Hiểu đúng về việc giá vé máy bay tăng cao

An Chi - 09:00, 28/04/2024

TheLEADERKhông thể đổ lỗi cho các hãng khi giá vé máy bay tăng cao, bởi giá vé máy bay nội địa vẫn nằm trong khung giá đã được nhà nước quy định.

Hiểu đúng về việc giá vé máy bay tăng cao
Giá vé máy bay tăng cao trong các dịp nghỉ lễ. Ảnh: HA

Không thể đổ lỗi cho các hãng

Không chỉ vào các kỳ nghỉ lễ, thời gian gần đây giá vé máy bay chặng nội địa luôn neo ở mức cao, gấp 2 - 3 lần so với thời gian trước đã và đang là đề tài nóng trong dư luận.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của đại diện một hãng hàng không, việc nhiều ý kiến nhận định giá vé máy bay tăng cao, thậm chí đổ lỗi cho các hãng cố tình nâng giá vé là thiếu khách quan, chưa thực xác đáng.

Vị này dẫn chứng: "Nhiều người cố tình lấy giá vé cao nhất ở khung giờ đẹp của hạng vé có dịch vụ tăng thêm rồi khẳng định chắc nịch rằng giá vé cao ngất ngưởng. Đó là điều phi lí, không phản ánh đúng bản chất của thị trường giá vé máy bay".

Hơn nữa, ngay cả khi lấy giá vé phổ thông cơ bản ở ngày cao điểm so với ngày thấp điểm, cũng là so sánh khập khiễng. Bởi vào dịp lễ tết, nhu cầu của khách hàng tăng rất cao. Không chỉ vé máy bay mà nhiều mặt hàng khác cũng sẽ được điều chỉnh giá để phù hợp với tình hình cung ứng của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường.

Chính vì vậy, muốn đánh giá giá vé máy bay cao hay thấp, trước hết, cần hiểu rõ về các loại vé và các quy định đối với giá vé máy bay. 

Vé máy bay hiện được chia thành hai loại là vé máy bay quốc tế đến và đi từ Việt Nam và vé máy bay nội địa.

Theo quy định của Luật Hàng không dân dụng, đối với vé quốc tế, các hãng hàng không được tự quyết định mức giá và thông báo theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải.

Đối với vé nội địa, vé máy bay sẽ được phân theo hai hạng gồm hạng phổ thông cơ bản và hạng có các dịch vụ tăng thêm.

Hạng phổ thông cơ bản là hạng bao gồm các dịch vụ cơ bản cho hành khách trong suốt chuyến bay. Hạng vé này sẽ do các hãng quyết định giá trong khung giá được Bộ Giao thông vận tải ban hành.

Theo khung giá mới nhất, có hiệu lực từ ngày 01/3/2024, giá vé nội địa hạng phổ thông cơ bản được chia theo năm nhóm đường bay. Mức vé thấp nhất được áp dụng cho nhóm đường bay ngắn nhất (dưới 500km), tối đa là 1.600.000 đồng/vé một chiều. 

Mức vé cao nhất được áp dụng cho đường bay dài nhất (từ 1.280km trở lên) có mức giá tối đa là 4.000.000 đồng/vé một chiều. Các mức giá này chưa bao gồm thuế VAT và các khoản thu hộ cho cảng hàng không.

Hạng vé có các dịch vụ tăng thêm sẽ do các hãng quyết định mức giá trên cơ sở cân đối khả năng cung cấp dịch vụ của hãng và nhu cầu thị trường.

Đây là hạng vé nhằm đáp ứng nhu cầu của những hành khách có tài chính dư dả, muốn trải nghiệm các tiện ích cao cấp trên chuyến bay. Giá hạng vé này cao hơn nhiều so với giá vé phổ thông cơ bản.

Hiện nay, hạng vé có dịch vụ tăng thêm của Vietnam Airlines gồm hạng thương gia, hạng phổ thông đặc biệt. Hạng vé có dịch vụ tăng thêm của Vietjet là hạng "Business", "Skyboss", "Deluxe". Theo thống kê, số lượng vé hạng này chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số vé của một chuyến bay.

