Doanh nghiệp vẫn coi nhẹ báo cáo phát triển bền vững

Ngọc Hân - 15:51, 10/05/2024

TheLEADERCùng với những nỗ lực thu hút các nhà đầu tư trong bối cảnh ‘xanh hoá’, báo cáo phát triển bền vững dần được tích hợp vào hệ thống quản trị doanh nghiệp Việt.

Trong khi phần lớn các doanh nghiệp trên thế giới coi trọng việc lập báo cáo phát triển bền vững thì chỉ có một số ít doanh nghiệp trong nước ‘để mắt’ đến công tác này.

Theo một khảo sát được công ty tư vấn KPMG công bố đầu năm ngoái, có tới 96% trong tổng số 250 công ty lớn nhất thế giới lập và công bố báo cáo phát triển bền vững.

Cũng khảo sát này cho thấy 89% doanh nghiệp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương công bố báo cáo phát triển bền vững, cao hơn ở châu Âu và Mỹ.

Thấp nhất là khu vực Trung Đông, châu Phi khi số doanh nghiệp lập báo cáo chỉ còn 56%. Mặc dù vậy, con số này vẫn còn cách biệt quá xa so với ở Việt Nam, khi chỉ dưới 10% doanh nghiệp thực hiện công tác này.

Chỉ nhìn vào số liệu nói trên cũng đủ để thấy tầm ảnh hưởng của báo cáo phát triển bền vững, và gần đây nhiều doanh nghiệp chuyển hướng thành báo cáo ESG.

Tại buổi hội thảo “ESG và các hành động thực tiễn” tổ chức mới đây, Tổng giám đốc công ty tư vấn CGS Việt Nam Nguyễn Viết Thịnh cho rằng, áp dụng và thực hành báo cáo phát triển bền vững không chỉ là câu chuyện của một mình doanh nghiệp và cổ đông mà còn ảnh hưởng tới nhiều bên có lợi ích liên quan.

Trong một khảo sát của công ty tư vấn Ernst & Young đưa ra giữa năm ngoái về lý do báo cáo phát triển bền vững tốt có thể huy động được nguồn vốn, 78% các nhà đầu tư cho rằng các công ty nên ưu tiên đầu tư vào việc giải quyết các vấn đề bền vững liên quan đến hoạt động kinh doanh, kể cả khi lợi nhuận bị giảm trong ngắn hạn.

Nghĩa là xét dưới góc độ của các cổ đông, báo cáo phát triển bền vững sẽ đưa ra một cái nhìn toàn cảnh về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, giúp họ có thể đánh giá chính xác hơn về khả năng tồn tại lâu dài của doanh nghiệp, đồng thời cũng khiến doanh nghiệp tăng thêm sức hút với các nhà đầu tư.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, việc tuân thủ những chỉ tiêu đặt ra trong báo cáo phát triển bền vững cũng là bước đầu tham gia toàn cầu hóa, khi thương trường quốc tế hướng tới các quy định chặt chẽ hơn về môi trường, xã hội và quản trị trong khi các cơ quan quản lý, nhà đầu tư và các bên liên quan khác đưa ra yêu cầu nâng cao về tính minh bạch trong công bố thông tin.

Từ đó, báo cáo phát triển bền vững sẽ thể hiện sức hút của công ty, lôi kéo sự quan tâm với các nhà đầu tư nước ngoài, các nguồn tài chính xanh. Cuối cùng, không chỉ tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, doanh nghiệp còn có thể nâng cao danh tiếng, thu hút và giữ chân nhân tài, tạo dòng doanh thu mới và khác biệt hóa thương hiệu so với đối thủ.

Doanh nghiệp vẫn coi nhẹ báo cáo phát triển bền vững
Tổng giám đốc CGS Nguyễn Viết Thịnh (bên phải) tại hội thảo "ESG in action". Ảnh: BTC

Ngoài ra, không chỉ là cổ đông và doanh nghiệp, báo cáo phát triển bền vững cũng ảnh hưởng tới quyết định của khách hàng. Theo khảo sát của Hiệp hội Đầu tư có trách nhiệm Úc, 89% người Úc đánh giá cao những quỹ đầu tư hoặc ngân hàng cam kết bảo vệ nhân quyền, 88% kỳ vọng các khoản đầu tư được đầu tư có trách nhiệm và đạo đức.

