Nhà đầu tư nên làm gì với trái phiếu doanh nghiệp hiện nay?

06:29, 13/10/2022
Nguyễn Quang Thuân
Chủ tịch FiinGroup

Không may nhà đầu tư đang sở hữu các trái phiếu mà doanh nghiệp không thể trả lãi và/hoặc gốc thì việc chấp nhận "ngồi lại" đàm phán và dàn xếp với doanh nghiệp và các tổ chức trung gian sẽ là giải pháp tốt cho các bên.

Sau những sự kiện gần đây về trái phiếu doanh nghiệp và đặc biệt là sau sự kiện ngân hàng SCB và những biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền thì nhiều người đã hiểu ra rằng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) không thể an toàn cao như tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.

Mặc dù rủi ro TPDN hiện nay là có nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được. 

Hiện nhà đầu tư trái phiếu muốn đáo hạn sớm và nhiều doanh nghiệp cũng chủ động “trả lại” tiền cho nhà đầu tư. Cùng với hoạt động phát hành mới giảm sút trong 9 tháng năm 2022 và điều này làm cho số dư trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành đã giảm đi đáng kể và tức là rủi ro đến với hệ thống tài chính cũng cơ bản được kiểm soát mặc dù việc đáo hạn sớm đã tạo ra những xáo trộn trên thị trường trái phiếu và lây sang cả thị trường cổ phiếu.

Số dư TPDN vào 30/9/2022 chỉ còn ở mức hơn 1,3 triệu tỷ đồng (cuối năm 2021 là hơn 1,5 triệu tỷ đồng - chiếm 15% GDP), trong đó trừ đi số trái phiếu do ngân hàng phát hành hơn 400 nghìn tỷ thì TPDN phi ngân hàng giảm chỉ còn hơn 920 nghìn tỷ đồng.

Trái phiếu do ngân hàng phát hành, mặc dù có vấn đề SCB, nhưng về cơ bản là rủi ro rất thấp.

Còn lại với khối doanh nghiệp thì trong số 920 nghìn tỷ, dư nợ trái phiếu bất động sản hiện có số lưu hành là 455 nghìn tỷ. Con số này là lớn nhưng cũng chỉ chiếm 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Nhìn sang Trung Quốc, dự nợ trái phiếu doanh nghiệp lên tới 8 nghìn tỷ USD, chiếm 44% GDP và họ vẫn xử lý được sau thời gian bất ổn hai năm qua.

Nhưng một số doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính là có và có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu cho trái chủ.

Cũng như tín dụng ngân hàng, việc sẽ có một số doanh nghiệp chậm trả lãi và/hoặc gốc trái phiếu là điều khó tránh khỏi. Điều này một phần do chất lượng tín dụng của các tổ chức phát hành trong mấy năm qua là các doanh nghiệp chưa niêm yết, công ty "một dự án", có đòn bảy tài chính cao, hồ sơ tín dụng chưa mạnh và trước những khó khăn gần đây về kiểm soát tăng trưởng tín dụng, mặt bằng lãi suất tăng cao, và một số khó khăn mang tính đặc thù của ngành như thủ tục cấp phép các dự án bất động sản gần như đóng băng. Hoặc có thể chẳng may đã trót đầu tư vào các doanh nghiệp có sai phạm và bị cơ quan quản lý xử lý như một số trường hợp vừa qua.

Nếu xảy ra vỡ nợ trái phiếu thì nhà đầu tư đang sở hữu trái phiếu nên làm gì?

Điều đầu tiên có lẽ là cần xem lại hợp đồng mua trái phiếu xem có điều khoản xem có được phép bán lại hay không cho tổ chức phát hành hoặc cho đơn vị trung gian phân phối là công ty chứng khoán.

Tuy nhiên, việc muốn tất toán hoặc đáo hạn sớm có thể không khả thi tùy theo tình hình tài chính và khả năng của từng doanh nghiệp.

Công ty chứng khoán không phải lúc nào cũng muốn và có thể giúp khách hàng mua lại bởi nguồn lực vốn của họ có hạn trong khi hầu hết điều khoản hiện nay là họ không có trách nhiệm mua lại. Họ chỉ có thể mua lại khi họ có khách hàng khác sẵn sàng tiếp quản hoặc mua lại trái phiếu đó.

