EVN giải bài toán thiếu điện và phát triển bền vững

Mai Hương - 13:22, 12/11/2019

TheLEADERÔng Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có cuộc trao đổi với TheLEADER xung quanh chuyện phát triển nguồn năng lượng của Việt Nam trong tương lai gần.

EVN giải bài toán thiếu điện và phát triển bền vững
Ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn EVN

Kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng cao trong nhiều năm dẫn đến nhu cầu năng lượng tăng cao. Quy hoạch điện VII đã được điều chỉnh khá mạnh từ năm 2016 nhưng thực tế sử dụng năng lượng điện vẫn chênh lệch khá xa so với quy hoạch. EVN có kế hoạch gì cho nhu cầu điện của nền kinh tế từ năm 2020?

Ông Ngô Sơn Hải: Trong thời gian qua EVN đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân và cho an ninh quốc phòng với nhu cầu tiêu thụ điện luôn tăng trưởng ở mức cao. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng bình quân 12,3%/năm, giai đoạn từ năm 2016 đến nay tăng 10,2%/năm.

Công tác đầu tư hạ tầng cung cấp điện đã được thực hiện tốt. Trong đó: Về đầu tư nguồn điện, trong 3 năm 2016-2018, EVN đưa vào vận hành 4.540MW bằng 99,3% khối lượng được giao. Trong năm 2019, EVN đã hoàn thành dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng sớm 3 tháng so kế hoạch, dự kiến tiếp tục hòa lưới phát điện dự án nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng cuối tháng 10/2019.

Về đầu tư lưới điện, EVN đã hoàn thành nhiều công trình lưới điện quan trọng nâng cao năng lực truyền tải và cung ứng điện quốc gia. Từ năm 2016 đến nay, EVN đã hoàn thành 165 công trình lưới điện 500-220kV và trên 720 công trình lưới điện 110kV. Hiện đang tiếp tục tập trung đầu tư các công trình lưới điện quan trọng được Thủ tướng Chính phủ giao và các công trình lưới điện theo quy hoạch, đặc biệt các công trình phục vụ đấu nối giải tỏa các nguồn điện lớn, các dự án nguồn điện NLTT.

Đối với năm 2020, EVN dự báo nhu cầu điện sản xuất và mua là 265,2 tỷ kWh, tăng thêm 23,6 tỷ kWh so với năm 2019. Mặc dù tình hình khô hạn của năm 2019 làm cho thủy điện phát thấp hơn kế hoạch và kế hoạch tích nước các hồ thủy điện dự kiến đầu năm 2020 thấp hơn mực nước dâng bình thường khoảng 3,5 tỷ kWh. Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để không được thiếu điện trong mọi tình huống.

Quy hoạch điện VII điều chỉnh có tăng thêm nhiều dự án phát triển điện mới và bổ sung thêm nguồn năng lượng điện tái tạo và điện hạt nhân. Nhưng mới đây điện hạt nhân đã dược Quốc hội quyết định tạm dừng; đồng thời một số nhà máy nhiệt điện lớn cũng không được triển khai, nhiều nhà máy thủy điện nhỏ phải hủy do tác động tiêu cực môi trường... dẫn đến thay đồi lớn về nguồn cung điện. EVN đã và đang làm gì để có nguồn cung thay thế?

Ông Ngô Sơn Hải: Để đảm bảo cung ứng điện cho năm 2020 cũng như các năm tiếp theo, EVN đã và đang thực hiện một số giải pháp sau: Vận hành an toàn, hiệu quả các nguồn điện hiện có. Đẩy nhanh tiến độ các dự án điện truyền thống (thủy điện, nhiệt điện) đang xây dựng để tăng năng lực phát điện trong năm 2020 thêm 1.620 MW, đồng thời tiếp tục ưu tiên phát triển thêm các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời 1.700 MW, điện gió 550 MW. 

