Sống qua những ngày đại dịch

Nguyễn Thị Hậu - 08:54, 31/01/2022

TheLEADERNhớ lại, để biết rằng ta đã vượt qua một khoảng thời gian kinh hoàng và hy vọng sẽ không có lần hai! Sau giây phút tưởng niệm đồng bào tử vong vì dịch bệnh, mỗi người đều thấy mình may mắn biết bao khi còn có mặt trên cuộc đời này, có thể gặp mặt người thân bạn bè, và nếu lúc nào đó ra đi thì vẫn có gia đình bên cạnh.

Sống qua những ngày đại dịch
Các nhóm thiện nguyện ở TP.HCM đã tăng cường đến mức tối đa từ tháng 8/2021.

Nhớ lại...

Đầu tháng 7/2021, TP.HCM bước vào những ngày căng thẳng khi chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm bị đình trệ và có nguy cơ đứt gãy. Tình trạng khan hiếm hàng hóa và giá cả leo thang xuất hiện. Ngay lập tức trên mạng xã hội đã có những lời nhắn nhủ: “Bạn bè ơi đừng tích trữ nhiều đồ ăn nhé! Vì một người mua thức ăn 3,4 ngày thì sẽ có người thiếu hụt 1,2 ngày! Năm ngoái Sài Gòn đã qua được hai tuần trong tình trạng ‘cả nước cách ly’, năm nay dẫu khó khăn nhưng chúng ta hãy bình tĩnh, nhường nhau chút xíu, rồi sẽ ổn!” Và thực tế ở các siêu thị hàng hóa tuy ít nhưng hầu như không xảy ra tình trạng tranh mua cướp bán.

Trong tình hình đó, người Sài Gòn đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều tỉnh thành. Thương quá những con cá, hũ mắm từ Quảng Bình, Quảng Trị; những cần xé rau tươi trái cây khoai củ từ miền Tây, từ Đà Lạt; những đồng tiền chắt chiu từ Hải Phòng và nhiều tỉnh còn nghèo khác... Tất cả dù ít dù nhiều đến với Sài Gòn không chỉ là món quà vật chất mà còn là sự động viên tinh thần rất lớn trong những ngày khó khăn. Bởi vì Sài Gòn là nơi hàng triệu người đến đây kiếm sống, đóng góp nguồn sống cho gia đình ở quê hương cũng là góp phần vào sự phát triển của nhiều tỉnh thành.

Qua tháng 8/2021, hoạt động từ thiện của nhiều doanh nghiệp, các nhóm thiện nguyện ở thành phố đã tăng cường đến mức tối đa. Dù phải hạn chế đi lại, có lúc gần như trong tình trạng “thiết quân luật” nhưng mỗi ngày vẫn có hàng chục ngàn phần cơm cho người thiếu đói, những xuất ăn đủ dinh dưỡng thậm chí nóng sốt đến với những người đang ở tuyến đầu chống dịch. Hàng trăm ngàn phần gạo mì nhu yếu phẩm đến với những gia đình thất nghiệp, những xóm trọ của người nhập cư mất việc làm. Hàng trăm triệu đồng mua trang thiết bị chống dịch hỗ trợ các bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh viện... được vận chuyển kịp thời đến tận nơi cần thiết. Trên đường phố Sài Gòn, trước nhiều quán hàng phải chăng dây giãn cách với người mua là tấm bảng ghi dòng chữ “Tăng giá là tội ác”. Nhiều người vừa bán vừa cho rau xanh các loại như một cách giúp nhau mùa dịch. Người Sài Gòn không tính toán thiệt hơn, đã chia sẻ cho nhau ngay cả khi chính mình cũng gặp vô vàn khó khăn. Trong gian nan tình nghĩa đồng bào ngày càng đầy hơn.

Hai tháng, rồi ba tháng cách ly toàn thành phố... Đường phố đã vắng càng thêm vắng, những đoạn dây “cảnh báo”, hàng rào ở các ngõ hẻm, khu dân cư nhiều hơn. Số ca nhiễm bệnh, số người thiệt mạng tăng nhanh. Sài Gòn hoang vu như một thành phố “ngủ mê” vì bị mụ phù thủy Covid-19 hóa phép. Phần lớn dân chúng ở nhà, nghiêm túc chấp hành “5K” và những chỉ thị khác của chính quyền, dù có bức xúc việc này việc khác nhưng mọi người đều hiểu rằng, chỉ có thể vượt qua đại dịch khi tất cả đồng lòng, tự bảo vệ mình cũng là góp phần bảo vệ cộng đồng.

