TP. HCM bàn việc giải cứu doanh nghiệp bất động sản

Hứa Phương - 16:16, 24/02/2020

TheLEADERDo ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hạn chế những cuộc gặp đông người, nhưng theo Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong, riêng cuộc gặp với các doanh nghiệp bất động sản không thể trì hoãn.

Cuối tuần qua, đích thân ông Phong cùng cấp phó là ông Võ Văn Hoan đã trực tiếp gặp và lắng nghe đại diện các doanh nghiệp bất động sản của thành phố “kể khổ” về những vướng mắc khiến hàng loạt dự án lâm vào tình trạng bế tắc suốt thời gian dài.

Thực ra, những vấn đề doanh nghiệp nêu ra không phải là mới, mà đã được tổ chức đại diện là Hiệp hội Bất động sản TP. HCM nhiều lần đề cập trong các văn bản gửi chính quyền địa phương lẫn trung ương. Mặc dù có những vướng mắc đã được giải quyết, nhưng nhiều dự án vẫn chưa tìm được lối ra.

Như trường hợp công ty Lê Thành đang bị tắc cùng lúc ở hai dự án. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc công ty cho biết riêng khâu xin chấp thuận đầu tư cho dự án nhà ở xã hội Tân Kiên với 2.600 căn đã trải qua 11 tháng vẫn chưa xong.

Nguyên nhân được ông Thành đưa ra là vì khu đất làm dự án có quy hoạch chung là xây dựng nhà cao tầng với chiều cao tối đa 15 tầng, nhưng theo quy định về nhà ở xã hội thì có thể tăng thêm hệ số sử dụng 50%. Tính toán ra thì tối thiểu hệ số sử dụng đất của khu đất làm dự án phải là 4.5 nhưng theo quy hoạch thì hệ số sử dụng đất 2.0. Cả Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Sở Kế hoạch và đầu tư chưa thống nhất được hệ số này nên gần một năm trôi qua, dự án vẫn giậm chân tại chỗ.

Một dự án khác của Lê Thành, mặc dù đã thoả thuận bồi thường xong, nhưng giữa miếng đất có một kênh nước có diện tích khoảng 1.000m2 và khi đi làm thủ tục đầu tư, cơ quan chức năng yêu cầu phải đấu giá phần đất này theo quy định trong khi dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất.

Tình trạng các dự án có đất do Nhà nước quản lý như kênh rạch có hình dạng bất định nằm xen giữa các dự án bất động sản cũng khiến rất nhiều dự án bất động sản tại TP. HCM không thể triển khai được. Theo quy định pháp luật hiện hành, cơ quan chức năng yêu cầu phải đưa ra đấu giá, nhưng Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM Lê Hoàng Châu cho rằng, do đất xen kẹt và có hình dáng bất định nên không thể lập thành dự án để đem ra đấu giá.

Trước tình trạng đó, Hiệp hội đã kiến nghị một số hướng giải quyết. Phương án thứ nhất là giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án mà không phải thực hiện đấu giá, và khi tính tiền sử dụng đất để nộp ngân sách Nhà nước thì xác định cụ thể phù hợp với giá thị trường.

Một giải pháp khác là chuyển đổi quyền sử dụng đất và dồn điền đổi thửa. Theo đó, các thửa đất có hình dạng bất định được dồn lại thành một thửa đất mới trong dự án để Nhà nước sử dụng hoặc đầu giá. Sau đó, doanh nghiệp sẽ được sử dụng phần đất còn lại để lập dự án. Hiệp hội đề xuất, nếu diện tích cộng gộp dưới 1.000m2 thì giao cho chủ đầu tư, còn lớn hơn thì đấu giá.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc xử lý đất do Nhà nước quản lý xen cài trong các dự án bất động sản nên nhiều dự án vẫn bế tắc.

TP. HCM bàn việc giải cứu doanh nghiệp bất động sản
Lãnh đạo TP. HCM trực tiếp nghe vướng mắc của các doanh nghiệp bất động sản

Một gương mặt quen thuộc là nữ doanh nhân Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch công ty Quốc Cường Gia Lai cũng tiếp tục kể khổ. Năm trước, bà Loan đã làm “dậy sóng” một cuộc đối thoại với lãnh đạo thành phố với câu nói “Nếu không vì cuộc sống của vài nghìn công nhân thì tôi đã tự tử”. Tại cuộc gặp năm nay, bà Loan đã nhỏ nhẹ hơn, bởi bà cho biết, sau cuộc gặp năm ngoái, công ty đã gỡ khó được 6/12 dự án. Nhưng hiện tại vẫn còn hai dự án lớn đang vướng mắc.

