Cần đưa biến đổi khí hậu thành ưu tiên an ninh

Phương Anh - 13:52, 15/08/2020

TheLEADERBiến đổi khí hậu nên được đẩy cao hơn nữa trong chương trình nghị sự về an ninh khu vực trong bối cảnh Ấn Độ Dương - châu Á Thái Bình Dương là khu vực dễ xảy ra thiên tai nhất trên thế giới.

Giữa thời điểm ASEAN chuẩn bị đàm phán về công tác cứu trợ thiên tai, nhóm chuyên gia của Hội đồng quân sự quốc tế về khí hậu và an ninh (IMCCS) đã kêu gọi các nhà lãnh đạo đưa biến đổi khí hậu trở thành một ưu tiên an ninh tại Ấn Độ Dương – châu Á Thái Bình Dương.

Tom Middendorp, Chủ tịch IMCCS và cựu Tổng trưởng Quốc phòng Hà Lan, nhấn mạnh: “Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã cho thấy chúng ta dễ bị tổn thương như thế nào trước những thay đổi trong môi trường. Chúng ta không thể thoát khỏi những nguy cơ này bằng cách trốn sau ranh giới quốc gia, mà phải cùng nhau giải quyết chúng như một tập thể. Cuộc khủng hoảng cũng dạy chúng ta điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta phí hoài thời gian. Chúng ta càng chậm chạp trong chuẩn bị và ứng phó, hậu quả sẽ càng nặng nề hơn. Đối với tôi, Covid-19 chỉ mới là màn mở đầu cho những rối loạn mà chúng ta có thể phải gánh chịu từ biến đổi khí hậu”.

Việc Covid-19 xuất hiện và đang tiếp tục gây hậu quả đã bộc lộ những tổn thương xã hội nghiêm trọng, ngay cả ở các quốc gia thịnh vượng, đồng thời chứng minh rằng các cuộc khủng hoảng có thể lường trước vẫn có khả năng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về xã hội, kinh tế, chính trị và an ninh.

Đề cao khía cạnh an ninh của biến đổi khí hậu

Báo cáo “Khí hậu và an ninh ở Ấn Độ Dương – châu Á Thái Bình Dương” mới đây của IMCCS khuyến nghị trước tiên rằng giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của biến đổi khí hậu nên là một ưu tiên an ninh của khu vực.

Giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của các mối đe dọa an ninh liên quan đến khí hậu có thể giúp tăng cường sự ổn định của khu vực trong một thế giới nhiều biến động, trong đó bao gồm cả việc xem xét toàn bộ phạm vi tác động của các khoản đầu tư vào năng lượng nhiên liệu hóa thạch đối với lợi ích quốc gia và an ninh quốc gia. Vì vậy, giảm mạnh phát thải khí nhà kính trong khu vực nên là một ưu tiên an ninh.

Thứ hai, biến đổi khí hậu nên được đẩy cao hơn nữa trong chương trình nghị sự về an ninh khu vực. Ấn Độ Dương – châu Á Thái Bình Dương là khu vực dễ xảy ra thiên tai nhất trên thế giới; an ninh lương thực và nước sạch dễ bị tổn thương trước tác động của khí hậu; dân số và cơ sở hạ tầng kinh tế tập trung ven biển và dễ bị ảnh hưởng bởi bão và nước biển dâng.

Mặc dù vậy, các khía cạnh an ninh của biến đổi khí hậu vẫn chưa được ưu tiên trong chương trình nghị sự trong các giới chính sách.

Thứ ba, biến đổi khí hậu đang làm leo thang các căng thẳng an ninh tiềm ẩn trong khu vực. 

