Giấc mơ kỳ lân cho người yếu thế miền Trung

Thanh Nhã - 07:01, 17/02/2021

TheLEADERNhiều năm trước, Trần Mạnh Huy gây ấn tượng với tôi khi anh khởi nghiệp VBPO nhằm thực hiện hóa giấc mơ tạo ra môi trường làm việc tốt nhất và mang lại sự tự tin cho những người kém thế (phụ nữ, người nghèo, người khuyết tật nói chung). Năm nay, tôi gặp lại Mạnh Huy khi một số dự án về Trí tuệ nhân tạo của VBPO đặt chân đến nước Mỹ xa xôi. Ngoài ra, doanh nghiệp của anh cũng đã xây nền móng vững chắc cho thị trường Việt Nam bằng các sản phẩm mang tính xã hội cao như: Nhà máy Thông minh (SMS), Khai thuế Tự động (TAIO) hay ATM gạo thông minh.

Giấc mơ kỳ lân cho người yếu thế miền Trung
Anh Trần Mạnh Huy luôn hướng dẫn công việc tận tình cho nhân viên.

Khuyết tật không làm người ta gục ngã sẽ khiến họ mạnh mẽ hơn

BPO (Business Process Outsourcing) là toàn bộ những công việc liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, từ những công việc đơn giản nhất như nhập dữ liệu, số hóa văn bản… cho đến những công việc phức tạp hơn như dịch vụ kế toán – tài chính, chăm sóc khách hàng, xử lý đồ họa… Dịch vụ này thường có giá rẻ nhất so với các dịch vụ gia công khác nhưng lại tạo ra khối lượng công việc lớn, thích hợp với người khuyết tật vì cần trình độ vừa phải và thời gian đào tạo ngắn. Ngoài ra, những người kém may mắn cũng có thể tham gia lĩnh vực phân tích dữ liệu lớn nếu giỏi toán và có khả năng phân tích, logic tốt.

Nhìn ra điều này, Trần Mạnh Huy rời Sài Gòn để khởi nghiệp VBPO tại Đà Nẵng từ cách đây 10 năm. Không bao lâu sau, VBPO đã trở thành công ty hàng đầu trong việc cung cấp dịch vụ BPO tại Việt Nam, đặc biệt đối với khách hàng Nhật Bản.

Các dịch vụ của VBPO đã giúp doanh nghiệp giảm sức ép lớn về doanh thu và chuyên nghiệp hóa các công đoạn kinh doanh cho các doanh nghiệp; đồng thời mang lại nguồn việc làm phong phú cho người dân miền Trung Việt Nam. Tại công ty của anh Huy, số lượng người lao động trung bình đạt 600 người, có những lúc cao điểm đạt 1.000 người, trong đó 30% là người khuyết tật.

“Khuyết tật nếu không làm người ta gục ngã, thì sẽ khiến họ mạnh mẽ hơn. Thực tế, người yếu thế ở VBPO có năng lực không thua kém công nhân Việt Nam và thế giới, thậm chí họ có tay nghề cao hơn vì được sự hỗ trợ đắc lực về công nghệ. Ngoài ra, khi một người được giáo dục, đào tạo để có năng lực nghề nghiệp tốt hơn, họ cũng có thể làm thay đổi cả gia đình của mình theo hướng tốt đẹp hơn”, Trần Mạnh Huy nói.

Giấc mơ kỳ lân cho người yếu thế miền Trung
Tham dự Đại hội Thi đua yêu nước Toàn quốc lần V (2015-2020).

Từ năm 2017, VBPO có sự chuyển hướng phát triển dịch vụ tăng năng suất cho nhà máy, đáp ứng nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp. Có thể thấy, năng suất lao động là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tìm thấy giải pháp phù hợp. Cải thiện năng suất lao động của Việt Nam vẫn là bài toán nan giải khi hiện nay so sánh ngay trong khu vực Đông Nam Á, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7,3% Singapore, 19% Malaysia, 37% Thái Lan, 44,8% Indonesia, 55,9% Philippines. Theo Trần Mạnh Huy, thực tế thì năng suất người lao động Việt Nam đã tăng đáng kể, về khả năng tiếng Anh cũng như về tay nghề và khả năng tiếp cận công nghệ mới. Tuy nhiên, năng suất doanh nghiệp chưa tăng đáng kể là do lao động người Việt chưa được hỗ trợ tích cực từ hệ thống máy móc và dữ liệu. Ngoài ra, đường truyền thông tin trong doanh nghiệp chưa nhanh chóng, nên cũng ảnh hưởng đến năng suất chung.

“Việc áp dụng các phần mềm công nghệ tuy có giải quyết một phần năng suất nhà máy, nhưng chưa giải quyết triệt để được vấn đề. Vì không có một phần mềm nào tương thích với mọi công ty, nhà máy. Trong khi đó, máy móc trong mỗi nhà máy thuộc nhiều đời khác nhau, thông tin cũng lưu trữ ở nhiều dạng không tương thích. Một báo cáo mất đến 3 ngày để mới hoàn thành và chờ duyệt, nghĩa là nếu nhà máy có 2.000 công nhân thì phải mất đến 6.000 ngày công để đợi một quyết định, như thế làm sao có năng suất cao? Vậy nên, nếu doanh nghiệp, nhà máy chỉ sử dụng các phần mềm sẽ còn nhiều hạn chế”.

Giấc mơ kỳ lân cho người yếu thế miền Trung 1
Hợp tác chiến lược với đối tác NTQ Nhật Bản trong các dự án liên quan đến lĩnh AI-OCR.

