Vắc xin cho tương lai ngành thủy sản hậu Covid-19

Sơn Phạm - 11:05, 11/05/2020

TheLEADERCông nghệ blockchain được đánh giá là cơ hội cho chuỗi cung ứng ngành thủy sản trong bối cảnh bị gián đoạn vì dịch Covid-19.

Vắc xin cho tương lai ngành thủy sản hậu Covid-19
Blockchain được đánh giá là cơ hội giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của Covid-19 lên ngành thủy hải sản toàn cầu. Ảnh: Reuters/Jennifer Lorenzini

Cuộc khủng hoảng Covid-19 thời gian qua đã đặt ra những thách thức và bất cập không hề nhỏ cho chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu. 

Sự lan rộng của dịch bệnh đẩy ngành thủy sản vào tình trạng gián đoạn chưa từng thấy khi những tàu cá không thể ra khơi, những khu chợ bị buộc phải đóng cửa và các nhà máy chế biến phải tạm ngừng hoạt động. Các hoạt động vận chuyển hay xuất khẩu hàng hóa đều bị hạn chế, gây ra áp lực rất lớn cho doanh nghiệp.

Đi sâu vào chuỗi cung ứng, các nhà máy chế biến đã tạm dừng hoặc hạn chế tối đa hoạt động sản xuất cho việc phòng, chống dịch bệnh hoặc đơn giản là vì thiếu nguyên liệu đầu vào.

Ngay cả đối với các doanh nghiệp sở hữu nguồn hàng đông lạnh sẵn có, việc tiêu thụ cũng là bài toán khó khăn do đa số dịch vụ nhà hàng, siêu thị phải đóng cửa vì lệnh giãn cách xã hội.

Áp lực đè nặng lên mỗi thành phần trong chuỗi giá trị, gây ra không ít sự việc đau lòng, như việc nhiều ngư dân Ấn Độ đã phải đổ bỏ toàn bộ tôm cá đánh bắt ra biển vì chợ không hoạt động và họ cũng chẳng có kho để dự trữ hàng. Giá thủy hải sản tụt dốc không phanh tại một số thị trường do dư thừa nguồn cung như sò điệp khu vực Đông Bắc Mỹ hay tôm sú ở vịnh Mexico.

Trong bối cảnh không ít doanh nghiệp phải đóng cửa, thời gian để ngành công nghiệp thủy sản có thể phục hồi cũng là điều đầy lo lắng. Do tính chất của chuỗi cung ứng thủy hải sản vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro và bởi cách thức lây lan của vi rút Corona, chuỗi cung ứng được dự báo sẽ chưa thể nối lại một cách nhanh chóng. 

Tác động tiêu cực của dịch vẫn kéo dài, có thể là trong vài tháng và thậm chí cả năm, đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp có thể chẳng bao giờ quay trở lại mức trước đại dịch.

Không có bất cứ thành phần nào của ngành công nghiệp đánh bắt cá miễn nhiễm khỏi tác động của Covid-19 và dịch bệnh này ảnh hưởng lên toàn bộ chuỗi cung toàn cầu, từ nhà cung cấp, phân phối đến nhà bán buôn và nhà hàng.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và con người ngày càng trở nên di động, chính sự nhỏ lẻ của chuỗi cung ứng thủy hải sản đã gây ra nhiều khó khăn và sẽ tiếp tục ngăn cản quá trình phục hồi.

Sẽ chẳng có một “ánh sáng phía cuối chân trời” nhưng cũng có những tia hy vọng đang le lói ở ngay gần mà các doanh nghiệp hoàn toàn có thể cố gắng nắm bắt để tồn tại. 

Trong tình cảnh hiện nay, một số công ty thủy hải sản vẫn duy trì được doanh số bán hàng, nhờ vào chuỗi cung ngắn, trực tiếp và minh bạch hơn, tiêu biểu như những doanh nghiệp địa phương có sẵn nguồn cung ứng và ứng dụng nền tảng trực tuyến cho việc bán hàng và giao hàng như Sitka Salmon Shares ở Alaska và Dock to Dish ở phía Đông Bắc Mỹ.