Như vậy, bên cạnh hạng vé phổ thông cơ bản, vé máy bay còn hạng vé có dịch vụ tăng thêm. Do đó, mỗi chặng bay sẽ có nhiều hạng vé khác nhau, nhiều mức giá khác nhau tùy theo từng khung giờ, phù hợp với khả năng chi trả của mọi đối tượng hành khách.

Nếu chỉ xét đến giá vé phổ thông cơ bản, tức giá vé các hãng phải bán theo quy định khung giá, phục vụ số lượng hành khách đông nhất của mỗi chuyến bay, có thể thấy giá vé này không vượt giá trần quy định.

Cụ thể, vé phổ thông cơ bản ở chặng bay dài nhất, bán theo giá cao nhất của các hãng luôn không vượt 4.000.000 đồng/vé/một chiều.

Sẽ ngày càng ít cơ hội bay giá thấp

Có thể thấy, giá vé máy bay nội địa vẫn nằm trong khung giá đã được nhà nước quy định. Các hãng không làm trái quy định pháp luật về việc bán "vượt trần" giá vé máy bay.

Vậy tại sao người dân vẫn cảm nhận giá vé máy bay tăng cao hơn nhiều so với giai đoạn trước?

Theo lý giải của lãnh đạo một công ty phát triển hạ tầng hàng không, mặc dù giá vé máy bay không cao vượt trần, nhưng số lượng các vé máy bay giá cao trong dải giá vé ngày càng nhiều và các vé máy bay giá thấp đang ngày càng ít lại. 

Trước đây, cơ cấu giá vé của các hãng luôn để khoảng 50% số lượng vé bằng giá trần ở các mùa cao điểm, lễ tết, cao điểm hè. Còn lại 50% lượng vé máy bay sẽ ở các dải giá từ bằng 75% giá trần trở xuống. Số lượng các vé máy bay giá thấp dồi dào.

Tuy nhiên, hiện nay, khi cung không đủ cầu, giá đầu vào tăng cao, tất yếu các hãng sẽ phải đẩy giá cao, không còn các dài giá thấp. Giá vé máy bay hầu hết sẽ từ bằng 50% giá trần đến kịch trần. Số lượng vé máy bay giá rẻ sẽ ngày càng khan hiếm.

Đặc biệt, trong các dịp lễ tết hay mùa du lịch cao điểm, hoàn toàn vắng bóng các vé máy bay giá rẻ. Đây là các thời điểm mà các hãng hàng không phải giải quyết tình trạng “lệch đầu”, tức một chiều bay ít khách và một chiều bay đông khách.

Điều này khiến các hãng sẽ phải chịu lỗ cao ở chiều bay ít khách để đưa tàu tới phục vụ cho chiều bay đông khách, dẫn tới việc các hãng phải xây dựng các mức giá vé đảm bảo quyền lợi cho cả hãng và hành khách.

Thêm nữa, ngay cả trong thời điểm dễ dàng bổ sung tàu bay nhất, các hãng bay cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu của hành khách. Trong khi đó, ở bối cảnh hiện tại, tất cả các hãng hàng không trên thế giới đều thiếu tàu, nên việc đảm bảo phục vụ hành khách là nỗ lực rất lớn của các hãng.

Việc mở nhiều đường bay quốc tế, cắt giảm số đường bay nội địa cũng là nguyên nhân khiến giá vé tăng mạnh.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan do thiếu tàu bay, chi phí đầu vào, giá nhiên liệu, tiền thuê máy bay, phi công tăng cao, việc nhiều điểm du lịch tại Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của du khách trong nước và quốc tế cũng vô hình khiến mặt bằng giá cả tại đây tăng cao hơn vào những thời gian cao điểm.

Trong bối cảnh thiếu tàu bay, năng lực vận chuyển hàng không giảm mạnh do cả các yếu tố khách quan và chủ quan như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, ít nhất trong từ một đến hai năm tới, giá vé máy bay sẽ vẫn ở mức cao.