Từ mô hình tăng năng suất được chuyển giao từ một doanh nghiệp Nhật Bản thành công hơn 30 năm qua, Trần Mạnh Huy đã tạo ra một hệ thống nền tảng giúp tương tác đa nguồn dữ liệu, để từ đó tạo thành một thể thống nhất các loại máy móc, dữ liệu cũ – mới trong nhà máy. Theo đó, việc truy xuất hoặc phân tích dữ liệu cũng vô cùng nhanh chóng và thuận tiện.

Ngoài ra, việc quản lý nhà máy cũng dễ dàng hơn rất nhiều nhờ áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại như: HMI - giao tiếp giữa người điều hành và máy móc thiết bị qua màn hình, M2M - công nghệ dùng để kết nối máy móc, thiết bị hoạt động và trao đổi thông tin với nhau mà không cần sự can thiệp của con người, CPS - mô phỏng nhà máy lên hệ thống ảo để giả lập các tình huống có thể xảy ra, FCS - hệ thống cho phép sắp xếp thời gian thực thi tối ưu cho một hệ thống đa nguồn lực.

Các công nghệ này sẽ giúp thống nhất máy móc ở các tình trạng khó tương thích, con người ở nhiều mức năng lực khác nhau thành một hệ thống, dễ dàng kết nối, trao đổi, thay thế hoặc hỗ trợ nhau trong công việc một cách hiệu quả. Mặt khác, công nghệ nói trên cũng giúp nhà quản lý dự đoán trước tình huống trên hệ thống nhà máy ảo để tìm ra phương án giải quyết tối ưu, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm thiểu mất mát hoặc thất bại.

Việc tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp, nhà máy là xu hướng chung của doanh nghiệp nếu muốn tạo một môi trường đầu tư hấp dẫn, đúng như cách nói của Thủ tướng là “lót ổ đón đại bàng”. Bởi vì, dù Việt Nam là điểm đón sự dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc hay các nước trong khu vực, nhưng nếu không đầu tư về năng suất lao động, thì cũng khó mà tận dụng cơ hội này.

Việc chuyển đổi mô hình của VBPO hoàn toàn phù hợp với phát triển của xã hội và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vì vậy, doanh nghiệp của anh Huy đã gặt hái những thành công. Trong năm 2020, khi doanh nghiệp trên toàn thế giới lao đao vì dịch bệnh, VBPO vẫn tăng trưởng 30% doanh số. VBPO xứng đáng là ngôi sao sáng về công nghệ thông tin tại TP. Đà Nẵng.

Giấc mơ kỳ lân cho người lao động miền Trung

Giấc mơ của anh những năm trước đến nay có lẽ đã hoàn thành rồi?”. Tôi hỏi, Trần Mạnh Huy cho biết: “Giấc mơ của tôi đã trở thành giấc mơ lớn hơn của tập thể VBPO và ở một hình thái khác. Đó là giấc mơ kỳ lân của VBPO, thực hiện bằng công nghệ cao và chuyển đổi số với những người lao động chân chất và kỷ luật của miền Trung và hệ thống nền tảng ABCD “made in Vietnam”. Theo đó, ABCD chính là A - AI (trí tuệ nhân tạo), B - Blockchain, C - Cloud Computing (điện toán đám mây) và D - Data Analytics (phân tích dữ liệu).

Dễ thấy rằng việc đầu tư cho công nghệ là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp sẽ khó tồn tại và phát triển được nếu không đầu tư cho công nghệ. Với kinh nghiệm 10 năm làm về dữ liệu, Trần Mạnh Huy nhìn thấy rõ A-B-C-D là những giải pháp công nghệ tối ưu cho phép doanh nghiệp tái cấu trúc lại hoạt động kinh doanh, tạo ra các dịch vụ, sản phẩm và trải nghiệm mới cho khách hàng, đưa con người đến với một thế giới nhanh hơn và thông minh hơn.

Đặc biệt, qua giai đoạn khủng hoảng vì Covid-19, doanh nghiệp sẽ càng thấy mình lạc hậu, hoặc thậm chí không thể tồn tại nếu không quan tâm đầu tư về những công nghệ thiết yếu nói trên. Trong đó, phân tích dữ liệu và “cuốn sổ data Blockchain” là vô cùng quan trọng. Còn AI và điện toán đám mây thì gần như là công nghệ không thể thiếu trong doanh nghiệp thời nay.

Thực tế, khá nhiều doanh nghiệp khi đã quen với phương thức hoạt động truyền thống nên ngại thay đổi để tiếp cận công nghệ mới cho hệ thống làm việc. Tuy nhiên, anh Huy cho rằng việc thay đổi tư duy, cập nhật xu hướng công nghệ hóa là lựa chọn tất yếu để tiếp tục tồn tại là lựa chọn của doanh nghiệp lúc này.

Để tạo động thực thay đổi tư duy, đầu tư công nghệ và ứng dụng giải pháp tăng năng suất của cộng đồng doanh nghiệp, VBPO sẽ chỉ lấy phí sau khi doanh nghiệp đã ứng dụng thành công. Đến nay, giải pháp kế toán 4.0 hoàn toàn tự động TAIO của được hơn 20 đại lý thuế TP.HCM và hàng trăm doanh nghiệp tin dùng. Ngoài ra, các giải pháp công nghệ của VBPO được ứng dụng tại Nông trại công nghệ cao Eco farm Đồng Tháp, tại “ATM gạo thông minh” và giúp bình ổn giá khẩu trang trong mùa dịch…