Thấu hiểu người lao động từng thế hệ

Đặng Hoa - 15:00, 28/05/2021

TheLEADERNgười lao động ở những thế hệ, độ tuổi khác nhau sẽ có tính cách, sở thích và nhu cầu khác nhau mà những người làm chủ và lãnh đạo doanh nghiệp cần thấu hiểu.

Nhớ lại ngày đầu bước chân vào thị trường lao động những năm đầu 1990, bà Thái Vân Linh, CEO TVL Group, Cố vấn cấp cao Openspace Ventures (thường được biết đến dưới cái tên shark Linh) kể lại, bà là nhân viên thứ 17 trong công ty. 

Mọi người ngồi làm việc trong một căn phòng khá thiếu thốn, thậm chí, bàn làm việc lúc đó chỉ là một cánh cửa bắc ngang qua hai chiếc tủ. 

Cũng vì vậy mà bà Linh và nhiều người cùng thế hệ đã khá quen với việc phải ngồi làm việc trong một không gian không mấy thoải mái.

Hiểu người lao động từng thế hệ
Bà Thái Vân Linh (shark Linh), CEO TVL Group, Cố vấn cấp cao Openspace Ventures.

Trong khi đó, là một người thuộc thế hệ Y (những người sinh năm 1981 - 1995), anh Đặng Trần Tùng, nhà sáng lập The IELTS Workshop lại rất coi trọng không gian làm việc vì với anh, không gian vật lý có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của não bộ.

Văn phòng anh Tùng ngồi làm việc phải thông thoáng, gọn gàng và đặc biệt là phải có ánh sáng tự nhiên. 

Điều này cũng tương tự với sở thích về không gian làm việc của sinh viên RMIT Hà Ngọc Minh, một người có ảnh hưởng thuộc thế hệ Z (gen Z - những người sinh năm 1995 - 2012) dưới cái tên Moe Đi Đâu.

Vì sở thích, nhu cầu của mỗi thế hệ và độ tuổi thường khác nhau nên anh Tùng cũng phải lắng nghe nhân viên thường xuyên để điều chỉnh và tạo ra không gian làm việc có thể kích thích sự sáng tạo, nâng cao hiệu suất.

Nhu cầu về không gian làm việc chỉ là một trong những điểm khác biệt giữa các thế hệ người lao động.

Là người làm công tác giảng dạy, người sử dụng lao động và kèm cặp, cố vấn cho nhiều thế hệ khác nhau, ông Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Elite PR School nhận thấy, sự khác biệt lớn nhất giữa các thế hệ là tính kiên nhẫn. Càng về sau, độ kiên nhẫn càng giảm xuống.

Nếu gặp khó khăn, thế hệ X sẽ “đi xuyên qua” khó khăn, nhiều người “hy sinh” nhưng cũng có nhiều người dành được “quả ngọt”. 

Với những người sinh năm 1990 trở về sau, các giải pháp thường đa dạng hơn. Nhiều người lựa chọn đi đường vòng hoặc nhảy qua khó khăn thay vì đối mặt trực tiếp.

Tuy nhiên bà Linh nhìn nhận, người trẻ ở thế hệ nào cũng đều bị đánh giá là thiếu kiên nhẫn. Bà cho rằng, người trẻ cần vượt qua thử thách này và nỗ lực học hỏi.

Ở một góc nhìn khác, ông Thành chỉ ra, thế hệ X thường ngại đưa ra ý kiến trong khi người trẻ ngày càng mạnh dạn, sẵn sàng nói ra mong muốn của họ và kỳ vọng về một môi trường công bằng, rõ ràng hơn. Thế hệ mới muốn cái tôi phải được lên tiếng và tôn trọng. Gen Z rất chịu khó đặt câu hỏi, nếu không đồng tình sẽ lên tiếng và mong muốn được trả lời.

Ông Thành cho rằng cả lãnh đạo và nhân viên phải có sự lắng nghe lẫn nhau. Cấp trên cần tạo điều kiện cho người trẻ phát triển, phải chú trọng yếu tố con người để phát triển thế hệ kế cận. Thậm chí, nhiều khi phải lùi về một bước, kiên nhẫn trao cho người trẻ cơ hội được trưởng thành.

Hiểu người lao động từng thế hệ 1
Hà Ngọc Minh (Moe Đi Đâu), sinh viên RMIT, là người có lượng theo dõi cao trên TikTok

Đó cũng là lý do mà những người thuộc gen Z năng động và nhiều năng lượng như Hà Ngọc Minh định nghĩa một môi trường làm việc lý tưởng là một môi trường lành mạnh, nơi ý kiến được tôn trọng.

Minh ưu tiên trao đổi ý kiến trực tiếp với sếp. Cô thường viết ra các ý cần nói ra giấy để đảm bảo ý kiến không bị bỏ sót. Đây cũng là sự chỉn chu mà những người làm lãnh đạo như bà Linh mong muốn nhìn thấy ở người trẻ.

“Em nghĩ các bạn gen Z cần phát huy sự can đảm đã có sẵn. Gen Z có cá tính mạnh, hãy cố gắng nêu câu hỏi khi có thể và hỏi những câu hỏi thông minh”, Ngọc Minh nói trong sự kiện "GenZ - Đầu tư mạo hiểm hay sinh lời cho doanh nghiệp?" do ACCA, PwC Việt Nam và ManpowerGroup đồng tổ chức.

