GS. Ray Gordon: Sinh viên Việt cần vượt ra khỏi vùng an toàn của mình

Quỳnh Chi - 15:27, 02/07/2018

TheLEADERTheo GS.TS Ray Gordon, Hiệu trưởng trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV), việc ứng dụng các chương trình đào tạo quốc tế và công nghệ kết hợp đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên sẽ giúp họ được đánh giá cao hơn trong quá trình tuyển dụng.

GS. Ray Gordon: Sinh viên Việt cần vượt ra khỏi vùng an toàn của mình
Hiệu trưởng trường Đại học Anh quốc Việt Nam Ray Gordon

Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trong những năm qua và đang bước vào một giai đoạn mới với tăng trưởng GDP năm 2017 đạt mức kỷ lục trong vòng một thập kỷ (6,81%). 

Theo đánh giá của hiệu trưởng trường Đại học Anh quốc Việt Nam (British University Vietnam – BUV) Ray Gordon, với thành tích kinh tế nổi bật ở Đông Nam Á, Việt Nam cùng các nền kinh tế mới nổi khác sẽ cần tới một nguồn lớn lao động có kỹ năng và được đào tạo bài bản, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang nổ ra mạnh mẽ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay có khoảng hơn 200 nghìn lao động trình độ đại học trong độ tuổi lao động chưa có việc làm, chưa thu hút được sinh viên giỏi vào ngành sư phạm để nâng cao chất lượng giáo dục. Một trong những nguyên nhân ông Nhạ đưa ra là chất lượng giáo dục đại học còn nhiều bất cập.

Trong báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã nêu "lực lượng lao động chưa được đào tạo đầy đủ" là hạn chế lớn thứ hai trong môi trường kinh doanh của Việt Nam. Tương tự, khảo sát lao động của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, tìm được ứng cử viên cho các vị trí việc làm đòi hỏi tay nghề cao hơn là một thách thức lớn cho hầu hết các doanh nghiệp, khoảng 70 - 80% ứng viên cho các vị trí quản lý và kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 cũng chỉ ra rằng 55% doanh nghiệp khẳng định khó tìm kiếm nguồn lao động có chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu. Còn theo số liệu điều tra của Viện Khoa học lao động xã hội, 2/3 số doanh nghiệp Việt Nam cho biết, phần lớn người lao động thiếu hụt kỹ năng cần thiết cả về chuyên môn và các kỹ năng nòng cốt khác như kỹ năng về kỹ thuật.

Trước bối cảnh đó, nhiều trường đại học quốc tế danh tiếng như RMIT (Australia), Fulbright (Mỹ) hay BUV (Anh) với các chương trình đào tạo tiên tiến đã tận dụng cơ hội và không ngừng đầu tư vào Việt Nam.

Ông Ray Gordon cho biết hiện nay BUV không chỉ tập trung đào tạo một thế hệ nhân lực trẻ chất lượng cao với thành tích 100% sinh viên tốt nghiệp và 100% sinh viên có việc làm sau khi ra trường trong vòng 3 tháng mà còn cam kết đóng góp lâu dài cho giáo dục Việt Nam.

Riêng trong năm 2017, BUV đã đầu tư 11 tỉ đồng vào sự phát triển của nền giáo dục Hà Nội. Để chào mừng sự kiện khánh thành cơ sở Ecopark giai đoạn 1 trong năm nay, BUV đã khởi động Quỹ học bổng mừng khánh thành cơ sở Ecopark trị giá 34 tỉ đồng dành cho học sinh, sinh viên xuất sắc và tài năng trên nhiều lĩnh vực.

Trao đổi với TheLEADER, hiệu trưởng BUV cho biết, trong những năm tới sẽ mở các ngành học gắn liền cùng với sự phát triển của Việt Nam như ngành quản trị sự kiện, khách sạn, du lịch, thiết kế sáng tạo, thiết kế và lập trình game… với một môi trường học tập hoàn hảo, nghiêm túc và tự do phát triển; từ đó đem lại một lực lượng lao động chất lượng cao ngay khi ra trường, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày một nhanh chóng của Việt Nam.

Hoạt động tại Việt Nam trong hơn 8 năm qua, các chính sách của Việt Nam có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của BUV?