Theo bà Loan, dự án 91ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè đã triển khai được 12 năm, giải phóng mặt bằng 95%. Ước tính, tổng giá trị của dự án từ 50.000 - 70.000 tỷ đồng và nếu dự án này hoàn thành, riêng tiền thuế VAT, tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp mà chủ đầu tư đóng cho nhà nước lên đến khoảng 10.000 tỷ đồng.

Bà Loan cho biết, phần đất xây dựng hạ tầng đã đền bù xong 100%, chủ đầu tư xin chấp thuận giao đất làm hạ tầng trước nhưng không được chấp thuận. Trong thời gian chờ đợi thì kế hoạch sử dụng đất lại bị hết hạn và chấp thuận chủ trương đầu tư cũng sắp hết hạn. Theo hướng dẫn của các sở ngành, doanh nghiệp lại phải quay lại Sở Kế hoạch và đầu tư xin chấp thuận chủ trương và kế hoạch sử dụng đất.

Đại diện doanh nghiệp cho biết, đây là dự án sống còn của doanh nghiệp, số vốn thực hiện lớn nên Quốc Cường Gia Lai phải tìm đối tác nước ngoài để hợp tác. Đối tác có, tiền có nhưng thủ tục quay vòng lên xuống bao năm không biết khi nào xong, dự án giậm chân tại chỗ. Đối tác nước ngoài dọa rút lui và nếu họ rút, Quốc Cường Gia Lai không có tiền để trả lại, bà Loan cho biết.

“Người ta hỏi tôi vì sao đã chấp thuận chủ trương đầu tư rồi, 3 bước làm xong hết rồi, kế hoạch sử dụng đất đã có rồi, giờ kế hoạch sử dụng đất lại không được gia hạn, giờ quay lại làm từ đầu và làm 3 năm nữa mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, quay lại từ đầu thì chờ đến bao giờ?”, bà Loan nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch Công ty CP Địa ốc Xanh lại bế tắc trong việc đóng tiền sử dụng đất cho dự án khu dân cư Sài Gòn Xanh. Tại dự án này, chủ đầu tư đã đóng tiền sử dụng đất cho 2.050m2 được ông Đực ví là “lòng đỏ”, và phần còn lại trên tổng diện tích 3.700m2 được gọi là “lòng trắng” và phần lộ giới giảm là “phần vỏ”.

Do lộ giới trước đây là 40 và đã được giảm xuống 30, tức là dự án được thêm diện tích sử dụng 125m2, doanh nghiệp muốn gộp đóng tiền sử dụng đất cho cả phần “lòng trắng” và “phần vỏ” nhưng không được.

Ông Đực cho biết, từ ngày có hồ sơ thụ lý tại Chi cục thuế Quận 8 cho đến nay đã 24 tháng nhưng công ty mới chỉ được đóng phần “lòng trắng”. Để được đóng tiền sử dụng đất cho “phần vỏ”, doanh nghiệp lại phải làm lại hồ sơ để xin chấp thuận chủ trương đầu tư.

Bế tắc trong việc triển khai dự án được thể hiện rất rõ qua thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM. Cụ thể, trong năm 2019, toàn thành phố chỉ có bốn dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án so với cùng kỳ; 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án, trong đó chỉ có bảy dự án được chấp thuận đầu tư mới.

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cam kết sẽ tháo gỡ những vấn đề thuộc thẩm quyền thành phố, còn vấn đề Thanh tra Chính phủ đang làm thì phải đợi kết quả thanh tra.

Ông Phong đề nghị Phó chủ tịch Võ Văn Hoan lập tổ công tác và giải quyết những vướng mắc của 19 doanh nghiệp mà Hiệp hội Bất động sản TP. HCM đề cập để đến 30/4 phải xong, nếu trong giờ hành chính không đủ thì có thể làm thêm vào ngày thứ 7. Đồng thời, ông đề xuất làm việc với các doanh nghiệp bất động sản mỗi quý một lần.