Hơn nữa, vốn điều lệ công ty chứng khoán có thể lớn, hàng chục nghìn tỷ nhưng thanh khoản hay nói cách khác là số dư tiền mặt không phải lúc nào cũng có thể đủ để mua lại của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh thắt chặt tín dụng và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán hiện nay.

Do đó, phương thức này có thể không khả thi kể cả nhà đầu tư muốn lấy lại không phải toàn bộ gốc và lãi trái phiếu, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Thực tế, cắt lỗ trái phiếu là một điều khó khăn hơn cổ phiếu bởi chúng ta chưa có thị trường giao dịch thứ cấp tập trung.

Tài sản đảm bảo cũng là một "cứu cánh" nhưng thực tế khi đã xảy ra tình huống vỡ nợ thì nó không còn nhiều giá trị, đặc biệt với nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức phi ngân hàng.

Có cách nào khác hay hơn? 

Cách thị trường Trung Quốc đã áp dụng khá nhiều đó là “hàng đổi hàng” hay nói cách khác là trái chủ yêu cầu hoặc doanh nghiệp thực hiện thanh toán trái phiếu bằng sản phẩm hoặc dịch vụ của họ. Cách này trên thị trường Việt Nam đã có một số doanh nghiệp bất động sản thực hiện cho trái chủ của họ (xin phép không nêu tên doanh nghiệp). Thay vì mua lại trái phiếu, doanh nghiệp thu xếp chuyển đổi trái phiếu sang sản phẩm bất động sản, bao gồm căn hộ, đất phân lô…

Chỉ có điều, giá trị lô đất hoặc thường cao hơn số dư đầu tư trái phiếu nên nhà đầu tư có thể tìm một nhóm trái chủ để gom lại và có thể chuyển đổi sang việc cùng chung sở hữu lô đất đó.

Ngoài ra, yếu tố pháp lý dự án hoặc bất động sản đó có thể là một yếu tố rủi ro mới mà nhà đầu tư nên đánh giá kỹ tình trạng pháp lý để có thể có một sự chuyển đổi an toàn thay vì chuyển sang một tài sản khác rủi ro hơn.

Thị trường TPDN hiện nay cần có được sự chia sẻ và thấu hiểu của trái chủ/nhà đầu tư và cũng là trách nhiệm khi đi đầu tư vào một tài sản có rủi ro cao; sự chủ động của doanh nghiệp là tổ chức phát hành trong việc thực hiện nghĩa vụ nợ và minh bạch thông tin; sự chủ động tham gia của các định chế tài chính trung gian, và một sự can thiệp “vừa đủ” với các biện pháp cụ thể và rõ ràng hơn.

Nếu hai cách trên cũng không khả thi thì có cách nào khác? 

Đó là là phương án thu xếp giãn nợ. Phương án này hiện rất phổ biến ở thị trường trái phiếu Trung Quốc. Thay vì ép các doanh nghiệp hoặc công ty chứng khoán mua lại, các nhà đầu tư trái phiếu yêu cầu các đại diện chủ nợ hoặc đơn vị phân phối đàm phán với doanh nghiệp và thực hiện dãn kỳ hạn trả nợ, kết hợp với việc thanh toán một phần hoặc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu đó.

Làm như thế sẽ giúp giải quyết được khó khăn cho chính doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư không phải cắt lỗ và có cơ hội thu hồi khoản đầu tư đó trong tương lai. Dĩ nhiên, tùy theo mức độ rủi ro và triển vọng của dự án mà nhà đầu tư có thể đàm phán giữ nguyên lãi suất hoặc tăng lãi suất trái phiếu.

Điều này cũng tương tự như việc tái cơ cấu nợ được thực hiện bởi các ngân hàng thương mại Việt Nam trong nhiều năm qua cho các khách hàng của họ. Phương án này đòi hỏi các định chế tài chính liên quan bao gồm đơn vị tư vấn, phân phối và đặc biệt là đơn vị đại diện sở hữu trái phiếu hoặc quản lý tài sản thế chấp cần phải có trách nhiệm và chủ động vào cuộc.

Hiện Nghị định 65 mới đi vào hiệu lực cũng quy định rõ ràng là cho phép hoạt động huy động trái phiếu nhằm tái cấp vốn và chỉ có điều thông tin và phương án mục đích sử dụng vốn cần minh bạch và rõ ràng.

