Analytic

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Tư duy và định hình lại cách thức phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

Chưa bao giờ, câu chuyện về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại “nóng” như bây giờ khi mà biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng và ngày càng mạnh mẽ đến sự phát triền bền vững của toàn vùng, đặt người nông dân trước bao nguy cơ. 

Là người gắn bó cả đời với nông nghiệp và nông dân, thấp thỏm với từng nhịp đập của ĐBSCL, giáo sư Võ Tòng Xuân đã dành cho TheLEADER cuộc trò chuyện đầy tâm huyết của ông về việc tư duy, định hình lại cách thức khai thác tài nguyên và phát triển vùng ĐBSCL, cũng như trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tính lại chuyện cây và con cho ĐBSCL

Theo ông, ĐBSCL cần phải tái cơ cấu lại cây trồng và vật nuôi theo hướng nào? Việc tái cơ cấu này đang đặt ra những thách thức nào với nhà quản lý và bà con nông dân?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Trong tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) của lưu vực sông Cửu Long như hiện nay, Việt Nam khó có thể thuyết phục các quốc gia thượng nguồn dẹp bỏ các đập và trạm bơm của họ để dòng sông Mekong được chảy tự nhiên mang nước ngọt cho Việt Nam như xưa. Đây là một thực tế chúng ta phải chịu. Vì thế chúng ta phải sáng tạo, trong tình thế khan hiếm nước ngọt thì phải tận dụng những nguồn lực chúng ta hiện có như thế nào, biến những trở ngại thành những cơ hội mới mà trước kia chúng ta chưa nghĩ đến.

ĐBSCL sẽ không thể sử dụng nguồn nước ngọt quí hiếm để sản xuất quy mô lớn cho những nông sản giá trị thấp, tốn nhiều nước, mà phải chọn những nông sản có giá trị cao để sản xuất phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu ở vùng này.

Tôi đã có một số kiến nghị trước thềm Đại hội XII của Đảng, về đổi mới tư duy trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL là: không xem nước mặn là kẻ thù (quan điểm này tôi cũng đã từng đưa ra khi phát biểu trước Tỉnh ủy Cà Mau năm 1985), đã được Chính phủ tiếp thu. 

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Tư duy và định hình lại cách thức phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

Ông có thể nói rõ hơn về quan điểm định hướng phát triển ĐBSCL khi mà không xem nước mặn là kẻ thù?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Công việc chính của chúng ta là thay đổi quan điểm trồng cây gì và nuôi con gì cho cả vùng này để thích ứng với biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra trên quy mô ngày càng lớn của toàn vùng.

Như bà con ở vùng nhiễm mặn đã chuyển sang nuôi tôm đúng kỹ thuật đã có thu nhập ít nhất 4 lần cao hơn trồng lúa. Chúng ta sẽ bớt diện tích lúa để nuôi trồng cây ăn trái, hoa màu cao cấp, nuôi tôm càng xanh vùng nước ngọt trong mùa lũ, nuôi tôm sú, thẻ chân trắng, nuôi cua, cá kèo, v.v. vùng lợ và mặn.

Ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL chắc đã tiếp thu chủ trương mới này của Chính phủ, qui hoạch lại các vùng sản xuất, bớt diện tích lúa, dự kiến sản xuất cây gì con gì ở đâu...

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Tư duy và định hình lại cách thức phát triển Đồng bằng sông Cửu Long 1
Nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: NS

Ông thấy tiến trình thay đổi này diễn ra ở vùng ĐBSCL thế nào?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Phần lớn mới chỉ có thể làm trên bản đồ chứ trong thực tế chưa làm gì thêm, và nông dân cũng lúng túng như Nhà nước.

Có một thực tế là hiện nay cả hệ thống cơ sở hạ tầng mà Nhà nước đã đầu tư nhiều năm là để phục vụ mục tiêu sản xuất đại trà của ĐBSCL với hàng hóa chính là lúa gạo. Những nơi đang trồng cây ăn trái, nuôi tôm, nuôi cá… là do dân tự phát, tự bỏ vốn ra làm. Chính vì vậy, Nhà nước phải tính cả việc điều chỉnh đầu tư hạ tầng cho toàn khu vực trong tình hình mới.