Ông Ray Gordon: Chính phủ Việt Nam và thành phố Hà Nội luôn nỗ lực đẩy mạnh mở cửa với nhiều chính sách cũng như các buổi đối thoại trực tiếp, gặp gỡ và chia sẻ nhằm tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nói chung và đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nói riêng. Chính những điều này đã hỗ trợ BUV xây dựng và phát triển thành công cơ sở mới hiện đại, đẳng cấp quốc tế.

Có thể nói, các chính sách do Chính phủ Việt Nam đưa ra nhằm phục vụ cho sự phát triển của xã hội, nền kinh tế và cả hệ thống chính trị; vì vậy, điều chúng tôi phải làm là đáp ứng được các yêu cầu, quy định của Chính phủ Việt Nam và sau đó làm việc trực tiếp với Chính phủ để xem xét liệu rằng có những lổ hổng hay điểm nghẽn nào khi thực hiện các quy định, chính sách này hay không; từ đó cùng giải quyết vấn đề.

Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua thực sự đã luôn hỗ trợ và đồng hành cùng chúng tôi.

Sau gần một thập kỷ tại Việt Nam, BUV gặp phải những khó khăn nào?

Ông Ray Gordon: Với cương vị là nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, vấn đề khó khăn nhất của chúng tôi đó là kết hợp hai hệ thống giáo dục của Anh quốc và Việt Nam và đương nhiên bên cạnh sự khác biệt của hai hệ thống giáo dục là sự khác biệt của hai hệ thống pháp lý cũng như việc cấp phép.

Tuy nhiên, chúng tôi luôn nhận được nhiều sự hợp tác và ủng hộ từ phía thành phố Hà Nội trong việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thủ tục pháp lý thông thoáng linh hoạt để có thể mang lại những chương trình đào tạo vừa phù hợp với quy định của pháp luật vừa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, phù hợp với yêu cầu và nhu cầu của sinh viên Việt Nam.

Ngoài ra, việc tạo dựng niềm tin trong cộng đồng phụ huynh Việt Nam cũng là một trong những thách thức ở giai đoạn đầu bởi lẽ họ luôn muốn tìm một ngôi trường danh tiếng và có thể tin tưởng để gửi gắm tương lai của con em mình.

Tôi cho rằng, không chỉ BUV mà tất cả các trường đại học, từ trường công cho đến trường tư, cần phải cung cấp được các chương trình giáo dục chất lượng, tạo niềm tin cho phụ huynh và học sinh.

Sinh viên Việt Nam có những điểm mạnh và điểm yếu nào cần khắc phục?

Ông Ray Gordon: Sinh viên Việt Nam thường nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của giáo dục đối với tương lai của họ; do đó, họ thường cam kết rất mạnh mẽ đối với việc học của mình và dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu và học tập.

Tuy nhiên họ cũng cần phải sáng tạo hơn, phát triển hơn nữa và cố gắng vượt qua vùng an toàn của mình để không chỉ có được tiếng nói của mình trong xã hội mà còn kiểm soát được lời nói, hành vi của mình.

Hiện nay các trường đại học tại Việt Nam đã và đang tạo ra một trung tâm hội tụ các giảng viên ưu tú, hứa hẹn mang lại nhiều giá trị cho sinh viên. Chúng tôi cũng đang trực tiếp làm việc với nhiều giảng viên cũng như nhiều trường đại học của Việt Nam nhằm giới thiệu các phương pháp giảng dạy quốc tế và việc ứng dụng công nghệ nhằm hỗ trợ cho họ.

Trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi có bàn về tính tự chủ của các trường đại học, ông nghĩ gì về điều này?

Ông Ray Gordon: Hiện nay nhiều quốc gia đã thực hiện việc tự chủ đại học và nhiều quốc gia cũng đang nỗ lực hướng tới điều này với mục đích nâng cao tính hiệu quả và tính cạnh tranh giữa các trường, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.

Tôi cho rằng, một hệ thống giáo dục đại học tự chủ không chỉ về mặt tài chính mà còn về chất lượng đào tạo, hệ thống các quy tắc; điều này có nghĩa là các trường đại học được tự do thực hiện các công việc của mình nhưng phải đảm bảo sử dụng các chương trình đào tạo có chất lượng một cách hiệu quả.

Để đảm bảo được chất lượng trong việc thực hiện tự quản giáo dục, các trường đại học được tự do tự điều chỉnh song cần phải đặt ra các tiêu chuẩn nhất định và có các cơ quan giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn này.

Xin cảm ơn ông!