Chuyên gia UNDP: Quản trị là chìa khóa để chống tham nhũng ở Việt Nam

Thu Uyên - 15:49, 10/04/2019

TheLEADERVới Luật Phòng chống tham nhũng 2018 chuẩn bị có hiệu lực, lần đầu tiên các quy định về phòng chống tham nhũng bao trùm tới cả khu vực tư nhân.

Chuyên gia UNDP: Quản trị là chìa khóa để chống tham nhũng ở Việt Nam
Bà Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc quốc gia, Trưởng phòng Quản trị và tham gia UNDP

Cơ hội và thách thức đang đặt ra đối với các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Bà Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc quốc gia của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã có những chia sẻ với TheLEADER xoay quanh vấn đề này.

Bà đánh giá thế nào về công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay?

Bà Catherine Phương: Hiện nay có khoảng một nửa số quốc gia trên thế giới có các quy định rõ ràng bằng văn bản về phòng chống tham nhũng, đáng mừng là Việt Nam cũng nằm trong số này. Đã có những khảo sát được tiến hành chỉ ra rằng Việt Nam đang phải đứng trước nhiều vấn đề, không chỉ liên quan tới khu vực công mà còn cả khu vực tư nhân. Bởi vậy khi đề cập tới vấn đề tham nhũng, chúng ta không chỉ đề cập tới các cơ quan nhà nước mà còn bao gồm cả các doanh nghiệp.

Điều đáng nói về những nỗ lực chống tham nhũng gần đây chính là lần đầu tiên các quy định về phòng chống tham nhũng bao trùm tới cả khu vực tư nhân, đây thực sự là một cột mốc quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức trong việc đưa bộ luật này vào thi hành trong thực tế và cải thiện vấn đề liêm chính trong kinh doanh. 

Một thách thức lớn ở Việt Nam là hầu hết doanh nghiệp tập trung rất nhiều vào lợi nhuận ngắn hạn. Họ cần nhận thức được rằng tính bền vững và sự liêm chính trong kinh doanh là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Sự liêm chính trong kinh doanh chính là điều kiện tiên quyết để gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cơ hội gia nhập thị trường quốc tế.

Đối với Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi sẽ có hiệu lực vào tháng 7 tới đây, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã thể hiện sự ủng hộ và đánh giá cao. Bà nhìn nhận thế nào về những điểm tích cực của bộ luật mới này?

Bà Catherine Phương: Các doanh nghiệp đánh giá cao bộ luật mới bởi nó sẽ thực sự giúp doanh nghiệp củng cố mô hình kinh doanh liêm chính. Chúng tôi cũng hy vọng rằng luật mới sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cải thiện, củng cố sự liêm chính trong kinh doanh. Có thể các doanh nghiệp chưa quan tâm tới vấn đề này trước đây nhưng luật mới có hiệu lực sẽ khuyến khích họ làm vậy.

Hành động cần thiết ngay trước mắt là hợp tác để hỗ trợ các doanh nghiệp có mong muốn thực hiện nhưng còn lúng túng, cung cấp cho các doanh nghiệp những thông lệ tốt, những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác có thể áp dụng tại Việt Nam. 

Có rất nhiều công ty đa quốc gia tại Việt Nam đã phát triển cơ chế liêm chính trong kinh doanh rất hoàn thiện, các tài liệu, thực tiễn tốt, ví dụ tốt sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thách thức lớn hơn sẽ đặt ra đối với các doanh nghiệp nhỏ bởi khó khăn trong phát triển cơ chế kiểm soát nội bộ, dù vậy, vẫn còn nhiều cách khác có thể học hỏi để xây dựng một cơ chế liêm chính trong kinh doanh phù hợp.

Vậy còn những điểm hạn chế và khó khăn đối với doanh nghiệp trong việc tiếp cận và áp dụng bộ luật mới này, đặc biệt là với doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam thì sao, thưa bà?