Đây là thời gian hầu hết chợ búa ngừng hoạt động, một số ít siêu thị được hoạt động tăng hết công suất nhưng không thể cung cấp cho người dân hàng hóa theo nhu cầu tối thiểu hàng ngày. Ngay cả vào thời điểm này các nhóm thiện nguyện vẫn hết sức giúp đỡ những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, cố gắng không để một ai bị đứt bữa. Các bác sĩ và đội ngũ cán bộ y tế tiếp tục căng mình chữa bệnh, chăm sóc, xét nghiệm, tiêm chủng... cho người dân, trong khi bản thân họ không được nghỉ ngơi hồi phục sức lực, để có thể tiếp tục cuộc chiến ác liệt này.

Sống qua những ngày đại dịch
Những suất cơm từ thiện dành cho người khó khăn trong những ngày giãn cách xã hội

Không thể “lủi” hơn được nữa, chính quyền thành phố đã khẩn trương, quyết liệt và có những thay đổi giải pháp phù hợp hơn trong chỉ đạo điều hành chống dịch. Những đồng tiền hỗ trợ tuy ít ỏi cũng đã đến tay người cần nhất, gạo và nhu yếu phẩm được đưa về từng gia đình thiếu đói... Chính quyền hiểu rằng, dân yên thì thành phố mới ổn! Nhưng hơn cả là trách nhiệm đối với những con người đã thầm lặng đóng góp cho sự phát triển của thành phố.

Và suy nghĩ

Nhớ lại, để biết rằng ta đã vượt qua một khoảng thời gian kinh hoàng và hy vọng sẽ không có lần hai! Sau giây phút tưởng niệm đồng bào tử vong vì dịch bệnh, mỗi người đều thấy mình may mắn biết bao khi còn có mặt trên cuộc đời này, có thể gặp mặt người thân bạn bè, và nếu lúc nào đó ra đi thì vẫn có gia đình bên cạnh.

Nhớ lại, vì nhận ra sau biến cố đại dịch Covid -19, cuộc sống của thế giới và mỗi người không còn như trước nữa! Đời sống vật chất vẫn cần nhà ở cơm ăn áo mặc, ta vẫn phải kiếm sống và sống đầy đủ hơn. Đời sống tinh thần là những mối quan hệ gia đình và xã hội, ta luôn mong muốn có được những tình cảm tốt đẹp, lâu bền. Nhưng “bình thường mới” sau đại dịch là một trạng thái thật khó cân bằng, khi mọi thứ vật chất tinh thần đều trở nên mong manh dễ dàng biến mất như giọt sương dưới ánh nắng, nhưng cuộc sống luôn cần sự bình thản của sa mạc ngàn năm phơi mình dưới thiêu đốt mặt trời.

Sống qua những ngày đại dịch 1
Chính quyền hiểu rằng, dân yên thì thành phố mới ổn!

Nhớ lại, để hiểu rằng cuộc sống bình thường thật đáng quý biết bao! Đại dịch và những gì xảy ra giúp ta thấm thía hơn giá trị của “tài sản” tinh thần. Những ngày cách ly xã hội, sống bên gia đình người thân ta được tiếp thêm năng lượng yêu thương. Khi tiếp nhận quà hỗ trợ hay tham gia giúp đỡ đồng bào với tinh thần “thương người như thể thương thân”, ta được vun đắp thêm lòng nhân nghĩa. Chứng kiến sự tàn khốc của dịch bệnh, những mất mát đau thương quanh mình, ta càng thấu hiểu hơn sự thua thiệt bần cùng của những người yếu thế...

Nhớ lại để nhận ra rằng, sự quan tâm đến những số phận khốn khổ trong xã hội không bao giờ là thừa, lòng trắc ẩn với những người kém may mắn hơn mình không bao giờ là đủ! Nhưng không chỉ chọn thái độ “đứng về phe nước mắt” mà cần hơn là những hành xử tích cực, sao cho không ai còn phải rơi nước mắt vì phải chịu bất công và rơi vào tình trạng “bước đường cùng”, như quá nhiều số phận trong những ngày đại dịch vừa qua.

Tất cả, vượt trên sự tàn khốc của đại dịch là những tấm lòng và hành xử đầy nhân ái. Và từ đống tro tàn đại dịch, lòng nhân ái sẽ tiếp tục nảy mầm xanh vươn lên tươi tốt, bởi nó được vun trồng từ biết bao trái tim nhân hậu.