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Tư duy và định hình lại cách thức phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: CC

Một vấn đề khác là câu chuyện làm ra bán ở đâu. Nếu có nhà lãnh đạo nào nói với bà con nông dân phải giảm trồng lúa, thì nông dân sẽ hỏi lại “vậy chúng tôi phải trồng cây gì?” và “trồng cây đó rồi ai sẽ mua?”

Thời buổi tái cơ cấu nông nghiệp chúng ta rất cần nhiều nhà doanh nghiệp có thị trường đầu ra, có chí thú làm giàu cho nông nghiệp và nông dân Việt Nam. Rất tiếc là còn khá hiếm các nhà doanh nghiệp như thế!

Theo ông cần có sự chung tay của các chuyên gia nông nghiệp, chuyên gia kinh tế và nhà quản lý trong câu chuyện về gạo, cá, dừa, sen cho ĐBSCL trong bối cảnh mới?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Nông nghiệp có phát triển hay không, mọi sản phẩm nông nghiệp có bán được hay không đều cần có doanh nghiệp, có thị trường đầu ra. Do đó cốt lõi phải xuất phát từ thị trường đầu ra và ngành nông nghiệp phải nắm bắt được thị trường đó.

Cần thiết lập chuỗi giá trị cho từng sản phẩm rồi xác định mức độ hợp tác của từng thành viên trong chuỗi, chuyên gia nông nghiệp biết mình phải giúp nông dân sản xuất thế nào để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn thị trường đầu ra; chuyên gia kinh tế tham gia phân khúc thị trường thế nào để sản phẩm được bán ra một cách rộng rãi.

Nhưng đó là về lý thuyết mà thôi vì thực tế hiện nay rất khó tìm được doanh nghiệp có đầu ra ổn định cho một mặt hàng nào đó; thường là doanh nghiệp sẽ “kết thân” với đội ngũ thương lái là chính để lo chuyện đầu vào đầu ra.

Với mô hình phát triển cho ĐBSCL thay đổi như vậy, bài toán cho gạo Việt Nam là gì để có thể tăng hàm lượng chất xám và bảo đảm tiêu chuẩn sạch, an toàn, cho người tiêu dùng trong và ngoài nước?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Vấn đề khó đối với mặt hàng nông sản số 1 này của nước ta là không có một sự chỉ đạo thật khoa học và vô tư (không lợi ích nhóm) của ngành chức năng của Nhà nước. Nhà nước không quản lý được chất lượng vật tư đầu vào, để người ta lạm dụng không kiểm soát được; không ấn định được gạo Việt Nam là gì và do đó không kiểm soát được chất lượng gạo lưu hành nội địa và xuất ra quốc tế, làm tổn thương uy tín gạo Việt Nam và làm thiệt thòi cho nông dân trồng lúa, gây lo âu cho người tiêu dùng.

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Tư duy và định hình lại cách thức phát triển Đồng bằng sông Cửu Long 3
Giáo sư Võ Tòng Xuân và đồng nghiệp thăm vùng lúa Đồng Tháp Mười. Ảnh: Vân Trường/ Báo Tuổi Trẻ

Trong khi đó, một số doanh nghiệp biết xây dựng được thương hiệu gạo có uy tín chất lượng thì lại vướng nhiều thủ tục rườm rà không được nhà nước ủng hộ, không được nhìn nhận, đành phải hứng chịu nhiều rủi ro, không vươn ra xa được.

Đây là những việc rất quan trọng mà Nhà nước phải tập trung giải quyết thật quyết liệt; có như vậy gạo Việt Nam mới chuyển hướng sang một giai đoạn phát triển mới ở tầm cao hơn.

Điều này cũng tương tư với các hàng hóa nông sản khác của toàn vùng ĐBSCL.

Canh tác “sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm” để cứu đất và bảo vệ sức khỏe

Trong một thời gian dài ngành nông nghiệp chạy theo sản lượng lúa, trồng lúa ba vụ, tăng năng suất… được cho là tác nhân chính làm tổn thương đến đất đai, đến chất lượng lúa. Bên cạnh đó là chính sách an ninh lương thực được thực hiện một thời gian dài cũng có tác động nhất định. Ông nhận định gì về vấn đề này và theo ông, chính sách an ninh lương thực có cần thiết phải đẩy sản lượng lên cao như thế không?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Chính sách an ninh lương thực (ANLT) trong một thời gian đã cứu đất nước ta tránh khỏi hiểm họa thiếu ăn, và đưa Việt Nam lên hàng các quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Nhưng chúng ta chỉ có tiếng mà không có miếng.