Đầu tư lưới điện truyền tải để giải toả công suất các nguồn điện như thuỷ điện nhỏ, năng lượng tái tạo để tăng năng lực phát điện. Tăng cường công tác tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả;

Về dài hạn, EVN tiếp tục nỗ lực để hoàn thành các dự án nguồn điện được Chính phủ giao làm Chủ đầu tư như: nhiệt điện Duyên Hải 3 MR, nhiệt điện Quảng Trạch 1,2, Nhiệt điện Dung Quất I, III, Ô Môn 3 và 4, Tân Phước 1,2, thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, Trị An mở rộng ...

Đồng thời kiến nghị Chính phủ yêu cầu các chủ đầu tư khác thực hiện đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện theo quy hoạch được duyệt.

Thiếu hụt nguồn cung trong nước khiến EVN phải tìm nguồn cung mới trong đó có nhập khẩu diện? Việc nhập khẩu điện sẽ có tác động ngược là thúc đẩy các dự án phát triển điện mới nước láng giềng như Lào. Từ đó lại tác động tiêu cực đến dòng chảy và sự phát triển hạ lưu sông Mê Kông. EVN có ý kiến gì về đánh giá này?

Ông Ngô Sơn Hải: Việc nhập khẩu điện giữa Việt Nam và các nước láng giềng, trong đó có nhập khẩu từ Lào, được thực hiện theo chủ trương, chính sách đã được Chính phủ phê duyệt. Các định hướng được thể hiện ngay trong quy hoạch VII điều chỉnh. Theo đó sẽ thực hiện liên kết lưới điện Việt Nam với Lào và các nước trong khu vực.

Chủ trương mua điện Lào được triển khai theo Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dự án thủy điện tại CHDCND Lào, kết nối hệ thống điện và mua bán điện giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào ký ngày 5/10/2016. Theo đó, Chính phủ 2 nước đã thống nhất công suất trao đổi giữa Việt Nam và Lào: tối thiểu đến năm 2020 khoảng 1.000MW, đến năm 2025 khoảng 3.000MW và đến 2030 khoảng 5.000 MW.

Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, EVN cũng đã tích cực làm việc với các đối tác phía Lào để thúc đẩy nhập khẩu điện từ Lào, phấn đấu đạt được mục tiêu đã đề ra của 2 Chính phủ.

Các dự án thủy điện EVN đàm phán mua điện đều không nằm trên dòng chính sông Mê Kông nên không có ảnh hưởng đến môi trường và hạ lưu sông Mê Kông. Ngoài ra, EVN cũng đàm phán mua điện từ các dự án điện gió tại Lào, và trong tương lai có thể mua điện từ các dự án điện mặt trời và kể cả các nguồn nhiệt điện.

Các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, khí) đang phát triển rất nhanh nhiều vùng, đặc biệt là khu vực miền Trung, khiến khả nãng truyền tải diện và phân phối của ngành diện gặp khó. đường truyền tải điện không có hoặc quá tải. EVN có kế hoạch cụ thể gì trong thời gian trước mát cũng như lâu dài? Lĩnh vực truyền tải và phân phối điện sẽ dược thị trường hóa từng bước thế nào?

Ông Ngô Sơn Hải: Trong thời gian qua, với chính sách và cơ chế khuyến khích hấp dẫn, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc và đóng góp đáng kể vào việc bổ sung nguồn cung cho hệ thống điện quốc gia.

Tuy nhiên, do việc phát triển quá nhanh nên chỉ trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2019 đã có trên 4.000MW điện mặt trời hòa lưới vận hành và tập trung mật độ lớn tại khu vực Ninh Thuận – Bình Thuận. Sự phát triển nhanh nhanh điện mặt trời thời gian vừa qua đã hỗ trợ một phần tăng nguồn cung cho hệ thống điện.

Tuy nhiên, do việc phát triến lưới không kịp với phát triển nguồn đã gây áp lực lớn lên khả năng giải tỏa công của lưới điện truyền tải. Trong nhiều thời điểm khi các nhà máy điện cùng phát đồng loạt đã gây quá tải các đường dây, trạm biến áp liên quan. Việc đầu tư lưới truyền theo trình tự phải mất từ 3-5 năm.

Để hạn chế tối đa việc cắt giảm công suất các dự án nguồn điện, góp phần đảm bảo bổ sung thêm nguồn cung cho hệ thống và đảm bảo vận hành an toàn lưới điện, EVN đã đề xuất một số giải pháp. 

