9 tỷ USD đổ vào kinh tế xanh

Nguyễn Ánh - 10:55, 27/03/2024

TheLEADERNăm 2023, khoảng 9 tỷ USD vốn FDI và vốn đầu tư của doanh nghiệp trong nước đổ vào các ngành liên quan đến kinh tế xanh, phát triển bền vững.

9 tỷ USD đổ vào kinh tế xanh
9 tỷ USD rót vào các dự án xanh như điện tái tạo, xử lý chất thải... trong năm 2023. Ảnh: Hoàng Anh

Đưa ra số liệu này tại báo cáo thường niên FDI năm 2023, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho biết, dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực kinh tế xanh đang tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu. Trong đó, tại các nước đang phát triển, lĩnh vực kinh tế xanh thu hút lượng vốn FDI tăng 37% so với năm 2022.

Trái phiếu xanh là kênh huy động vốn quan trọng cho các dự án chuyển đổi bền vững cũng chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng trên toàn cầu, gấp năm lần trong giai đoạn 2018 – 2023.

Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc thu hút vốn đầu tư phát triển bền vững với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, các FTA thế hệ mới ngày càng đòi hỏi tính “xanh” của sản phẩm, bao gồm sử dụng năng lượng tái tạo, đảm bảo quyền lợi người lao động, đóng góp vào mục tiêu “net zero” của toàn cầu.

Bên cạnh đó, cam kết mạnh mẽ tại COP26 của Thủ tướng Chính phủ cũng là điểm cộng lớn cho Việt Nam. Trước đó, tại Diễn đàn doanh nghiệp (VBF) 2024, các đại diện doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao các chính sách hướng đến kinh tế xanh của Việt Nam, có thể kể đến như luật hóa kinh tế tuần hoàn, quy hoạch điện VIII hay kế hoạch triển khai thị trường tín chỉ carbon.

Tiềm năng trong thu hút vốn FDI xanh của Việt Nam đã trở thành hiện thực, với một loạt dự án đầu tư trong những năm gần đây như nhà máy trung hòa carbon của Tập đoàn Lego đến từ Đan Mạch, dự án sản xuất vật liệu carbon của Hyosung đến từ Hàn Quốc hay nhà máy chế tác trang sức vận hành theo tiêu chuẩn LEED Gold của Pandora.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam cũng đang tích cực xanh hóa, đồng hành thực hiện những chủ trương lớn về phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, Tập đoàn Intel tiên phong triển khai hệ thống năng lượng mặt trời áp mái, các doanh nghiệp như Coca Cola, Nestlé, La Vie tích cực thực hiện các giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Ông Arnaud Ginolin, Giám đốc điều hành BCG Việt Nam, nhận định, vốn FDI xanh đang trở thành xu thế lớn của toàn cầu, đạt khoảng 500 tỷ USD trong năm 2023. 60% dòng vốn này tập trung ở các nước phát triển, vốn sở hữu nhiều điều kiện về hạ tầng cũng như khung chính sách thuận lợi cho các giải pháp bền vững.

Tuy nhiên, các nước đang phát triển rất cần thu hút FDI xanh bởi đây không chỉ là nguồn lực về vốn mà còn về công nghệ, quy trình, giải pháp quản trị nhằm đạt được nhanh các mục tiêu phát triển bền vững.

Cơ hội tất nhiên không chỉ đến với các nước phát triển. Ông Arnaud Ginolin cho biết, một số quốc gia đang phát triển, nhờ vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng về khung chính sách cũng như hạ tầng hỗ trợ, đã thu hút được dòng vốn FDI xanh khổng lồ. Đây chính là bài học để Việt Nam nghiên cứu và học hỏi.

Đại diện BCG Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần nhanh chóng nghiên cứu áp dụng những chính sách thúc đẩy sự phát triển bền vững trong doanh nghiệp đã được chứng minh hiệu quả trên thế giới như phân loại xanh, ưu đãi đầu tư cho các dự án bền vững, đầu tư công xanh… để tạo hấp lực thu hút dòng vốn xanh trên toàn cầu.

Còn theo ông Mại, Việt Nam cần giải quyết bài toán thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng tốc tiến trình chuyển đổi xanh, xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho nhà đầu tư. Mặt khác, thủ tục hành chính và tính minh bạch cũng là những điểm cần phải cải thiện để có thêm nhiều dự án FDI chất lượng, hướng đến phát triển bền vững.