GrabFood và chiến lược của người đến sau

Việt Hưng - 16:23, 29/01/2019

TheLEADERTheo công ty nghiên cứu thị trường GCOMM, GrabFood hiện nhỉnh hơn các đối thủ ở yếu tố: tốc độ, trải nghiệm, chất lượng, độ đa dạng món ăn, giá cả, khuyến mãi, hình thức thanh toán, hay thái độ của người giao hàng - đặc biệt ở thị trường Hà Nội.

Sau 7 tháng bước chân vào cuộc đua giao nhận thức ăn trực tuyến, dấu ấn mà GrabFood để lại không đơn thuần chỉ là ứng dụng với tốc độ giao hàng nhanh nhất mà còn là thành tích ấn tượng của dịch vụ giao nhận thức ăn phát triển nhanh nhất Việt Nam. 

Báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu thị trường GCOMM dựa trên các khách hàng tại Hà Nội và TP. HCM trong tháng 12/2018 đã chỉ ra, trong các dịch vụ giao thức ăn hiện tại, GrabFood được đánh giá cao nhất về tốc độ với khoảng 80% khách hàng.

Xét chỉ số hài lòng được khảo sát, GrabFood nhỉnh hơn các đối thủ ở yếu tố: tốc độ, trải nghiệm ứng dụng, chất lượng, độ đa dạng món ăn, giá cả, khuyến mãi, hình thức thanh toán hay thái độ của người giao hàng - đặc biệt ở thị trường Hà Nội.

Sở dĩ GrabFood có được thành tích đáng nể này là nhờ một chiến lược tổng thể, được tích lũy kinh nghiệm triển khai mảng giao đồ ăn ở thị trường như Indonesia, hay Thái Lan, dù bị coi là "người đến sau" so với các đối thủ như Now, hay Go-Food.

Now được biết tới là tay chơi lâu đời nhất tại thị trường này. Theo sau Now là Go-Food của Go-Viet. Là người đến sau cùng trên thị trường giao nhận đồ ăn hiện tại, nhưng Grab hiện sở hữu lượng người dùng rất lớn từ thị trường đặt ô tô và xe máy.

Giám đốc Grab tại Việt Nam - Jerry Lim cho biết, khi đặt chân vào thị trường đã có các đối thủ kinh nghiệm, thử thách với Grab là không hề nhỏ. Nhưng phía Grab cũng có những thế mạnh như: dữ liệu, công nghệ...

Theo thời gian, khi số lượng các đơn đặt món tăng lên, GrabFood có thể định hình được khẩu vị của người Việt, từ đó đưa ra các gợi ý phù hợp hơn các công ty đối thủ. Mục tiêu cuối cùng mà Grab hướng đến là chất lượng dịch vụ vượt trội.

GrabFood và chiến lược của người đến sau
Dịch vụ GrabFood hưởng lợi từ 175 nghìn đối tác tài xế Grab tại Việt Nam

Cũng theo ông Jerry Lim, một phần thế mạnh của GrabFood còn từ số lượng tài xế đông đảo số một thị trường. Theo con số 175 nghìn đối tác - mà Grab từng công bố trước đây, đội ngũ tài xế áo xanh Grab phủ khắp các tỉnh có lẽ là lí do giúp lãnh đạo tự tin về lợi thế của GrabFood.

Bên cạnh đội ngũ tài xế, hàng ngàn đối tác là các nhà hàng, quán ăn cũng hợp tác với GrabFood, mang tới cho người tiêu dùng trải nghiệm đặt món trực tuyến với đầy đủ các món ăn được yêu thích nhất. Đặc biệt, một số đối tác như GongCha, Meet Fresh đã tin tưởng và đồng sáng tạo những thức uống chỉ có trên nền tảng GrabFood.

Chưa dừng lại ở đó, mới đây, Grab Việt Nam còn tuyên bố tiếp tục mở rộng dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood ra thêm 12 tỉnh, thành phố, bao gồm: Cần Thơ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bình Dương, Đồng Nai, Đà Lạt (Lâm Đồng), Phan Thiết (Bình Thuận), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Hội An (Quảng Nam).

Với sự mở rộng này, GrabFood hiện có mặt tại 15 tỉnh thành và trở thành dịch vụ giao nhận thức ăn phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Kể từ khi ra mắt tại Việt Nam vào tháng 6/2018, số lượng đơn hàng GrabFood đã tăng trưởng 25 lần, số lượng đối tác kinh doanh GrabFood tăng gấp 10 lần.

Hiện Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của GrabFood ngoài Indonesia. Bên cạnh đó, thế mạnh của một công ty công nghệ giúp Grab am hiểu nhu cầu, sở thích ẩm thực của người Việt.

Theo báo cáo của Euromonitor, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam trong năm 2018 sẽ đạt khoảng 33 triệu USD và đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng trung bình 11%/năm.

Thị trường này tuy nhỏ so với mảng F&B nói chung, nhưng lại thu hút các doanh nghiệp theo đuổi bởi tính trung thành của loại hình dịch vụ này khá cao. Các chuyên gia trong lĩnh vực nhận định, dư địa thị trường còn nhiều, tốc độ tăng trưởng hàng tháng nhanh là lý do Grab quyết định tham gia vào lĩnh vực đặt món trực tuyến.