Ngăn chặn trục lợi đất vàng trong cổ phần hóa

Trần Vân - 15:11, 13/11/2017

TheLEADERNhiều doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa được định giá rất thấp, không tính giá trị lợi ích kinh tế mang lại liên quan đến địa điểm và diện tích đất mà doanh nghiệp được giao, cho thuê. Đây là lỗ hổng khiến Nhà nước thất thu hàng nghìn tỷ.

Ngăn chặn trục lợi đất vàng trong cổ phần hóa
Nhiều DNNN ở Hà Nội và TPHCM nắm giữ nhiều quỹ đất vàng cần được định giá đúng khi CPH. Ảnh: TL TheLEADER

Lâu nay, giá trị đất đai đưa vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không bao gồm đất thuê của Nhà nước và không tính giá trị lợi ích kinh doanh mang lại liên quan tới địa điểm vào giá trị đất thuê. Nhiều doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa được định giá rất thấp.

Chủ mới của các công ty cổ phần thường tìm mọi cách để chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất mà họ ký hợp đồng thuê với Nhà nước. Nhiều trung tâm thương mại, cao ốc văn phong, chung cư cao cấp mọc lên từ nơi trước đây là trụ sở, nhà xưởng của doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa mang lại món lợi lớn và lâu dài cho chủ mới. Đây là lỗ hổng khiến Nhà nước thất thu hàng nghìn tỷ.

Tình trạng chung của các doanh nghiệp này là tiếp tục “ôm” toàn bộ diện tích đất đang quản lý mặc dù chưa phù hợp với ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch địa phương do Nhà nước chưa tách bạch được tài sản đất đai ra khỏi thương hiệu, lao động, cơ sở vật chất cố định khác.

Từ đây đến năm 2020, cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa gần 140 doanh nghiệp nhà nước trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, nắm giữ nhiều “đất vàng”. Làm sao đất vàng được quản lý và khai thác hiệu quả cho sự phát triển kinh tế chung của quốc gia là vấn đề cấp bách hiện nay.

Mới đây, Bộ Tài chính có đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho thanh tra những trường hợp đất ở vị trí đắc địa của doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng. Bộ Tài chính đã nêu danh mục 60 dự án với diện tích 834.000m2 đất sản xuất chuyển đổi thành cao ốc, trung tâm thương mại để bán và cho thuê. Có nhiều lô đất được phê duyệt để xây chung cư cao cấp với mức giá chỉ 20-40 triệu đồng/m2, trong lúc giá thị trường lên đến hàng trăm triệu đồng/m2.

Có thể kể tên một số dự án mà Bộ Tài chính đề xuất thanh tra như: Dự án khu nhà ở thấp tầng tại Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội; dự án của Công ty TNHH Đầu tư RITM-Mekong (đất do Viện Công nghệ quản lý và sử dụng), có địa chỉ tại 25 Vũ Ngọc Phan, Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội; Công ty CP Công nghiệp cao su miền Nam (dự án cao ốc thương mại dịch vụ và căn hộ), có địa chỉ tại 504 Nguyễn Tất Thành, phường 18, quận 4, TP HCM; Công ty CP Phát triển địa ốc Sài Gòn 5 (dự án chung cư thương mại), có địa chỉ tại phường 13, quận 5, TP HCM….

Để ngăn chặn “đất vàng” bị thâu tóm với giá rẻ trong quá trình cổ phần hóa, Bộ Tài chính đang dự thảo nghị định mới thay cho Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Trong đó có tháo gỡ các vướng mắc theo đúng tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước).

Theo tôi, cần công khai, minh bạch trong xử lý vấn đề về đất đai (thuê và giao) của doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa, đó là phải xác định xong phương án sử dụng đất và chỉ được phục vụ cho ngành nghề kinh doanh chính.

Ví dụ như: doanh nghiệp sản xuất bia, nhà xưởng thì chỉ được sử dụng đất vào mục đích đó, không được kinh doanh bất động sản trừ khi đó là ngành nghề chính.

Mặt khác, cần sắp xếp lại quỹ đất đai. Đơn vị nào thừa đất, sử dụng đất không đúng mục đích thì sẽ thu hồi, chuyển cho doanh nghiệp khác. Khi doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần thì đất đai cũng phải được sử dụng đúng mục đích đã xác định trước đó và trả tiền thuế đất hàng năm.

Trong trường hợp đất sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định lẫn chức năng kinh doanh của doanh nghiệp như xây cao ốc, chung cư…, khi đó Nhà nước cần xác định lại giá trị đất để nộp thuế theo quy định của Luật Đất đai; trường hợp cần thiết thì địa phương có thể áp dụng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách của doanh nghiệp.

Với trường hợp Công ty CP Giày Sài Gòn, nếu sản xuất kinh doanh giày thua lỗ chuyển đổi công năng, giá trị sử dụng đất và quyền sử dụng đất của 10.000m2 phải được tính lại, buộc qua đấu giá công khai chứ không phải đấu giá kiểu không minh bạch, “quân xanh, quân đỏ”.

Chưa biết bao giờ dự thảo nghị định nói trên mới được trình Chính phủ để thông qua, còn cứ như tình hình hiện nay với những quy định hiện hành, việc trục lợi “đất vàng” trong việc cổ phần hóa vẫn còn có xu hướng tiếp tục.