Một điều rõ ràng là mô hình của những doanh nghiệp kể trên khó có thể áp dụng trên toàn thế giới nhưng tính tập trung của một số nền tảng kỹ thuật số có chăng sẽ tạo ra các chuỗi cung ứng lớn hơn. Và liệu rằng con người có thể phát triển một loại "vắc xin" cho ngành công nghiệp thủy hải sản để giúp ngành này đứng vững trước những vấn đề tương tự Covid-19 trong tương lai.

Một loại công nghệ không những giúp lượng cung đảm bảo một cách hiệu quả hơn, mà còn giúp doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn mong đợi của khách hàng, đồng thời tạo ra một lá chắn chống lại sự gián đoạn. Công nghệ ấy vốn dĩ đã xuất hiện và đang không ngừng được phát triển.

Cá mú, cá ngừ, cá hồi, tôm và sò là một số sản phẩm gần đây đã được thử nghiệm hoặc áp dụng thành công công nghệ chuỗi khối (blockchain) vào lĩnh vực thủy hải sản. Công nghệ này cho phép những người tham gia vào chuỗi cung ứng có thể nhìn thấy sản phẩm đang nằm ở đâu trong dây chuyền sản xuất chỉ trong nháy mắt, kế hoạch sản xuất tiếp theo cũng như các thông tin thêm về điều kiện sản xuất và lưu trữ.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có thể tra cứu thông tin về thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc xuất xứ, thời gian kể từ lúc đánh bắt và chế biến của thực phẩm. Nền tảng OpenSC dựa trên blockchain cùng với Internet vạn vật và máy học (machine learning) đang cho thấy nhiều lợi ích.

Bên cạnh đó, một số ứng dụng blockchain khác cũng có thể đem lại nhiều tiện ích hơn,  cung cấp tính năng đánh dấu cho doanh nghiệp khi có sẵn hàng cung ứng, cũng như tự động kết nối người bán và khách hàng thích hợp.

Ngoài ra, blockchain còn giúp tạo dựng tính bền vững của ngành khi đảm bảo sự minh bạch, tránh các hành vi trái đạo đức như đánh bắt trái phép hay bóc lột nhân công. Đảm bảo tính bền vững chính là phương pháp phòng vệ từ xa giúp thị trường tránh khỏi các tác động tiêu cực có thể xảy đến trong tương lai.

Khi tham gia vào một hệ thống blockchain, các hợp đồng thông minh sẽ được tạo ra cùng với tính năng đánh giá từ phía khách hàng, giúp khách hàng có thể lựa chọn được nhà cung ứng tốt nhất. Các doanh nghiệp có cơ hội thấu hiểu khách hàng của mình hơn, từ đó thay đổi và hoàn thiện bộ máy hoạt động.

Những tính năng kể trên, nếu được áp dụng rộng rãi, chắc chắn sẽ giảm thiểu được tối đa những tác động tiêu cực mà dịch bệnh gây ra cho ngành thủy hải sản trên toàn cầu.

Đứng trước những hậu quả sâu sắc mà đợt khủng hoảng mang tên Covid-19 gây ra, đã đến lúc toàn bộ nền kinh tế nói chung và ngành thủy hải sản nói riêng cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại những điểm yếu cố hữu trong bộ máy vận hành, và cân nhắc tới việc áp dụng những công nghệ tiên tiến hơn nhằm cải thiện triệt để những điểm yếu đó. 

Đại dịch có thể là ngày tận thế đối với nhiều doanh nghiệp, nhưng những ai có thể tồn tại sau thảm họa này hoàn toàn có cơ hội trở nên mạnh mẽ, đổi mới và kiên cường hơn trước.