Bà Catherine Phương: Những thắc mắc về bộ luật mới này đang gia tăng nhưng điều này rất có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Bởi nó sẽ giúp doanh nghiệp nắm rõ được những vấn đề họ áp dụng được từ luật, trách nhiệm là gì và cần phải làm gì. Cũng như một công dân, điều quan trọng nhất với doanh nghiệp là nắm rõ hành động nào là hợp pháp và bất hợp pháp. 

Vì vậy tại thời điểm bộ luật mới chuẩn bị có hiệu lực và còn nhiều điểm phức tạp như hiện nay, hầu hết doanh nghiệp sẽ phải cố gắng tìm hiểu những tác động của luật mới tới hoạt động của mình.

Đồng thời, việc doanh nghiệp có cơ hội tham gia vào quá trình đóng góp ý kiến cho bộ luật cũng vô cùng quan trọng. Bởi nếu luật chỉ được ban hành bởi cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân không được tham gia đóng góp hay xây dựng thì sẽ rất khó để đảm bảo luật mới hữu ích và rõ ràng với doanh nghiệp. Do đó, việc chính phủ tạo cơ hội cho doanh nghiệp bình luận và cung cấp phản hồi trong quá trình xây dựng luật là rất quan trọng.

Như bà đã đề cập, luật mới vẫn còn những điểm phức tạp, vậy bà có lời khuyên gì để những quy định của luật trở nên thực tiễn, gần gũi hơn với doanh nghiệp và giúp Việt Nam thu hút được nhiều hơn đầu tư từ nước ngoài?

Bà Catherine Phương: Luật phức tạp không phải một vấn đề tiêu cực bởi vì Việt Nam đang đứng trước nhiều vấn đề phải xử lý và đây là một tín hiệu tích cực cho thấy nỗ lực giải quyết tất cả các vấn đề còn tồn tại. Thách thức lớn đối với Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển là khoảng cách giữa luật pháp và việc thực thi luật pháp. 

Bởi vậy cần cải thiện năng lực của các cơ quan nhà nước để phổ biến và hỗ trợ việc thực thi pháp luật hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng và nâng cao năng lực của cộng đồng doanh nghiệp trong vấn đề áp dụng pháp luật. Điều này đòi hỏi một quá trình lâu dài, bởi mọi thứ không thể thay đổi chỉ sau một đêm.

Bà đánh giá thế nào về thực tế thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện nay?

Bà Catherine Phương: Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang ngày càng mạnh mẽ nhưng có một thực tế khác cần quan tâm đó là chất lượng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Dường như chúng không thực sự đem tới nhiều lợi ích cho nền kinh tế và người dân Việt Nam. Có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài tới Việt Nam hoạt động và sau đó phần lớn lợi nhuận trở lại đất nước của họ.

Bởi vậy tôi cho rằng thách thức đặt ra là làm sao để cải thiện được chất lượng đầu tư nước ngoài. Chắc chắn là không thể có một giải pháp thần kỳ nào nhưng một lần nữa, vấn đề quản trị lại nắm vai trò rất quan trọng. Cần có những biện pháp cụ thể để đảm bảo tiếp tục thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đồng thời nâng cao chất lượng của các khoản đầu tư đó.

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Bà đánh giá thế nào về vai trò của vấn đề phòng chống tham nhũng và cải thiện sự liêm chính trong kinh doanh đối với việc thực hiện mục tiêu này?

Bà Catherine Phương: Việt Nam hiện là một quốc gia có thu nhập trung bình và tham vọng của Chính phủ Việt Nam là phát triển thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao. Từ kinh nghiệm của những quốc gia khác, có thể thấy cải thiện quản trị là một khía cạnh vô cùng quan trọng. 

Quản trị là chìa khóa! Quản trị không chỉ là quản trị công mà còn bao gồm quản trị kinh tế, đó chính là lý do vì sao sự liêm chính trong kinh doanh lại quan trọng. Việt Nam cần xử lý và cải thiện vấn đề này để tiếp tục phát triển và vươn tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Xin cảm ơn bà!