Quay lại ở Trung Quốc, tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu là 1,35% (tín theo giá trị trong tổng số 8 nghìn tỷ USD – chiếm tới 44% GDP của nước này, trong khi đó ở Việt Nam chỉ ở mức 14% GDP) vào cuối năm 2021. Kể từ năm 2018 đến giữa năm 2022, trên thị trường trái phiếu quốc tế (sở hữu bởi nhà đầu tư nước ngoài) ghi nhận hơn 142 lô trái phiếu doanh nghiệp được phát hành bởi khoảng 36 nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc đã bị vỡ nợ.

Với phương thức chuyển đổi và đàm phán giãn nợ như trên, 46 trái phiếu trong tổng số 142 lô trái phiếu chậm trả lãi và gốc đã được giải quyết. Con số này trên thị trường trái phiếu được sở hữu bởi các nhà đầu tư nội địa Trung Quốc là 45 trên 97 trái phiếu của các nhà phát triển bất động sản bị vỡ nợ.

Với sự can thiệp của cơ quan quản lý, sự chung tay của trái chủ/nhà đầu tư (sau một thời gian kêu la, biểu tình và gào thét...), phần lớn các vụ vỡ nợ trái phiếu tại Trung Quốc được tự giải giải quyết bởi các thành viên thị trường mà không qua thủ tục tòa án hoặc sự can thiệp của cơ quan quản lý hay còn gọi là out-of-court restructuring. Tỷ lệ này chiếm tới 76% số trái phiếu vỡ nợ và điểm tích cực mà các nhà đầu tư Việt Nam có thể tham khảo là trong đó có tới 56% số trái phiếu có vấn đề này được gia hạn tiếp mà tổ chức phát hành không phải thanh toán.

Việc gia hạn trái phiếu với một tỷ lệ thanh toán gốc nhất định chỉ chiếm 16%. Việc gia hạn này thực tế cũng là hoạt động tái cấp vốn hoặc tái cấu trúc nợ mà hiện các ngân hàng Việt Nam đã và đang thực hiện, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.

Thị trường TPDN hiện nay cần có được sự chia sẻ và thấu hiểu của trái chủ/nhà đầu tư và cũng là trách nhiệm khi đi đầu tư vào một tài sản có rủi ro cao; sự chủ động của doanh nghiệp là tổ chức phát hành trong việc thực hiện nghĩa vụ nợ và minh bạch thông tin; sự chủ động tham gia của các định chế tài chính trung gian, và một sự can thiệp “vừa đủ” với các biện pháp cụ thể và rõ ràng hơn. Làm được như vậy, vấn đề lùm xùm của TPDN hiện nay sẽ được giải quyết hoặc ít nhất là giảm những tác động dây chuyền và làm cho tất cả các bên đều mất mát thay vì “win-win” cho tất cả các bên.

Thực tế trên thị trường cũng có nhiều trái phiếu có chất lượng tốt và rủi ro thấp nên vì lý do "trào lưu" mà nhà đầu tư xếp hàng thực hiện "bond-run" thì dù có doanh nghiệp tốt và trái phiếu tốt thì tự dưng cũng thành "xấu", hoặc vỡ nợ vì bị rút trước hạn chứ không phải vì kinh doanh của họ kém hoặc dòng tiền yếu.

Và khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng vỡ nợ toàn bộ hoặc phá sản thì nhà đầu tư trái phiếu sẽ không có thứ tự ưu tiên thanh toán cao. Sau khi trả thuế, trả nợ lương, trả nợ ngân hàng, trả nợ ưu tiên khác... thì đến lượt trái chủ có lẽ cũng chỉ còn cái "cọng rơm".

Nói tóm lại, TPDN là một vấn đề nhưng rủi ro đối với hệ thống tài chính tín dụng của Việt Nam chưa ở mức quá cao. Không may nhà đầu tư đang sở hữu các trái phiếu mà doanh nghiệp không thể trả lãi và/hoặc gốc thì việc chấp nhận "ngồi lại" đàm phán và dàn xếp với doanh nghiệp và các tổ chức trung gian sẽ là giải pháp tốt cho các bên.