Ba trụ cột cải cách của Quảng Ninh

Chi Anh - 18:00, 21/12/2021

TheLEADERXác định còn nhiều dư địa cho công tác cải cách hành chính và không ngủ quên trên chiến thắng sau bốn năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh Quảng Ninh vẫn không ngừng triển khai các phương án, sáng kiến để đẩy mạnh cải cách, đặc biệt là khi đại dịch đang làm khó các doanh nghiệp.

Ba trụ cột cải cách của Quảng Ninh
Công tác cải cách hành chính của Quảng Ninh có sự vào cuộc của cả hệ thống

Đại dịch Covid-19 diễn ra đã khiến cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề khi việc sản xuất và kinh doanh bị gián đoạn, kết quả sản xuất kinh doanh không được như kỳ vọng. Thậm chí, nhiều đơn vị phải ngưng hoạt động.

Thế nhưng trong bối cảnh khó khăn đó, Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tony Việt Nam ở khu công nghiệp Đông Mai (Quảng Ninh) đã sớm hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh của cả năm 2021.

Một trong những lý do được lãnh đạo công ty này đưa ra là do sự quyết liệt của tỉnh Quảng Ninh trong việc thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

Năm 2021 với nhiều khó khăn thách thức, là năm thứ hai chịu tác động của đại dịch Covid-19 song với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, “chủ động, linh hoạt, bình tĩnh, sẵn sàng”, tỉnh Quảng Ninh đã vượt qua được các đợt dịch, giữ vững địa bàn an toàn, duy trì nhịp độ tăng trưởng hai con số. Quảng Ninh trở thành địa phương điển hình, điểm sáng về thực hiện mục tiêu kép.

Tăng trưởng GRDP của tỉnh Quảng Ninh năm 2021 ước đạt 10,28%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 7.614 USD/người và là một trong hai tỉnh dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế.

Lãnh đạo Tony Việt Nam từng khẳng định đã có kế hoạch nâng cao, mở rộng sản xuất trong những năm tiếp theo ở Quảng Ninh. Một lý do quan trọng không kém được nhấn mạnh là môi trường đầu tư kinh doanh được Quảng Ninh đảm bảo an toàn và không ngừng được cải thiện.

Bốn năm liền, Quảng Ninh liên tục giữ “ngôi vương” trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Từ xếp hạng 58/63 vào năm 2007, đến năm 2016 Quảng Ninh đã vươn lên vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng PCI, xuất sắc giành vị trí dẫn đầu năm 2017 và duy trì vị thế cho đến nay. Đó cũng là lý do Quảng Ninh trở nên rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhưng với tinh thần không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh luôn xác định, vẫn còn nhiều dư địa để cải cách. Tinh thần đó cũng chính là cơ sở để Quảng Ninh quyết tâm giữ vững vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng PCI năm 2022.

Ba trụ cột cải cách của Quảng Ninh
Quảng Ninh được đánh giá là "ngôi sao cải cách"

Trong số các tiêu chí phấn đấu của tỉnh Quảng Ninh năm 2022, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh luôn nhấn mạnh, phải giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. Quảng Ninh xác định cải cách hành chính tiếp tục là một trong ba đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm.

Nỗ lực cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp cũng sẽ là tiền đề để Quảng Ninh có thể đạt được các chỉ tiêu khác đặt ra cho năm 2022, bao gồm: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt trên 10%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%; thu hút FDI đạt ít nhất 1,5 tỷ USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 68,5%...

Để đẩy mạnh cải cách, trong thời gian qua, lãnh đạo Quảng Ninh đã đưa ra nhiều quyết sách và thực hiện một cách quyết liệt trong bối cảnh Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn trên toàn địa bàn tỉnh.

Các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra dựa trên ba trụ cột.

Một là chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Hai là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đảm bảo giảm thành phần hồ sơ, giảm thời gian giải quyết, giảm chi phí thực hiện, nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Ba là ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, phát huy hiệu quả chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, xây dựng thành phố thông minh.

Một ví dụ điển hình có thể kể đến như việc thành lập Tổ Công tác hỗ trợ dự án đầu tư tỉnh Quảng Ninh (Quảng Ninh Investor Care) vào tháng 6/2021 để theo sát bước chân nhà đầu tư. 

Theo đó, tổ này có nhiệm vụ chủ động nắm bắt thông tin, tổng hợp tình hình triển khai các dự án ngoài ngân sách, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án; kịp thời chỉ đạo đơn vị trực thuộc hỗ trợ, giải quyết những kiến nghị, khó khăn của các nhà đầu tư, hoặc đề xuất kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, đảm bảo tiến độ, hiệu quả và giảm thiểu các thủ tục hành chính.

Quảng Ninh Investor Care được ví như “người bạn đồng hành”, là “cầu nối” giữa các nhà đầu tư với các cấp có thẩm quyền để lắng nghe, hỗ trợ đầu tư thiết thực.

Mô hình này còn được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) đánh giá, xem xét đưa vào mô hình mới trong báo cáo của dự án PCI quốc gia về những sáng kiến phát huy hiệu quả tích cực công tác cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh PCI.

Hệ thống trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện của Quảng Ninh cũng luôn hoạt động rất hiệu quả theo nguyên tắc 5 tại chỗ “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả”. Quảng Ninh thực hiện hiện đại hóa nền hành chính; tập trung xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử, đề án chính quyền số và trung tâm điều hành thành phố thông minh; tăng cường tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến và kết nối liên ngành, liên thông dịch vụ công trực tuyến.

Từ chỉ số PCI quốc gia, Quảng Ninh tiên phong vận dụng, đổi mới xây dựng bộ chỉ số DDCI cho phép doanh nghiệp đánh giá, chấm điểm các cấp chính quyền và địa phương. Từng chỉ số thành phần thuộc DDCI là thước đo quan trọng để mỗi đơn vị nhìn lại chất lượng điều hành, qua đó tiếp tục có giải pháp hiệu quả hơn, nhất là trong vấn đề giải quyết nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp, tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư tốt hơn.

Qua DDCI, các sở, ngành và địa phương bắt buộc phải lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn, có trách nhiệm giải trình rõ hơn, cụ thể hơn với tỉnh trong những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI từng nhận định, trong số 54 tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã thực hiện đánh giá DDCI, Quảng Ninh là địa phương có cách thức thực hiện bài bản, cam kết cao và thực thi hiệu quả nhất. Việc triển khai DDCI hiệu quả cũng là một trong những yếu tố đóng góp cho việc giữ vững vị trí số 1 của tỉnh Quảng Ninh về PCI trong những năm qua.