Trong một khu vực có cạnh tranh địa chiến lược, căng thẳng giữa các nước và trong nội bộ một nước và bất ổn bạo lực đang ngày một gia tăng, báo cáo chỉ ra những yếu tố gây căng thẳng liên quan đến biến đổi khí hậu, bao gồm thay đổi dòng chảy của sông, nguồn cá di cư, thời tiết khắc nghiệt và mực nước biển dâng, có thể làm xói mòn khả năng ứng phó, tăng các mối bất hoà, làm trầm trọng thêm những căng thẳng và rạn nứt tiềm ẩn, khiến các nguồn lực nhà nước bị quá tải và làm suy giảm môi trường an ninh, nếu chúng không được quản lý hiệu quả.

Thứ tư, nhiều ngòi nổ an ninh trong khu vực rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu.

Một số ngòi nổ an ninh của khu vực đặc biệt nhạy cảm với các tác động khí hậu, ví dụ như mực nước biển dâng và hoạt động xây dựng quân sự tại các vùng tranh chấp ở biển Đông; căng thẳng giữa các nước thành viên thể hiện qua (và trầm trọng hơn do) các tranh chấp về quản lý nước xuyên biên giới; đối đầu trong đánh bắt cá khi sản lượng sụt giảm (do đánh bắt quá mức và ô nhiễm, cùng với khí hậu biến đổi khiến nước biển ấm lên và bị axit hóa); và sinh kế người dân suy yếu càng tăng nguy cơ nạn cướp biển và các hoạt động tội phạm có tổ chức nghiêm trọng.

Thứ năm, những thách thức an ninh có thể lường trước được liên quan đến biến đổi khí hậu thuộc về trách nhiệm chuẩn bị và phòng ngừa của khu vực.

Nhóm tác giả nhìn nhận các cộng đồng an ninh ở Ấn Độ Dương – châu Á Thái Bình Dương có trách nhiệm chuẩn bị và ngăn chặn những thách thức an ninh có thể lường trước này, bên cạnh những nỗ lực của phía ngoại giao và phát triển.

Điều này bao gồm hỗ trợ khả năng chống chịu với khí hậu bằng cách tăng cường năng lực quân sự cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, cải thiện kỹ năng ứng phó với các mối đe dọa khí hậu bằng cách hỗ trợ thiết lập kế hoạch dài hạn trong chính phủ.

Thứ sáu, nâng cao khả năng phối hợp giữa các cộng đồng an ninh đóng vai trò rất quan trọng trong việc chống lại những mối đe dọa an ninh liên quan đến khí hậu.

Cộng đồng an ninh quốc tế phối hợp và liên lạc hiệu quả hơn trong việc giải quyết các mối đe dọa liên quan đến khí hậu, chẳng hạn như thông qua Hội đồng quân sự quốc tế về khí hậu và an ninh, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin và chia sẻ bài học kinh nghiệm.

Điều này bao gồm việc các lực lượng quân đội Ấn Độ Dương – châu Á Thái Bình Dương chia sẻ kiến ​​thức chuyên môn hàng đầu thế giới về ứng phó với các thảm họa do biến đổi khí hậu.

Sherri Goodman, Tổng thư ký IMCCS, chiến lược gia cao cấp tại Trung tâm Khí hậu và an ninh đồng thời là cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, đánh giá biến đổi khí hậu đóng vai trò như một bộ nhân các nguy cơ, làm gia tăng các mối đe dọa an ninh trên toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, từ các cơn bão với sức tàn phá ngày càng lớn và mực nước biển dâng cao, đến các nguồn cá di cư làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực của khu vực.

Các siêu đô thị trong khu vực đang chịu nguy cơ đặc biệt cao, và sẽ càng trầm trọng hơn khi nhiệt độ tăng và nước biển ấm hơn.

Thời điểm bây giờ là lúc cho các biện pháp ứng phó với khí hậu, từ việc lồng ghép các rủi ro an ninh khí hậu vào các chính sách đối ngoại và quốc phòng trong khu vực, đến tăng cường năng lực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Các tổ chức an ninh nên làm việc với các cơ quan ngoại giao, phát triển và đối phó thảm họa để cùng phối hợp chuẩn bị, lập kế hoạch và ứng phó, ông khuyến nghị.