Ngay từ tháng 6/2018, EVN đã chủ động thực hiện nghiên cứu và đề xuất Bộ Công thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện truyền tải cần thiết để giải phóng hết công suất các nguồn điện gió, mặt trời đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch. 

Trên cơ sở đề xuất của EVN và thẩm định của Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung quy hoạch 15 công trình lưới điện 220-500kV và tập trung tăng cường lưới điện tại khu vực Ninh Thuận – Bình Thuận..

Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng đảm bảo tiến độ các dự án lưới điện truyền tải, phân phối và cải tạo nâng khả năng truyền tải của các công trình đường dây, trạm biến áp hiện hữu phục vụ giải toả công suất các dự án nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt trên địa bàn Ninh Thuận, Bình Thuận.

Đối với giải pháp về vận hành, EVN thực hiện xử lý thời gian thực các vấn đề đầy quá tải. Triển khai hệ thống tự động tính toán và ra lệnh tự động điều chỉnh công suất phát các nhà máy để đảm bảo không bị quá tải các đường dây, máy biến áp theo các thuật toán tối ưu.

Chúng tôi hi vọng, với sự nỗ lực của EVN và các đơn vị thành viên cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền các địa phương, sự ủng hộ của người dân, các công trình lưới điện trên sẽ được đưa vào vận hành đúng tiến độ và phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ cơ bản giải quyết tình trạng quá tải trên lưới điện.

Quy hoạch điện VIII đang được EVN phối hợp với các bên liên quan xây dựng sẽ có những nội dung định hướng chính như thế nào? Nguồn năng lượng nào sẽ là chủ lực của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai? Phát triển năng lượng hạt nhân có được tiếp tục đưa vào trong Quy hoạch điện VIII?

Ông Ngô Sơn Hải: Quy hoạch điện VIII đang được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì lập, tuân thủ theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Điện lực.

Thủ tướng đã có Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tại Quyết định số 1264/QĐ-TTg ngày 1/10/2019. Theo đó, Chính phủ cũng đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu của quy hoạch thời kỳ tới. Quy hoạch sẽ mang tính mở và ưu tiên phát triển hợp lý nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo; phát triển điện lực thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững và phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Hệ thống cung cấp điện của Việt Nam hiện được đánh giá là còn gây tổn thất lớn. Xin cho biết tỷ lệ tổn thất thực hiện nay trên toàn hệ thống và nguyên nhân chính? EVN có kế hoạch gì để giảm lượng tổn thất này?

Ông Ngô Sơn Hải: Điện năng hao phí trong quá trình truyền tải điện từ các nhà máy điện đến các hộ tiêu thụ điện gọi là tổn thất điện năng (TTĐN). Trong hệ thống điện, TTĐN phụ thuộc vào đặc tính của mạch điện (đường dây, máy biến áp và các thiết bị trên lưới điện), lượng điện truyền tải và vai trò của công tác quản lý... Nếu lưới điện yếu phải truyền tải nhiều sẽ có TTĐN cao và ngược lại lưới điện được đầu tư tốt, tải lượng điện năng phù hợp theo các tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật sẽ có TTĐN nhỏ. Ngoài ra hệ thống nguồn điện càng xa trung tâm phụ tải thì TTĐN sẽ càng cao. Phụ tải càng tập trung và càng gần nguồn điện thì TTĐN sẽ thấp...

TTĐN năm 2018 của EVN đã đạt 6,83% giảm thấp hơn kế hoạch đề ra và hoàn thành trước 1 năm so với chương trình giảm TTĐN 2016-2020 (kế hoạch 2019 là 6,9%).

TTĐN trên lưới điện Việt Nam đã giảm thấp đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Singapore và Thái Lan) và giảm khá tốt so sánh với các nước trên thế giới. Theo một số số liệu thu thập gần đây, TTĐN của Việt Nam đã thấp hơn một số nước phát triển như Liên bang Nga (10%), Vương quốc Anh (8,3%), Ấn độ (18%), Brazil (15%), Hongkong (12%), Hungary (12%), Rumani (10%), Ukraina (10%), Tây Ban Nha 9,5%.... Trong khu vực, TTĐN của Việt Nam thấp hơn các nước khác như Indonesia (9,0%) Philippines (9,2%), ...

