Thời kỳ dân số vàng của Việt Nam đang qua nhanh

Phương Anh - 12:40, 04/05/2024

TheLEADERDo sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu nhân khẩu học, cơ cấu dân số vàng của Việt Nam dự kiến sẽ kết thúc vào khoảng năm 2040 hoặc thậm chí sớm hơn.

Già hóa dân số nhanh chóng

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), đánh giá, Việt Nam hiện là một trong những địa điểm hàng đầu của các nhà đầu tư Hàn Quốc với nhiều lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, cơ cấu dân số vàng hấp dẫn FDI hiện nay sẽ dần biến mất trong khoảng hai thập kỷ tới. Cùng với đó, lương của người lao động ngày càng cao hơn sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại.

“Các doanh nghiệp FDI nói chung và Hàn Quốc nói riêng khá lo lắng cho tương lai của Việt Nam trong giai đoạn đó, liệu rằng môi trường có còn trẻ, năng động và nhiều tiềm năng nữa hay không”, ông Hong Sun chia sẻ.

Việt Nam đang chuyển đổi nhanh chóng từ thời kỳ dân số vàng sang xã hội già hơn khi tỷ lệ sinh sụt giảm đáng kể trong thời gian dài. 

Do sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu nhân khẩu học, cơ cấu dân số vàng của Việt Nam dự kiến sẽ kết thúc vào khoảng năm 2040 hoặc thậm chí sớm hơn.

Theo Ủy ban Kinh tế và xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ chỉ mất 18 năm để chuyển từ già hóa sang xã hội già vào năm 2036. Khoảng thời gian này ngắn hơn đáng kể so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Nhật Bản.

Già hóa dân số - mối nguy thập kỷ tới
Già hóa dân số nhanh chóng không chỉ làm chậm tăng trưởng kinh tế mà còn gia tăng áp lực lên an sinh xã hội. Ảnh: Hoàng Anh

Điều đáng chú ý là mặc dù đang trong thời kỳ dân số vàng, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa phát huy hết lợi thế. Nhiều tỷ USD vốn FDI đã đổ vào đây nhiều năm qua nhưng Việt Nam vẫn loay hoay trong câu chuyện gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhận định này được tác giả Thanh Thuy Giang Dao đưa ra trong bài viết trên Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO).

Đơn cử, khoảng một nửa lực lượng lao động của Việt Nam chỉ có trình độ cơ bản trong khi khoảng 40% có trình độ trung cấp hoặc cao cấp vào cuối năm 2022.

Xét về số lượng lao động có trình độ học vấn cao, Việt Nam kém hơn một chút so với Thái Lan và Indonesia, kém hơn đáng kể khi so sánh với Singapore, Brunei hay Hàn Quốc.

Năng suất của người lao động tại Việt Nam cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar nhưng lại thấp hơn rất nhiều khi so với các nước có nền tảng sản xuất tương tự trong khu vực như Thái Lan hay Malaysia.

Một vấn đề khác đáng chú ý với dân số Việt Nam là nhiều người già đang phải vật lộn để kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt sau khi nghỉ hưu khi quỹ hưu trí hiện nay hạn chế.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo mới nhất cho biết, hệ thống lương hưu do người lao động đóng góp tại Việt Nam có độ bao phủ thấp do có nhiều việc làm phi chính thức. Tỷ lệ bao phủ với người lao động Việt hiện chỉ 17%.

Chuẩn bị cho dân số già hóa

Theo tác giả Thanh Thuy Giang Dao, các chính sách hiện tại như khuyến khích kết hôn sớm, tăng tuổi nghỉ hưu có thể không đủ để giải quyết tình trạng già hóa dân số nhanh chóng.

Vị này khuyến nghị, Việt Nam có thể đưa ra nhiều ưu đãi hơn, chẳng hạn như giảm thuế thu nhập cá nhân cho các bà mẹ đi làm, nhà ở xã hội cho các cặp vợ chồng trẻ.

Đồng thời, chính phủ nên phân bổ nhiều nguồn lực hơn để tăng năng suất lao động.

Đơn cử, lao động có tay nghề thấp cần được tiếp cận nhiều hơn với giáo dục đại học và đào tạo nghề, đặc biệt là trong các ngành có giá trị gia tăng cao. Lao động ở khu vực nông thôn và khu vực nông nghiệp cần được đào tạo để đa dạng hóa công việc và chuyên môn.

Không chỉ vậy, các biện pháp an sinh xã hội cần được tăng cường.

Theo đó, cần mở rộng phạm vi bao phủ của lương hưu người già để bao gồm cả người lao động trong khu vực phi chính thức và những người đóng góp muộn. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm chăm sóc dài hạn như viện dưỡng lão cần được phát triển hơn nữa.

Việt Nam cũng cần đưa ra các chính sách hoặc sản phẩm tài chính bổ sung nhằm khuyến khích người dân trong độ tuổi lao động tiết kiệm để nghỉ hưu.

ADB trong báo cáo khuyến nghị một loạt các biện pháp chính sách để hỗ trợ quá trình già hóa khỏe mạnh và bảo đảm về kinh tế.

Theo đó, các nhà hoạch định chính sách cần hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, trong khi mở rộng các biện pháp bảo vệ lao động cơ bản cho cả người lao động lớn tuổi ở khu vực phi chính thức.

Bằng cách quy định các độ tuổi nghỉ hưu bắt buộc linh hoạt hơn, giúp người lớn tuổi duy trì sức khỏe và cung cấp cho họ cơ hội việc làm phù hợp, cùng với học tập và phát triển kỹ năng suốt đời, các nền kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Việt Nam có thể giúp người lớn tuổi làm việc năng suất trong thời gian dài hơn.