Điện gió ngoài khơi gọi tên EVN

Nguyễn Cảnh - 10:53, 05/05/2024

TheLEADERTrong các phương án lựa chọn giao triển khai điện gió ngoài khơi thí điểm, EVN được xem là ứng cử viên “sáng giá” theo luận giải của Bộ Công thương.

Điện gió ngoài khơi gọi tên EVN
EVN được coi là ứng cử viên sáng giá lĩnh trách nhiệm phát triển thí điểm điện gió ngoài khơi, với nhiều lợi thế về kinh nghiệm, năng lực tích lũy (ảnh: Hoàng Anh)

Bộ Công thương đã hoàn thành dự thảo đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK) với thông tin toàn cảnh về khó khăn vướng mắc, cơ chế giải quyết để triển khai hiệu quả các dự án trong quy hoạch điện VIII.

Một trong những nội dung đáng chú ý là phương án lựa chọn nhà đầu tư thí điểm.

Theo Bộ Công thương, do tồn tại những vướng mắc hiện hữu về khung pháp lý cho ĐGNK nên lựa chọn nhà đầu tư quốc tế sẽ đối diện nhiều khó khăn, phức tạp chưa lường hết.

Về việc giao cho các tập đoàn kinh tế nhà nước như Tập đoàn dầu khí (PVN), Tập đoàn điện lực (EVN) hoặc Bộ Quốc phòng theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cách đây khoảng 2 tháng, Bộ Công thương cũng đưa phân tích rất chi tiết.

Trong đó, phương án chọn PVN cần được đánh giá phù hợp với chủ trương của Đảng về định hướng ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn này.

Cụ thể, Nghị quyết của Đảng chưa cho phép PVN được đầu tư ngoài ngành và ĐGNK. Thậm chí, thời gian qua PVN đã kiến nghị cấp thẩm quyền cho phép đầu tư ĐGNK nhưng chưa được chấp thuận.

Trạng thái này diễn ra trong bối cảnh PVN và các đơn vị thành viên sở hữu những lợi thế nhất định cũng như kinh nghiệm, năng lực khi triển khai thành công nhiều dự án dầu khí ngoài khơi nhiều năm trước.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), kinh nghiệm chuyên môn của ngành công nghiệp dầu khí có thể chi phối 40-50% chi phí một dự án ĐGNK.

Bằng chứng, các nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực ĐGNK hầu hết đều là các tập đoàn dầu khí lớn, như: Equinor, Shell, Repsol, Total, BP, Chevron hay Petronas. Trong đó, có trường hợp như Orsted của Đan Mạch đã chuyển hoàn toàn sang các dự án năng lượng tái tạo. Equinor (Na Uy) đã giảm dần tỷ trọng dầu khí và tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo với gần 12.000MW ĐGNK đang phát triển.

Trong khi đó, theo Bộ Công thương, với nhiều kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý vận hành các nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện, EVN sẽ có những lợi thế nhất định khi tận dụng kinh nghiệm, năng lực đã có trong triển khai ĐGNK.

Đồng thời, việc giao EVN đầu tư thí điểm cũng được cho là có ưu điểm nhất định do không phải tiến hành đàm phán giá điện. Nguyên nhân là EVN vừa là đơn vị mua điện vừa là đơn vị bán điện.

Đối với phương án giao đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương cho rằng cần đánh giá về sự phụ hợp với chủ trương của Đảng cũng như tính khả thi sau khi xem xét năng lực cụ thể.

Bộ Công thương cho biết thêm, theo ý kiến của đại diện Bộ Quốc phòng tại một tọa đàm diễn ra cuối tháng 3 vừa qua, Bộ này kiến nghị không giao thí điểm phát triển ĐGNK cho đơn vị thuộc Bộ do điều kiện về năng lực và kinh nghiệm. Tuy nhiên, một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng có thể tham gia một số khâu phù hợp trong quá trình thực hiện dự án.

Cuối cùng, đối với phương án giao cho tư nhân trong nước, Bộ Công thương cho rằng, chưa nên giao thí điểm khi chưa đánh giá hết các vấn đề về quốc phòng, an ninh, giá cũng như vướng mắc pháp luật.

Hiện tại, hành lang pháp lý dành cho ĐGNK vẫn còn nhiều vấn đề cần bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện.

Điển hình, hệ thống pháp luật hiện hành chưa có khái niệm, cách hiểu thống nhất để xác định thế nào là ĐGNK. Thông thường, ĐGNK được hiểu là dự án thực hiện cách xa bờ. Nhưng theo Bộ Công thương, các vùng biển Việt Nam khác biệt, không đồng đều về độ sâu đáy biển.

Vì vậy, nếu dùng khoảng cách so với đất liền thì không đảm bảo hợp lý về kỹ thuật, khác nhau về chi phí đầu tư giữa các dự án ĐGNK khác độ sâu đáy biển.

Thứ hai, đến nay tên, địa điểm, quy mô công suất, phương án đấu nối các dự án ĐGNK chưa được xác định, chưa có cơ sở để thực hiện các công việc liên quan.

Bên cạnh đó, do Nghị quyết 81/2023 của Quốc hội, không định hướng phát triển năng lượng tái tạo tại các vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ nên việc phát triển ĐGNK tại vùng biển các khu vực này sẽ không phù hợp.

Đặc biệt, tham chiếu nội dung liên quan tại Luật Đầu tư năm 2020, Bộ Công thương nhận định chưa rõ thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án ĐGNK.

Liên quan đến giá điện, Bộ Công thương nhấn mạnh, trong trường hợp giá mua điện của dự án ĐGNK cao hơn giá bán điện của EVN hoặc làm EVN thua lỗ, thì về nguyên tắc EVN có quyền từ chối mua điện để “bảo toàn và phát triển vốn” của EVN.

Nguyên tắc này, xuất phát từ Nghị định 26/2018 của Chính phủ về điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN. 

Như vậy, với nội dung đưa ra trong Dự thảo này, Bộ Công thương đã thay đổi góc nhìn về EVN sau 6 tháng.

Cụ thể, hồi tháng 10 năm trước, Bộ Công thương cho biết, vấn đề giao thí điểm ĐGNK cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số doanh nghiệp trong nước triển khai điện gió ngoài khơi (ĐGNK) gặp khó khăn trong xác định cụ thể dự án và doanh nghiệp.

Một số trong những khó khăn đó là hành lang pháp lý cho phát triển ĐGNK chưa rõ ràng, chưa phê duyệt quy hoạch không gian biển quốc gia, chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển. Đồng thời, pháp luật về đầu tư chưa quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư ĐGNK.

Những khó khăn nói trên cũng là lý do khiến không ít nhà đầu tư “nản chí” rời cuộc chơi, như trường hợp của Orsted đến từ Đan Mạch.