FPT Retail tăng đầu tư vào nhà thuốc Long Châu

Trần Anh - 08:30, 30/01/2020

TheLEADERCông ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) mới thông qua nghị quyết về việc góp thêm vốn vào công ty con là CTCP Dược phẩm FPT Long Châu (FPT Pharma).

FPT Retail tăng đầu tư vào nhà thuốc Long Châu

Theo đó, FPT Retail góp thêm 180 tỷ đồng vào FPT Pharma, nâng tổng số vốn góp vào công ty con là 255 tỷ đồng. Sau khi tăng vốn, tỷ lệ sở hữu của FPT Retail tại FPT Pharma cũng tăng từ 75% lên 85%.

Công ty Dược phẩm FPT Long Châu được thành lập ngày 17/9/2018 tại Quận 3, TP. HCM. Ban đầu, Long Châu có vốn điều lệ 100 tỉ đồng, trong đó công ty mẹ FPT Retail góp 75 tỉ đồng, Chủ tịch FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp góp 10 tỉ đồng và là người đại diện pháp luật - Tổng Giám đốc của Long Châu, Thành viên HĐQT FPT Retail Trịnh Hoa Giang góp 5 tỉ đồng và hai cá nhân khác góp 10 tỉ đồng còn lại.

Ngành nghề kinh doanh chính của Long Châu là bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh. Tính đến hết tháng 11/2019, số lượng nhà thuốc Long Châu đã đạt mốc 70, hoàn thành kế hoạch mở rộng nhà thuốc sớm hơn 1 tháng. Theo FPT Retail, đến nay Long Châu đã có gần 80 nhà thuốc, phục vụ khoảng 25.000 lượt khách mỗi ngày và đi đúng kế hoạch đề ra.

Dược phẩm chính là bước đi tiếp theo của FPT Retail sau thành công của chuỗi bán lẻ đồ công nghệ FPT Shop. Khi mới thành lập, FPT Retail kỳ vọng chuỗi nhà thuốc Long Châu có thể chiếm 30% thị phần toàn thị trường, doanh thu ước khoảng 10.000 tỷ đồng và đóng góp 40% tỷ trọng doanh thu của công ty.

Bước dịch chuyển sang lĩnh vực bán lẻ khác được xem là phù hợp với FPT Retail, trong bối cảnh mảng công nghệ tại Việt Nam đã bão hòa. Thế Giới Di Động, nhà bán lẻ công nghệ lớn nhất thị trường từ lâu cũng đã dịch chuyển sang mảng bán lẻ điện máy và vài năm trở lại đây là bán lẻ thực phẩm.

Mới đây, FPT Shop đã khai trương bán các dòng đồng hồ nhập khẩu tại một số cửa hàng. Tính đến hiện, FPT Shop có 5 cửa hàng của triển khai bán đồng hồ ở TP.HCM theo mô hình shop-in-shop, tận dụng lợi thế sẵn có về mặt bằng, nhân viên… nhằm tối ưu biên lợi nhuận.

Công ty cũng thử nghiệm nhiều mô hình bán lẻ khác nhau như hình thức bán hàng xuyên biên giới (Fado), bán mắt kính, mỹ phẩm (F.Beauty).

Theo báo cáo quý 4 vừa qua, FPT Retail lỗ sau thuế 26 tỉ đồng trong khi cùng kì 2018 công ty vẫn có lãi 120 tỉ đồng. Cả năm 2019, lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 278 tỷ đồng, giảm 36% so với năm 2018.