Hàng không Việt tìm 'phao cứu sinh' giữa đại dịch Covid-19

Minh Nhật - 10:32, 11/04/2020

TheLEADERHàng loạt chính sách hỗ trợ ngành hàng không giữa dịch Covid-19 đã được kiến nghị như giảm thuế, giãn thời gian nộp thuế, giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu hay giảm giá các dịch vụ khác.

Hàng không Việt tìm 'phao cứu sinh' giữa đại dịch Covid-19
Các hãng hàng không của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19

Bộn bề khó khăn 

Do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các hãng hàng không gần như đã dừng khai thác toàn bộ đường bay quốc tế và nội địa. Chỉ một số nhỏ chuyến bay được khai thác để vận chuyển hành khách Việt Nam đi quốc tế, các chuyến bay chở hàng hóa và 3 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM được vận hành với tần suất tối thiểu để phục vụ nhu cầu thiết yếu về vận chuyển hàng không.

Việc điều chỉnh kế hoạch bay cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh khiến lượng hành khách sụt giảm mạnh, các hãng hàng không rơi vào tình trạng khủng hoảng nặng nề. 

Dự báo của Cục Hàng không Việt Nam giữa tháng 3 cho biết, ngành hàng không thiệt hại khoảng hơn 30.000 tỷ đồng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Con số này trên thực tế và cho đến hiện tại sẽ còn cao hơn rất nhiều trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, hàng loạt đường bay tạm dừng hoặc giảm tần suất tối đa.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư mới đây, giai đoạn từ 1/4 đến nay, lượng hành khách vận chuyển hàng không chỉ bằng 1 – 2% so với thời điểm trước khi có dịch,  Hầu hết đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đang phải đậu lại tại các cảng hàng không, không được đưa vào khai thác.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là một trong những doanh nghiệp có vốn Nhà nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, lỗ 2.383 tỷ đồng. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020.

"Để đảm bảo khả năng thanh toán trong năm 2020, Vietnam Airlines cần Nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ đồng và phải bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020", báo cáo của Uỷ ban Quản lý vốn nêu kiến nghị.

Trong tâm thư gửi cán bộ nhân viên, Vietnam Airlines cho biết trong quá trình hoạt động chưa bao giờ phải đột ngột dừng hoạt động như hiện nay với gần 100 máy bay trong tổng số 106 máy bay phải tạm ngừng khai thác.

Trong buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với một số tập đoàn tư nhân đầu tháng trước, đại diện hãng hàng không Vietjet cho biết doanh thu đã giảm một nửa trong quý I. Hãng đã thực hiện nhiều giải pháp ứng phó được đưa ra như cơ cấu lại chặng bay, tạm hoãn mở đường bay mới tới Ấn Độ. Trước mắt, Vietjet buộc phải giảm 30% lương nhân viên, giảm giờ lao động và tăng cường các hoạt động trực tuyến.

Trong thư gửi nhân viên, CEO Bamboo Airways Đặng Tất Thắng cho biết phải có những giải pháp mạnh trong thời điểm mỗi ngày càng lúc càng xấu đi. Hãng này đã dừng đường bay nhánh, chỉ giữ các đường bay trục chính và cắt giảm số máy bay đang hoạt động cũng như hạn chế những kế hoạch đòi hỏi ngân sách lớn.

Bamboo Airways cũng quyết định để một số cán bộ nhân viên nghỉ không lương và nghỉ luân phiên, đồng thời điều chỉnh thu nhập của những người ở lại cho đến khi thị trường phục hồi. 

Với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), dự kiến cả năm 2020, doanh thu của ACV đạt 11.339 tỷ đồng, giảm 10.230 tỷ đồng so với kế hoạch 2020; lợi nhuận đạt 1.476 tỷ đồng, giảm 9.335 tỷ đồng so với kế hoạch 2020.

Với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), chỉ tính riêng trong tháng 2/2020, tổng sản lượng điều hành bay qua giảm hơn 14.599 chuyến, tương đương giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng điều hành bay đi, đến (chuyến bay quốc tế) giảm gần 3.415 chuyến, tương đương giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 3/2020, các hãng hàng không tiếp tục cắt giảm hàng loạt các chuyến bay đi/đến, sản lượng điều hành bay dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm, đồng nghĩa với tổng thu tiền điều hành bay năm 2020 sẽ giảm tương ứng.

Đề xuất nhiều giải pháp giải cứu

Đại diện Vietjet Air đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng hàng không. Theo quy định hiện hành, thuế môi trường đang ở mức 3.000 đồng/lít xăng, tương đương 22% chi phí xăng dầu, tỷ lệ này có thể tăng lên 50% nếu giá xăng dầu giảm như hiện nay.

"Đây là thuế gián thu nhưng chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí xăng dầu của doanh nghiệp hàng không", đại diện Vietjet chia sẻ và đề nghị miễn giảm từ 50-70% phí dịch vụ hoạt động hàng không. Đại diện Vietjet cũng kiến nghị được giảm lãi suất vay trong 2 - 3 năm để giúp doanh nghiệp phục hồi. 

Trong văn bản mới nhất báo cáo lên Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách áp dụng chung cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực hàng không: Cho phép các cơ quan, đơn vị được giảm thuế, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách (thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không) cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh từ ngày 23/01 tới ngày 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.

Bộ GTVT đề xuất miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu baytừ ngày 23/1-31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.

Trường hợp cân đối ngân sách gặp khó khăn, thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.

Bên cạnh đó, áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa. Thời gian áp dụng dự kiến từ ngày 1/3/2020 đến hết ngày 31/8/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.

Bộ GTVT kiến nghị cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ 1/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ (ACV, Công ty cổ phần dữ liệu trực tuyến Việt Nam-VDO và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng không khác) thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác.

Bộ GTVT cũng đề xuất xem xét kiến nghị khác của các hãng hàng không Việt Nam về việc hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán.