Giám sát chặt việc kinh doanh hàng hoá thiết yếu tại TP.HCM

An Chi - 08:48, 16/07/2021

TheLEADERViệc cung ứng hàng hoá tại TP.HCM đang diễn biến rất căng thẳng.

Giám sát chặt việc kinh doanh hàng hoá thiết yếu tại TP.HCM
Dịch Covid diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hoá tại TP.HCM.

Xếp hàng dài đi siêu thị trong... mòn mỏi!

Trong những ngày này, nhiều siêu thị tại TP. HCM đều trong tình trạng đông khách, quá tải. Từng hàng dài người xếp hàng từ nhà xe đến bên trong siêu thị để trực chờ mua thực phẩm, nhu yếu phẩm cho gia đình.

Tại siêu thị Co.opMart (quận 1), người dân đến xếp hàng dài từ 5, 6 giờ sáng. Hàng dài người kéo dài từ cổng để chờ tới lượt vào siêu thị mua thực phẩm. Siêu thị càng về trưa càng đông, nhiều khách hàng không đợi được đã ra về.

Tương tự, tại một siêu thị Bách Hoá Xanh, quận Bình Tân lúc nào cũng đông khách. Nhiều người dân xếp hàng từ sáng đến quá trưa mới mua được hàng.

"Giờ siêu thị nào cũng giống đông, đành chấp nhận chịu khó mất một ngày để mua đủ đồ dùng thiết yếu cho cả gia đình. Nếu cứ đợi siêu thị vãn khách mới đến mua thì biết đợi đến bao giờ, hoặc có lẽ đến lúc đó, siêu thị đã hết hàng", chị Hương, một khách hàng của Bách Hoá Xanh chia sẻ.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP.HCM, tình hình cung ứng hàng hoá tại các siêu thị trên địa bàn thành phố đang rất căng thẳng. Người dân đổ xô đến các siêu thị để mua hàng thực phẩm.

Tại nhiều siêu thị, nhân viên đã tìm giải pháp để giảm tải tình trạng đông khách bằng cách phát phiếu hẹn giờ cho người dân đến mua hàng. Tuy nhiên, nhiều người xếp hàng đến trưa, chiều vẫn không nhận được phiếu hẹn do số người có nhu cầu vào siêu thị quá đông, siêu thị không thể phục vụ.

Ở một số siêu thị không phát phiếu hẹn, có hàng trăm người xếp hàng để vào siêu thị. Do người vào siêu thị mua rất nhiều hàng thực phẩm, mặc dù có nguồn hàng dự trữ, được bổ sung lên kệ liên tục nhưng đến chiều nhiều siêu thị đã hết các loại rau, củ, trứng, bún, nui.

Ghi nhận thực tế cho thấy, tối 14/7, có rất nhiều người dân có nhu cầu nhưng chưa được vào siêu thị để mua hàng.

Không chỉ TP.HCM, tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng xuất hiện nguy cơ thiếu hàng tại siêu thị, không đáp ứng được nhu cầu của người dân do các kho trung chuyển của các hệ thống bán lẻ ở miền Tây đặt tại thành phố Cần Thơ nhưng xe thực phẩm từ TP.HCM về. 

Theo quy định, tài xế phải xét nghiệm nhanh Covid-19, nhưng hiện nay bên y tế không xét nghiệm, không có chỗ xét nghiệm. Trong khi đó, giấy xét nghiệm của các tài xế đã hết hạn và chưa có nơi để đăng ký xét nghiệm lại.

Đáng chú ý, trong khi siêu thị quá tải thì bên ngoài các siêu thị lại xuất hiện tình trạng một số cá nhân mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi hoặc mua hàng nông sản của thương lái các tỉnh, mua lại tiểu thương của chợ đầu mối sau đó bán tại lề đường, đầu hẻm, tuyến phố gần chợ truyền thống, khu dân cư với giá cao. Một số hộ dân bán các loại rau, củ, quả, trứng với giá cao hơn siêu thị 30-50%.

Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, điều này là vi phạm quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch; đặc biệt các hành vi vi phạm không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch. Mặt khác, hoạt động này cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn thành phố, gây bức xúc trong nhân dân.

Cần tăng cường công tác quản lý 

Để đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá cho TP.HCM và ngăn chặn tình trạng găm hàng, tăng giá, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM yêu cầu đội trưởng các đội quản lý thị trường phối hợp lực lượng chức năng làm việc ngay với ban quản lý các trung tâm thương mại, siêu thị, người quản lý cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống đang hoạt động để phối hợp ngăn chặn và xử lý.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường yêu cầu các đội quản lý thị trường giám sát việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu về giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá để trục lợi. 

Đồng thời, đội quản lý thị trường cần thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, không kinh doanh hàng giả, vi phạm pháp luật khác và cử công chức phối hợp với lực lượng chức năng khác chống dịch.

Bên cạnh giải pháp quản lý, điều tiết thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng, TP.HCM cần nghiên cứu thực hiện đồng bộ việc phát phiếu đi siêu thị/cửa hàng đến từng hộ dân. Trong bối cảnh, hệ thống phân phối truyền thống chưa thể phục hồi, diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, khách hàng tập trung đi siêu thị đông sẽ khiến nguy cơ lây nhiễm Covid-19 càng cao. 

Để giảm áp lực cho cả các siêu thị và người tiêu dùng, giải pháp hiệu quả nhất lúc này là tổ chức cho người dân đi mua hàng một cách khoa học. 

Theo đó, thành phố cần nghiên cứu thực hiệp phát phiếu đi siêu thị đến từng hộ dân, quy định người dân từng phường mua sắm ở địa chỉ nào, ngày nào và kiểm soát việc thực hiện. Làm được điều này sẽ tránh được tâm lý người dân đổ xô đi xếp hàng quá đông tại các siêu thị gây quá tải.