Trái phiếu doanh nghiệp ngày càng 'ế ẩm'

Trần Anh - 11:28, 12/12/2019

TheLEADERTrong tháng 11, chỉ có 94 đợt phát hành đến từ 35 doanh nghiệp thành công, huy động được 26.716 tỷ đồng, tương đương 50% giá trị đăng ký. Trước đó, tỷ lệ phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công của tháng 10 là 52,4%, tháng 9 là 59,1%.

Báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong nước của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết trong tháng 11, đã có 184 đợt đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị hơn 53 nghìn tỉ đồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ của thị trường đang ngày càng sụt giảm khi kết quả chỉ có 94 đợt phát hành đến từ 35 doanh nghiệp thành công, huy động được 26.716 tỷ đồng, tương đương 50% giá trị đăng ký. Trước đó, tỷ lệ phát hành TPDN thành công của tháng 10 là 52,4%, tháng 9 là 59,1%.

Trong đó, trái phiếu có kỳ hạn 3 năm chiếm tỷ trọng lớn nhất, với hơn 10.408 tỷ đồng giá trị phát hành.

Ngân hàng vẫn là loại hình doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn nhất với tổng giá trị phát hành trong tháng qua đạt 14.669 tỷ đồng, chiếm 54,91%. Tiếp sau là nhóm các công ty bất động sản phát hành 5.377 tỷ đồng, chiếm 20,13%. Xếp thứ 3 là nhóm các công ty chứng khoán với 502,3 tỷ đồng, chiếm 1,88%.

BIDV dẫn đầu nhóm ngân hàng trong tháng vừa qua với hơn 5.700 tỷ đồng phát hành TPDN. Từ đầu năm đến nay, BIDV đã phát hành tổng cộng 12.817 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn từ 6 đến 10 năm và đủ tiêu chuẩn để tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng này, toàn bộ đều có lãi suất thả nổi với biên độ cộng thêm từ 1,1-1,4%/năm so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng.

Ngoài BIDV, trong tháng qua, MBB cũng phát hành thêm 80 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm để tăng vốn cấp 2; các ngân hàng còn lại gồm VPBank, VIB, LienVietPostBank, SHB, HDBank, SeAbank chỉ phát hành các kỳ hạn 2-3 năm với lãi suất cố định 6,3-7,0%/năm

Đợt phát hành trái phiếu lớn nhất trong tháng là 2.029 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Tiếp vận và Bất động sản Tân Liên Phát Tân Cảng với kỳ hạn 12 tháng và do 1 định chế tài chính mua toàn bộ.

Techcombank là tổ chức quản lý tài sản đảm bảo, tài khoản tiền trái phiếu, lãi suất các kỳ thả nổi của trái phiếu cũng được tham chiếu theo lãi suất cho vay ngắn hạn của Techcombank, tài sản đảm bảo là cổ phần của Vingroup, một đối tác lớn của Techcombank.

Các lô phát hành trái phiếu bất động sản lớn khác gồm 1.500 tỷ đồng trái phiếu 5 năm của Công ty Cổ phần Du lịch Thung lũng Nữ Hoàng; 1.135 tỷ đồng trái phiếu 18 tháng của Công ty Cổ phần Veracity, chủ đầu tư dự án Summit Building (Hà Nội); 570 tỷ đồng trái phiếu 2 năm của Vinametric - chủ khách sạn Saigon Prince Hotel; 500 tỷ trái phiếu kèm chứng quyền của Tập đoàn Hà Đô; 500 tỷ đồng trái phiếu 3 năm của Hưng Thịnh Land...

Lũy kết 11 tháng 2019, đã có 950 đợt đăng kí phát hành với giá trị 366.596 tỉ đồng; giá trị phát hành thực tế đạt 233.522 tỉ đồng, đến từ 189 doanh nghiệp và ngân hàng. Con số này đã cao hơn so với tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2018.

Không có đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế nào diễn ra trong thang 11. Dù đã có nhiều ngân hàng đánh tiếng, song từ đầu năm đén nay vẫn chỉ có mới một ngân hàng duy nhất phát hành trái phiếu ra quốc tế thành công là thương vụ 300 triệu USD của VPBank