Một môi trường làm việc lý tưởng đối với Minh còn là nơi luôn thúc đẩy việc học hỏi. Ngoài kiến thức chuyên môn, Ngọc Minh và nhiều người trẻ khát khao được học thêm kỹ năng, kiến thức liên quan đến những lĩnh vực khác để có thể phát triển bản thân.

Là người thuộc thế hệ Z, Ngọc Minh cho biết, động lực lớn nhất đối với cô đến từ những người xung quanh, trước hết là gia đình, kế đến là sếp và đồng nghiệp bởi theo cô, “sếp như thế nào nhân viên sẽ như vậy”.

“Khi thấy những người xung quanh liên tục học hỏi, em biết rằng trong 10 năm nữa mình vẫn muốn học. Mình có tuổi trẻ, có năng lượng để học tại sao không cố gắng”, Minh chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp, anh Tùng vào làm cho Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Quản lý trực tiếp của anh thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ để cho những người phụ trách các chuyên môn khác nhau chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Cũng nhờ vậy mà anh Tùng học được rất nhiều.

Hiểu người lao động từng thế hệ 2
Anh Đặng Trần Tùng, nhà sáng lập The IELTS Workshop

Tuy nhiên, khi đã trải qua giai đoạn học hỏi ban đầu, ưu tiên của anh Tùng giờ đây lại là nguồn thu nhập để có thể hỗ trợ cho không chỉ cuộc sống của riêng anh mà của cả gia đình. 

Nói vậy không có nghĩa là những người ở độ tuổi như anh đã ngừng học hỏi. Bên cạnh làm giàu thêm kiến thức chuyên môn, anh Tùng còn tìm kiếm cơ hội để có được những kỹ năng mới từ nhân viên là những người trẻ.

Anh Tùng cho rằng, một trong những kỹ năng rất quan trọng hiện nay có thể phục vụ đắc lực cho quá trình học hỏi là kỹ năng nghiên cứu. Nghiên cứu không phải để biết tất cả mà để biết cần hỏi những câu như thế nào. Bước vào một môi trường làm việc mới phải học hỏi từ đầu từ đồng nghiệp và cấp trên. Nếu biết cách đặt câu hỏi, đối phương sẽ phản hồi với những câu trả lời chất lượng.

Còn với những người thuộc thế hệ X (những người sinh năm 1965 - 1980) như ông Thành hay bà Linh, thu nhập giờ đây đã không còn là yếu tố quan trọng nhất khi đi làm. Một công việc lý tưởng nhất với họ là công việc mang lại khả năng đóng góp cho xã hội, chia sẻ cho cộng đồng những giá trị đã tích luỹ suốt mấy chục năm làm nghề.

Có chung suy nghĩ, bà Linh cho biết nỗi sợ lớn nhất của bà là đặt mục tiêu quá thấp và đạt được những điều mình muốn. Bà nhấn mạnh, 40 tuổi đã đã được hết mục tiêu thì chứng tỏ kỳ vọng quá thấp, cần suy nghĩ về mong muốn của bản thân trong cuộc sống.

Ông Thành cũng nhấn mạnh, việc học đối với ông là việc diễn ra hàng ngày. “Có một câu châm ngôn đại ý rằng nếu một ngày không học được điều gì mới thì đó là ngày vứt đi”, ông Thành nói.

Để những người ở thế hệ X như ông đi làm quanh năm mà vẫn có động lực để học, động lực sâu xa từ bên trong là muốn ghi được tên mình, ít nhất, trong bản đồ phân công lao động của khu vực và sánh vai với các nước khác. 

Hiểu người lao động từng thế hệ 3
Ông Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Elite PR School

Từ độ tuổi rất sớm, ông Thành đã có ý nghĩ làm thế nào để ngang với người lao động ở các nước phát triển. Ông cho rằng người giỏi không nên chỉ nhìn hẹp trong phạm vi Việt Nam mà phải so sánh với người giỏi ở Hàn, Nhật, Mỹ để không ngừng cố gắng phát triển bản thân.

“Luôn coi mình là một cái giẻ khô, học từ người sếp, người thầy và những người xung quanh. Nếu sau 2 - 3 năm thấy đã học đủ thì nâng lên tầm mới và gặp người mới. Đọc sách nhiều hơn, biết nhiều hơn để thấy xã hội còn có nhiều người giỏi mà ta có thể học được rất nhiều từ họ, phải luôn hướng về phía trước”, ông Thành dành lời khuyên cho các bạn trẻ.

Nói về những kỹ năng cần học tập và trau dồi, bà Linh cho rằng mỗi độ tuổi sẽ cần một bộ kỹ năng khác nhau. Những người ở độ tuổi 20 sẽ cần học các kỹ năng cứng và một số kỹ năng mềm cơ bản; lên tuổi 30 bắt đầu cần kỹ năng quản lý, thuyết trình, kết nối; qua tuổi 40 sẽ là kỹ năng lãnh đạo cấp cao, quản lý toàn bộ công ty, tổ chức lớn.

Ông Thành cũng đồng tình cho rằng phải bắt đầu từ các kỹ năng cứng để làm nền tảng cho những kỹ năng mới. Trong thế giới VUCA, mọi thứ đều trở nên không chắc chắn, những gì vừa mới học được cũng có thể trở nên cũ kỹ. Do đó, nếu bám sát vào một nhóm kỹ năng cụ thể thì sẽ dễ bị thị trường đào thải. Mấu chốt là không ngừng học hỏi với hai kỹ năng quan trọng nhất: kỹ năng tự học và kỹ năng thích nghi.