Thỏa thuận Paris có nguy cơ thất bại về mục tiêu

Hoài An - 16:24, 27/11/2019

TheLEADERĐể đạt được mục tiêu về chống biến đổi khí hậu của thỏa thuận Paris, đóng góp quốc gia tự quyết định cần phải tăng 3 - 5 lần so với hiện tại.

Thỏa thuận Paris có nguy cơ thất bại về mục tiêu
Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.

Một năm trước khi các quốc gia sẽ tăng cường cam kết về khí hậu theo Thỏa thuận Paris, báo cáo mới của Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cảnh báo nếu phát thải khí nhà kính toàn cầu không giảm 7,6% mỗi năm giai đoạn 2020 – 2030 thì thế giới sẽ bỏ lỡ cơ hội để đạt được mục tiêu 1,5 độ C.

Báo cáo Khoảng cách phát thải thường niên của UNEP cho biết kể cả khi tất cả các cam kết không điều kiện hiện tại theo Thỏa thuận Paris được thực hiện, nhiệt độ được dự kiến vẫn sẽ tăng thêm 3,2 độ C, gây ra những tác động khí hậu trên phạm vi rộng hơn và có sức tàn phá khủng khiếp hơn.

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) mới đây đã cảnh báo rằng việc vượt quá ngưỡng 1,5 độ C sẽ làm tăng tần suất và cường độ của những tác động do biến đổi khí hậu gây ra, ví dụ như sóng nhiệt và bão đã diễn ra trên toàn cầu trong vài năm qua.

Các quốc gia G20 chiếm khoảng 78% tổng lượng phát thải, nhưng chỉ 5 nước thành viên cam kết đưa phát thải về mức bằng 0 trong dài hạn.

Trong ngắn hạn, các nước phát triển sẽ phải giảm phát thải nhanh hơn các nước đang phát triển và tất cả các nước sẽ cần đóng góp nhiều hơn để đạt được những hiệu quả chung.

Các nước đang phát triển có thể học hỏi từ những nỗ lực thành công ở các nước phát triển và thậm chí có thể vượt lên trên các nước phát triển và áp dụng các công nghệ sạch với tốc độ nhanh hơn.

Điều quan trọng, báo cáo cho biết tất cả các quốc gia phải tăng mục tiêu vào năm 2020 và đưa ra những chính sách và chiến lược để thực hiện. Các giải pháp có sẵn có thể giúp cho việc thực hiện các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris là khả thi nhưng hiện được triển khai chưa đủ nhanh hoặc ở một quy mô chưa đủ lớn.

Mỗi năm, báo cáo của UNEP đánh giá khoảng cách giữa lượng phát thải dự kiến vào năm 2030 và các mức độ phù hợp với mục tiêu 1,5 độ C và 2,0 độ C của Thỏa thuận Paris.

Khí nhà kính đã tăng 1,5% mỗi năm trong thập kỷ trước và lượng phát thải năm 2018, bao gồm những thay đổi trong sử dụng đất như phá rừng, đã đạt ngưỡng mới tương đương 55,3 gigaton CO2.

Để hạn chế tăng nhiệt độ, lượng phát thải hàng năm vào năm 2030 phải thấp hơn mức 15 gigaton CO2 so với những cam kết không điều kiện hiện tại nhằm thực hiện mục tiêu 2,0 độ C và cần thấp hơn 32 gigaton cho mục tiêu 1,5 độ C.

Theo đó, cần cắt giảm phát thải 7,6% mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2030 để đáp ứng mục tiêu 1,5 độ C và 2,7% mỗi năm cho mục tiêu 2,0 độ C.

Để đạt được những cắt giảm trên, đóng góp quốc gia tự quyết định (NDCs) cần phải tăng 5 lần cho mục tiêu 1,5 độ C và 3 lần cho mục tiêu 2,0 độ C.

Hiện Mỹ là nền kinh tế duy nhất đứng ngoài thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu sau khi thông báo tới Liên Hợp Quốc việc rút khỏi Thỏa thuận Paris hồi đầu tháng này.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: “Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris vì gánh nặng kinh tế không công bằng đối với người lao động, doanh nghiệp và người nộp thuế ở Mỹ do các cam kết mà Mỹ đưa ra”.

Trước đó, ngày 23/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tái khẳng định kế hoạch rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris khi cho rằng hiệp định này sẽ khiến các nhà sản xuất Mỹ phải đóng cửa do những quy định hạn chế quá mức, trong khi lại cho phép các nhà sản xuất nước ngoài gây ô nhiễm khi phát biểu tại một hội nghị năng lượng tại Pittsburgh.

Ông cũng nhấn mạnh rằng thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên” chính là không gây tổn hại cho người dân Mỹ và không giúp những quốc gia gây ô nhiễm làm giàu.

Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại hội nghị lần thứ 21 của Liên Hợp Quốc về chủ đề này tại Paris (Pháp) hồi năm 2015. Thỏa thuận đặt mục tiêu giảm lượng khí thải nhà kính toàn cầu xuống mức 0 vào năm 2050 hoặc muộn hơn. Tổng cộng, có 187 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký vào thỏa thuận này.