Đặc thù lưới điện Việt Nam trải dài theo qua nhiều vùng núi phụ tải thấp. Do vậy với tổn thất ở mức thấp như vậy là nỗ lực rất lớn của các đơn vị thuộc EVN trong nhiều năm qua.

Mục tiêu chính của EVN là tập trung thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao đảm bảo cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng điện cung cấp cho khách hàng. Đến nay TTĐN đã giảm ở mức thấp, với kinh nghiệm giảm TTĐN trong nhiều năm, EVN sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch giảm TTĐN hợp lý: tập trung thực hiện tối đa các giải pháp quản lý vận hành, quản lý kinh doanh giảm TTĐN. Còn về đầu tư EVN sẽ cân nhắc để đảm bảo đầu tư hiệu quả.

Các nước đang rất ưu tiên kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, giảm tổn thất đường truyền cũng như có các giải pháp thay thế thiết bị sử dụng điện tiêu hao cao. Ở Việt Nam lĩnh vực này chưa phát triển cho thấy dư địa kinh doanh lĩnh vực này sẽ hấp dẫn, có thể thúc đẩy mạnh các giải pháp/ý tưởng khởi nghiệp/startup. EVN nhận xét gì về vấn đề này và có giải pháp gì không?

Ông Ngô Sơn Hải: Việt Nam là một trong những nước có mức tiêu thụ năng lượng lớn nhất, trung bình để làm ra cùng một giá trị sản phẩm như nhau, sản xuất công nghiệp của nước ta phải tiêu tốn năng lượng gấp 1,5 đến 1,7 lần so với các nước phát triển. Nguyên nhân sâu xa là các doanh nghiệp của chúng ta có quy mô công suất nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp dẫn tới tiêu tốn nhiều năng lượng, cường độ tiêu thụ điện bình quân để sản xuất ra một tấn sản phẩm còn cao hơn so với nhiều nước trên thế giới.

Tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện trong nhiều năm qua vẫn ở mức trên 10%, trong đó nhóm ngành sản xuất công nghiệp có mức tiêu thụ trên 55% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc. Hệ số đàn hồi điện (tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện/tăng trưởng GDP) của Việt Nam trong những năm qua khoảng 1,5 – 1,7, trong khi đó các nước phát triển, chỉ số này là dưới 1.

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng của nước ta còn rất lớn, có thể đạt trên 20%. Trong lĩnh vực xây dựng và khai thác các công trình xây dựng dân dụng, lĩnh vực giao thông vận tải tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể tới 30 - 35%; khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ tiềm năng tiết kiệm cũng khá lớn.

Nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, nghiên cứu và thực hiện các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Có doanh nghiệp, sau khi đơn vị điện lực hỗ trợ thực hiện kiểm toán năng lượng xong thì để đấy và không triển khai giải pháp tiết kiệm năng lượng nào.

Các cơ chế khuyến khích của Nhà nước để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được các doanh nghiệp mong đợi như giảm/miễn/khấu trừ thuế cho các thiết bị tiết kiệm năng lượng hiện chưa được cụ thể hóa… chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước; chưa cụ thể hóa việc vay vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp để thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Về giải pháp, để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần có một giải pháp tổng thể, tiết kiệm từ khâu khai thác, đầu vào tới khâu sử dụng và tiêu thụ. Nhà nước cần có thêm các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người dân sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; các chính sách bắt buộc các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn (doanh nghiệp thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm) phải sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Nhà nước sớm hoàn thiện các chính sách, hành lang pháp lý để thúc đẩy mô hình Công ty dịch vụ năng lượng (Energy Service Company – ESCO) phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, theo xu hướng chung của thế giới và các nước phát triển. Các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) ở Việt Nam có thể nghiên cứu để phát triển ngay loại hình Công ty dịch vụ ESCO này.

Các doanh nghiệp phải chú trọng áp dụng triệt để các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, để giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp và phát triển bền vững.  

Xin cảm ơn ông!