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Tư duy và định hình lại cách thức phát triển Đồng bằng sông Cửu Long 4

Rất tiếc là chính sách ANLT kéo dài mãi trong tình hình thặng dư lương thực đã không những làm tiêu tốn hàng trăm ngàn tỷ đồng để đạt mục tiêu làm ngọt hóa các vùng mặn trong khi dòng sông không chứa đủ nước ngọt, mà còn “giết chết” những sáng kiến làm giàu của nông dân trong các lĩnh vực khác ngoài cây lúa như nuôi thủy hải sản, trông cây ăn trái…

Mục tiêu tăng sản lượng và năng suất cây trồng không được kiểm soát chặt đã làm đất đai bị chai, chất dinh dưỡng tự nhiên của đất không còn, thay vào đó là hàng trăm loại hóa chất khác nhau tồn đọng trong đất, nước, và trong cây trồng, vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm không bảo đảm, chất lượng nông sản không còn ngon tự nhiên như xưa.

Rất may là Nhà nước đã thấy và đang chuyển đổi chính sách ANLT. Nhưng từ lúc công bố thay đổi cho đến lúc thực sự thay đổi trong xã hội và trong các bộ, ban, ngành, có thể là một thời gian dài nếu Chính phủ không quyết liệt triển khai.

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Tư duy và định hình lại cách thức phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

Gần đây nhiều mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ cao được đầu tư chứng minh cho thấy hiệu quả. Theo ông Nhà nước cần làm gì để thực sự hỗ trợ tiến trình này?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Công nghệ cao là một phương tiện có hàm lượng chất xám cao hơn bình thường, được dùng để sản xuất sản phẩm mà bình thường không đạt được. Nếu Nhà nước có cơ chế ưu đãi vốn đầu tư thì phải chọn dự án nào phải thực chất, có thể giúp cho nông dân nghèo.

Tiếc thay, vẫn có trường hợp đại gia có dư tiền của đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao nhưng không thuộc diện được vay ưu đãi lại vẫn được cho vay vốn đầu tư ưu đãi. Thế là đã giàu thì lại được vay tiền làm giàu thêm. Tội nghiệp người nông dân nghèo khi rất khó đến được với nguồn ưu đãi này.

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Tư duy và định hình lại cách thức phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
Thu hoạch lúa bằng máy gặt ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: NS

Canh tác hữu cơ hiện được thế giới rất quan tâm. Trong khi canh tác công nghệ cao đòi hỏi phải có nhiều điều kiện bao gồm diện tích đất lớn, thì canh tác hữu cơ được xem là phù hợp với lối làm ăn nhỏ lẻ của nông dân nhưng rất khó nâng cao được thu nhập, tăng mức sống khá giả cho nông dân. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Hiện nay thuật ngữ “hữu cơ” hay bị ngộ nhận, cũng như cụm từ “công nghệ cao”. Canh tác theo hữu cơ là tiêu chuẩn rất khó đạt, nhất là trong môi trường đất, nước và không khí bị ô nhiễm bởi rất nhiều hóa chất.

Phương pháp mà chúng ta thường thấy hiện nay là canh tác “sạch” “không phun thuốc bảo vệ thực vật”, “an toàn vệ sinh thực phẩm”. Muốn được đạt tiêu chuẩn “nông nghiệp hữu cơ” đúng nghĩa thì phải lấy theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, rất ít nơi nào đạt chuẩn, ngoại trừ trường hợp trồng lúa hữu cơ của Công ty Viễn Phú trồng trên đất giữa rừng U Minh Hạ mới khai hoang.

Còn “công nghệ cao” là công nghệ không dùng hóa học vô cơ, mà phải dùng các chất vi sinh hữu cơ bón vào đất để phục hồi lại môi trường vi sinh quanh rễ cây, nhờ vậy rễ cây phát triển mạnh, hấp thu các vi khuẩn và khuẩn lên thân cây giúp cây phát triển tự nhiên và có sức đề kháng thiên nhiên đối với côn trùng và bệnh hại.

Với ý nghĩa này, sản xuất nông nghiệp theo công nghệ cao cũng là cách canh tác “sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm”. Đây là khuynh hướng tất yếu mà tới đây Nhà nước cần đẩy mạnh để cứu đất nông nghiệp thoát khỏi hiểm họa bị bần cùng hóa, đất bị chai; còn người tiêu dùng thì có được các sản phẩm chất lượng và an toàn.

