cao, tiêu biểu như một quy trình giải pháp được Tập đoàn Siemens chào giá khoảng 2 triệu USD, chưa kể phải tốn thêm vài chục triệu USD để mua máy móc, thiết bị của họ, mới có thể ứng dụng giải pháp đó.

Rạng Đông lựa chọn nghiên cứu, học hỏi các ý tưởng trên thế giới, vận dụng sức mạnh từ tri thức và óc sáng tạo của người Việt để tinh chỉnh thành giải pháp phù hợp với mức giá phải chăng nhất.

Một loạt giải pháp công nghệ của Rạng Đông ra đời từ cách thức này. Chẳng hạn như hệ thống thông minh giúp “ánh xạ” cơ cấu sản phẩm vật lý lên không gian số, được ứng dụng như một hộp cát (sandbox) cho Rạng Đông thử nghiệm các giải pháp mới, hay trung tâm điều hành thông minh giúp nâng cao năng suất hệ thống máy móc.

Từ số đến xanh

Ông Kết cho biết, chuyển đổi số đóng vai trò nền tảng và là điều kiện cần cho chuyển đổi xanh ở Rạng Đông. Bởi lẽ, công nghệ giúp tối ưu năng lượng, nâng cao năng suất, hiệu quả, từ đó tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải.

Chẳng hạn như lò nung thủy tinh trước đây thường được đun nóng bằng dầu FO, có tỷ lệ năng lượng hữu ích khoảng 20%, tức là 80% năng lượng chuyển thành nhiệt năng thất thoát.

Chuyển đổi số đóng vai trò nền tảng và là điều kiện cần cho chuyển đổi xanh ở Rạng Đông

Nhờ vào công nghệ, Rạng Đông chuyển sang dùng điện để nung lò thủy tinh, nâng hiệu suất lên đến 85 – 90%. Ngoài ra, lò nung thủy tinh điện không cần ống khói, tức là hoàn toàn không phát sinh chất thải gây ô nhiễm.

Hoặc như việc ứng dụng các công nghệ quản trị dây chuyền sản xuất giúp máy móc hoạt động chính xác hơn. Từ đó, Rạng Đông giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi xuống mức thấp nhất, tiết kiệm nhiều tài nguyên đầu vào. Một số nguyên liệu gây ảnh hưởng xấu tới môi trường như amiang cũng được loại bỏ khỏi quy trình sản xuất.

Không chỉ tự mình xanh hóa nhà máy, các sản phẩm của Rạng Đông, nhờ tích hợp các công nghệ thông minh, còn đồng hành giảm thiểu dấu chân carbon cho người tiêu dùng cũng như cho các hoạt động kinh tế khác.

Chẳng hạn như những chiếc bóng đèn LED đã tiết kiệm điện và có tuổi thọ cao hơn bóng đèn sợi đốt rồi, còn được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động tinh chỉnh độ sáng tùy theo nhu cầu sử dụng, qua đó tiết kiệm điện năng tiêu thụ.

Hoặc các loại đèn sử dụng trong nông nghiệp được Rạng Đông nghiên cứu để phát ra những quang phổ có bước sóng phù hợp hơn với cây trồng, vật nuôi. Qua thực nghiệm, một số loại trái cây như thanh long, dưa lưới đã tăng 10 – 15% năng suất cũng như độ ngọt, đồng thời tiết kiệm hàng chục triệu đồng trên mỗi héc ta nhờ sử dụng loại đèn thông minh của Rạng Đông.

Đó là cách Rạng Đông tiếp tục ghi dấu ấn đối với người tiêu dùng, tiếp tục đồng hành với nền kinh tế.

Ông Kết cho biết, sau bốn năm thực hiện chiến lược “chuyển đổi kép” (chuyển đổi số và chuyển đổi xanh), Rạng Đông ghi nhận mức tăng trưởng bình quân từ 15 – 20% mỗi năm. Quý I vừa qua, dù kinh tế vẫn nhiều khó khăn, công ty đạt mức tăng trưởng mạnh lên đến gần 33%.

“Đây chính là kết quả của việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng và mở ra không gian tăng trưởng mới”, lãnh đạo Rạng Đông khẳng định.