Chính những đánh giá này đã gián tiếp nâng cao sự hài lòng trong công việc của các nhân viên, đồng thời bảo đảm an toàn, sức khỏe thể chất và tinh thần của họ, từ đó nâng cao danh tiếng khi hợp tác với các nhà cung cấp, củng cố niềm tin của họ và cả trong cộng đồng chung.

Nghiên cứu phân tích của McKinsey về mối quan hệ giữa tăng trưởng, lợi nhuận và phát triển bền vững thực hiện đối với 2.269 công ty từ 2017 tới 2021 cho thấy, 25% công ty có tăng trưởng doanh thu trên 10% và có lợi nhuận nhưng số công ty đã tăng lên 50% nếu xét thêm yếu tố thực hàng ESG.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, ESG không có tác dụng nếu doanh nghiệp sai lầm trong chiến lược và yếu kém trong hoạt động kinh doanh.

Việc lập báo cáo phát triển bền vững cũng còn nhiều hạn chế. Theo VLCA, trong khoảng thời gian 10 năm, từ 2012 đến 2022, số lượng công ty lớn công bố thông tin phát triển bền vững chiếm một nửa. Trong khi đó, số lượng công ty nhỏ lập báo cáo chỉ vỏn vẹn 4%.

Con số cho thấy việc thực hành ESG hay theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững với các công ty lớn chỉ là vấn đề thời gian. Trong khi đó, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn vướng mắc về vấn đề nguồn vốn phải bỏ ra và lợi ích, cùng lúc đó cũng thiếu các mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững.

Ông Thịnh chỉ ra những vấn đề tồn tại chủ yếu trong báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt là thiếu sự gắn kết giữa chiến lược và hoạt động kinh doanh với sáng kiến phát triển bền vững, thiếu các mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững, thiếu tính tiêu chuẩn trong báo cáo và đảm bảo độc lập còn ở mức hạn chế.

Trong số đó, vướng mắc lớn nhất phải nói đến vấn đề về công bố thông tin phát thải khí nhà kính. Các doanh nghiệp gặp vấn đề về thiết bị đo lường khi lượng thông tin cần thiết còn đang thiếu và nguồn vốn bỏ ra không đủ để đáp ứng, dẫn đến không có chiến lược và công bố cách thức giảm phát thải khí nhà kính một cách rõ ràng.

Nói đến một trong những doanh nghiệp thành công về mảng khí nhà kính không thể không nhắc tới Công ty CP Sợi thế kỷ với mục tiêu ‘Không sử dụng hóa chất độc hại’, đồng thời đạt được con số đáng kinh ngạc gần 80% so với mục tiêu đề ra về mảng môi trường.

Chưa kể đến các quy định và thông lệ mới về báo cáo phát triển bền vững được cập nhật liên tục, doanh nghiệp dù có thể tiếp cận được thông qua các kênh thông tin đại chúng và cụ thể những bởi vì không có bộ phận chuyên biệt nên rất khó có thể triển khai.

Lời khuyên được các chuyên gia đưa ra nhiều nhất khi tiếp cận phát triển bền vững là các doanh nghiệp cần thiết xây dựng một hệ thống các chỉ số, cùng với hệ thống để thu thập và quản lý dữ liệu tiếp nhận được. Sau đó, chọn ra những con người và cơ cấu tổ chức sẽ tiếp quản công việc liên quan tới phát triển bền vững.

Ông Thịnh chia sẻ, khi đi được bước đầu này là tới công việc chung của toàn bộ bộ máy quản trị, đó là làm cách nào để tích hợp chiến lược phát triển bền vững vào chiến lược hoạt động của doanh nghiệp. Và với báo cáo phát triển bền vững, những yêu cầu cơ bản và cần thiết nhất là phù hợp, trọng tâm và bảo đảm về chất lượng.