Là người nhiều năm tâm huyết với phát triển giống lúa và kinh doanh thị trường gạo Việt Nam, ông có suy nghĩ gì khi câu chuyện về lúa gạo vẫn còn nhiều điều đáng phải lưu tâm và đời sống người trồng lúa thì vẫn nghèo?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Tôi đã đồng hành cùng bà con nông dân trồng lúa từ hơn 40 năm nay, đã góp phần làm thay đổi chính sách nông nghiệp và cải tiến kỹ thuật trồng lúa, giúp bà con tăng sản lượng thặng dư. Nhưng tôi rất không an tâm khi chưa làm tăng được lợi tức của bà con. Đây quả là một sự cố gắng dai dẳng, phải kiên trì, tiếp tục làm đủ mọi cách cho đến ngày bà con nông dân đạt mức lợi tức phấn khởi.

Nông nghiệp và nông dân Việt Nam rất cần có hàng ngàn doanh nghiệp có “tâm và tầm” với lĩnh vực nông nghiệp, luôn sẵn sàng tiêu thụ sản phẩm bà con nông dân làm ra, biết xông xáo trên thị trường trong nước và quốc tế mang lại giá trị tương xứng cho sản phẩm nông nghiệp Việt.

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Tư duy và định hình lại cách thức phát triển Đồng bằng sông Cửu Long 2
Giáo sư Võ Tòng Xuân thăm vùng lúa Đức Huệ. Ảnh: VTV9

Mới đây một doanh nghiệp của Việt Nam là Thái Bình Seed đã đặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc giống lúa Thái Xuyên 111, đang được nông dân ưa thích gieo trồng. Ông thấy sao về việc này?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực lúa lai đã có đóng góp cho nông dân miền Bắc một số giống lúa lai, nhưng chưa đạt được chất lượng như giống lúa lai từ Trung Quốc. Đây là một thực tế.

Tuy nhiên ở miền Nam, lúa lai không có chỗ đứng, vì lúa thuần chiếm ưu thế hơn, nhất là hiện nay nhiều giống lúa thuần hạt dài, thơm, năng suất rất cao được nông dân miền Nam ưa chuộng. Nhưng các giống này vẫn chưa được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận vì thủ tục đăng ký công nhận còn quá phức tạp, tốn kém; trong khi đó, do người nông dân nước ta chưa có tập quán mua giống lúa có bản quyền nên khó thương mại được.

Đây là một thực tế rất đáng suy nghĩ và phải được ngành nông nghiệp xem xét kỹ về chính sách!

Ông đã từng gửi bức tâm thư tới tân Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với những ý kiến, chia sẻ rất thẳng thắn, những trăn trở của mình về hiện trạng ngành nông nghiệp. Theo ông, các nhà quản lý và làm chiến lược, chính sách cần thấy rõ điều gì của ngành và phải đổi thay ra sao?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Cách làm việc ở Việt Nam nói chung, của ngành nông nghiệp nói nói riêng thường không có người chịu trách nhiệm trong mỗi quyết định. Tập thể bàn bạc, tranh luận, rồi hay bị buông trôi hoặc quyết định triển khai nhưng không có ai đứng chịu trách nhiệm chính. Khi công việc không chạy, không ai bị khiển trách.

Trong bộ máy tổ chức có hiện tượng: Sức mạnh từ các chuyên viên luôn tìm cách kềm hãm quyết định của thủ trưởng, nhất là khi họ biết thủ trưởng không nắm vững vấn đề.

Ngay trong một bộ, thì cũng khó tìm một tập thể nhất trí đồng lòng tác chiến. Vì vậy bộ có biên chế rất phong phú, mà công việc chỗ nào cũng “không đủ người” làm.

Đấy, như xây dựng giống lúa thương hiệu quốc gia đã qua bao nhiêu năm vẫn chưa xong; thuốc bảo vệ thực vật nhập tràn lan, chính ngạch có, nhiều nhất là nhập tiểu ngạch, lưu hành gần như tự do, nông dân sử dụng vô tội vạ, không ai chịu trách nhiệm. Gạo xuất khẩu bị trả về, cá xuất khẩu bị trả về, nhưng quản lý nhà nước cũng không ai chịu trách nhiệm.

