Đằng sau việc Techcombank nhận cầm cố trái phiếu doanh nghiệp

Minh An - 09:47, 23/01/2019

TheLEADERCác khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp iBond do Công ty chứng khoán thuộc Techcombank tư vấn phát hành có thể cầm cố trái phiếu này tại chính ngân hàng để vay tiền.

Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Kỹ thương (TCBS), thuộc ngân hàng Techcombank, cho biết trong năm 2018, công ty này thu về hơn 1.226 tỷ đồng nhờ nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành. Nguồn thu này đến chủ yếu từ việc tư vấn phát hành trái phiếu cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Vingroup, Masan, Novaland…

TCBS cho biết trong năm 2018 đã thiết lập kỷ lục khi phát hành thành công gần 62.000 tỷ đồng trái phiếu cho các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Trước đó, trong giai đoạn 2014-2017, TCBS đã tư vấn phát hành tổng cộng 99.000 tỷ đồng giá trị trái phiếu.

Các đợt phát hành lớn diễn ra liên tục giúp TCBS nắm giữ khoảng 40% thị phần tư vấn phát hành và hơn 80% thị phần môi giới trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và duy trì vị thế này trong nhiều năm qua.

Để tiêu thụ hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu môi năm, TCBS đã bán cho các khách hàng cá nhân và tổ chức thông qua nhiều kênh khác nhau trong đó có 284 chi nhánh của Techcombank.

Công ty cũng thiết kế riêng một một sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp dành cho khách hàng cá nhân (iBond). Sản phẩm này đã thu hút hơn 18 nghìn khách hàng tham gia đầu tư. Trong tuần gần nhất 642 tỷ đồng trái phiếu iBond đã được bán ra, tuần trước đó là 521 tỷ đồng. Quy mô sản phẩm iBond của TCBS được cho là đã vượt 55 nghìn tỷ đồng.

Đằng sau việc Techcombank nhận cầm cố trái phiếu doanh nghiệp
Một số trái phiếu đang chào bán trên iBond

Giới thiệu về ưu thế vượt trội của sản phẩm này, TCBS cho biết ngoài tính an toàn và lợi suất cao, trái phiếu iBond có thể được cầm cố để vay tại Techcombank trong trường hợp khách hàng cần tiền nhưng chưa muốn bán trái phiếu.

Công ty không công bố về tỷ lệ sản phẩm iBond được cầm cố để vay tại Techcombank. Nhưng đây có lẽ là sức hút đặc biệt của sản phẩm này giúp TCBS thành công trong những năm qua.

Sản phẩm iBond đã mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, góp phần huy động hiệu quả các nguồn vốn vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nhưng khi được cầm cố tại ngân hàng để vay vốn, sản phẩm này đã trở thành công cụ trung gian, qua đó tiền từ Techcombank trở thành nguồn tài chính cung cấp cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trước đó.

Trong khi nhu cầu vốn của các tập đoàn ngày càng cao, đặc biệt là các nhà phát triển bất động sản, thì khả năng cho vay của từng ngân hàng cho một hoặc 1 nhóm doanh nghiệp có liên quan bị giới hạn bởi các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, việc phát triển một công cụ tài chính với sự xuất hiện một chủ thể trung gian (khách hàng cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp) sẽ giúp ngân hàng có lợi thế lớn trong cạnh tranh cho vay.

Báo cáo tài chính hồi giữa năm ngoái của Techcombank cũng cho thấy, ngân hàng có tỷ lệ tài sản thế chấp, cầm cố và chiết khấu, tái chiết khấu bằng giấy tờ có giá lên đến 21%, và quy mô hơn 100 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 50% so với cuối năm 2017.

So với các ngân hàng có cùng quy mô tài sản thế chấp, cầm cố và chiết khấu như ACB, SHB hay Sacombank, giá trị tài sản bằng giấy tờ có giá của Techcombank vượt trội. Cụ thể, tại ACB chỉ khoảng 21 nghìn tỷ, SHB là hơn 23 nghìn tỷ còn Sacombank chỉ gần 6 nghìn tỷ.

Ngay cả tại Vietcombank, ngân hàng có quy mô tín dụng vượt xa Techcombank, giá trị tài sản cầm cố, thế chấp và chiết khấu bằng giấy tờ có giá chỉ khoảng 57 nghìn tỷ.

Cuối năm ngoái, một công ty chứng khoán khác trên thị trường cũng tiết lộ thông tin về một đợt phát hành trái phiếu quy mô 10.000 tỷ đồng cho một tập đoàn bất động sản. Lãi suất của trái phiếu không được tiết lộ nhưng các trái phiếu này không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm và không có bảo lãnh thanh toán.

Thông thường người mua của các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trước đây là các tổ chức tài chính nhưng gần đây, nhiều đợt phát hành trái phiếu được phân phối lẻ tại các điểm giao dịch ngân hàng nhằm cạnh tranh với hình thức tiền gửi tiết kiệm vốn có lãi suất kém hấp dẫn hơn.

Techcom Capital, một công ty quản lý quỹ thuộc Techcombank đang quản lý doanh mục trái phiếu gần 6.000 tỷ đồng cho biết, trong năm 2019, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi động với các tập đoàn lớn như EVN, Masan, Vingroup, Sungroup sẽ tiếp tục phát hành các loại trái phiếu trung hạn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.