Dĩ nhiên người ta cho rằng lỗi chính là từ doanh nghiệp làm ăn không chân chính, nhưng câu hỏi là ai để cho doanh nghiệp làm được như thế? Cho đến nay tôi chưa thấy các bên có liên quan thực sự xem xét nghiêm túc để sửa những cái sai này.

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Tư duy và định hình lại cách thức phát triển Đồng bằng sông Cửu Long 1
Giáo sư Võ Tòng Xuân. Ảnh: Ng. Thanh/ Thời báo Houston, Texas (Mỹ).

Ở tuổi này, vì sao ông vẫn giữ được một tấm lòng kiên định với việc làm sao cho người nông dân hết khổ? 

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Làm gì cũng phải đam mê mới làm nổi. Tôi đam mê nông nghiệp và rất mong cho nông dân Việt Nam hạnh phúc vì có thể khấm khá nhờ nông nghiệp. Tôi có 2 cái may mắn: sức khỏe tốt và minh mẫn, và được học hành tới nơi tới chốn, vì vậy tôi mới quan niệm rằng kiếp tằm nên tiếp tục nhả tơ, đem kinh nghiệm của mình giúp mọi người một cách vô tư.

Nghỉ làm việc thì uổng kiếp tằm lắm. Nhưng chừng nào cảm thấy lẩm cẩm thì phải nghỉ thôi.

Ông chia sẻ điều gì với các bạn trẻ khởi nghiệp bằng nông nghiệp?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Lịch sử phát triển của các nước giàu trên thế giới đều bắt đầu từ nông nghiệp. Nông nghiệp có phát triển, nông dân mới tăng lợi tức, có sức mua mạnh mới thúc đẩy khu vực công nghiệp và dịch vụ phát triển. Đó là lộ trình đất nước nông nghiệp đi lên đỉnh giàu sang. Giới trẻ Việt Nam cần thấy sứ mệnh của mình gắn bó với lộ trình đó.

Để đạt đích thành công các bạn trẻ phải đốc hết sức mình để học thật kỹ, tận tường các môn học, không nên chỉ học để thi mà quan trọng hơn, học để hiểu, biết cách áp dụng trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Các bạn cần luôn chủ động tư duy sáng tạo, tìm tòi và phát hiện các vấn để của kinh tế nông nghiệp, của thị trường tiêu dùng; luôn đặt các câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời bằng nghiên cứu nghiêm túc.

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Tư duy và định hình lại cách thức phát triển Đồng bằng sông Cửu Long 10

Tôi có có hội được tìm hiểu và hiểu về cách mà một số doanh nhân thành công trong việc đưa ra thị trường các sản phẩm nông sản chế biến. Thí dụ như doanh nhân Nguyễn Lâm Viên, vua sấy mít khô và nay sấy cả các trái cây khác, chỉ bắt đầu từ ý nghĩ làm sao cho mít trở thành món ăn ngon và tiện lợi của dân Việt Nam và nhất là cho người nước ngoài vốn không ưa mùi mít.

Hoặc như doanh nhân Nguyễn Văn Hiển, vua nước chanh mang thương hiệu “Chanh Việt” bắt đầu sự nghiệp phát triển nông nghiệp bằng ý tưởng tại sao trái chanh của vùng đất phèn nặng Đồng Tháp Mười, một thực phẩm chức năng rất tốt cho sức khỏe con người nhưng rất rẻ tiền của nước ta, không được mọi người Việt Nam dùng hàng ngày thay thế các loại nước giải khát chỉ chứa nước và chất hóa học tổng hợp?

Nhìn kỹ vào chuỗi giá trị mà các doanh nhân này làm ra cho thị trường mới thấy rằng họ đã giúp phát triển nông nghiệp Việt Nam một cách bền vững, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm của nông dân và nâng cao lợi tức và đời sống cho họ, vừa giúp người tiêu dùng có được sản phẩm chăm sóc sức khỏe tốt.

Dư địa cho các ý tưởng sáng tạo làm giàu chính đáng trong lĩnh vực nông nghiệp nước ra còn rất lớn. Các bạn trẻ hãy nỗ lực phấn đấu để trở thành các “đại gia nông nghiệp” với trí óc tài năng và nhiệt huyết của mình.

Thực hiện: Kim Yến