Đã có mô hình vận hành thành phố thông minh có thể đem lại hàng tỷ USD cho TP. HCM

Quỳnh Như - 09:34, 08/06/2018

TheLEADERSở Tài nguyên và môi trường TP. HCM đã lựa chọn mô hình đồng vận hành của OGC với chìa khóa là bản đồ không gian địa lý, được dự báo sẽ đem lại hàng tỷ USD mỗi năm cho TP. HCM

Một trong những tiêu chí quan trọng tạo nên một thành phố thông minh là làm sao các hệ thống thông tin địa lý có thể “nói chuyện” được với nhau nhằm giúp người dân và các tổ chức dễ dàng tiếp cận, chia sẻ và trao đổi dữ liệu không gian địa lý (GIS) từ Sở Tài nguyên môi trường và ngược lại.

“Không còn cách nào khác, muốn làm được điều đó, chúng ta buộc phải áp dụng kỹ thuật và công nghệ vào thực tiễn”, ông Bùi Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên môi trường (Sở Tài nguyên và môi trường TP. HCM) phát biểu trong Hội thảo Cơ hội và các lựa chọn quản lý phát triển tích hợp hướng tới thành phố thông minh ở vùng TP. HCM. 

Đã có mô hình vận hành thành phố thông minh có thể đem lại hành tỷ USD mỗi năm cho TP. HCM
Ông Bùi Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên môi trường

Hiện tại, ngành tài nguyên và môi trường có 7 lĩnh vực mà nhà nước quản lý, bao gồm: Tài nguyên đất, môi trường, địa chất – khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng – thuỷ văn và biến đổi khí hậu, biển và hải đảo, đo đạc – bản đồ.

Trong thực tế cuộc sống, chúng không đứng độc lập mà ảnh tác động lẫn nhau. Ví dụ, để xác định lan toả ô nhiễm trên một con sông thì ngoài việc cần dữ liệu quan trắc của lĩnh vực môi trường, chúng ta cần có dữ liệu về khí tượng – thuỷ văn như lưu lượng nước, dòng chảy…; dữ liệu địa chính về hiện trạng sử dụng đất…

“Nếu chúng ta có thể tích hợp thông tin của 7 lĩnh vực trong ngành tài nguyên môi trường sẽ giúp ích rất nhiều cho câu chuyện quy hoạch, không gian và giao thông đô thị, giảm ùn tắc, giảm ngập, tăng sự hợp tác và tham gia của cộng đồng”, ông Sơn cho hay.

Sau rất nhiều tìm tòi nghiên cứu, mô hình đồng vận hành của tổ chức Open GeoSpatial Consortium (OGC) theo kiểu cấu trúc hướng dịch vụ đã lọt vào mắt xanh của ông Sơn và đồng sự. Với mô hình này, dữ liệu đóng vai trò sống còn, không có dữ liệu sẽ không thể có thông tin để tích hợp, không có đô thị thông minh.

Đầu tiên, dữ liệu phải đa dạng, sẽ được thu thập từ các tổ chức trong xã hội, không chỉ trong ngành tài nguyên và môi trường mà còn từ các ngành liên quan khác như y tế, giáo dục, kinh tế.

Dữ liệu về dân số từ tổng cục thống kê, dữ liệu về giáo dục – y tế từ Sở Giáo dục đào tạo và Y tế, dữ liệu về kinh tế của Viện nghiên cứu và phát triển, dữ liệu về điều kiện tự nhiên ở các viện, trường, trung tâm, tổ chức. Dữ liệu về quan trắc, thuỷ văn khí hậu, bản đồ địa hình – Sở Tài nguyên và môi trường TP. HCM và các tỉnh lân cận, mô hình số độ cao…

Những dữ liệu đó đều được lưu trữ, quản lý, cập nhật thường xuyên bằng các công nghệ thông dụng như Oracle, MS SQL Server, DB2…, bằng các phần mềm GIS hay bằng các phần mềm tự phát triển.

Các công nghệ và dữ liệu phải nói chuyện được với nhau. Tất cả những dữ liệu mà chúng ta thu thập được sẽ tạo ra một tập dữ liệu lớn gọi là big data. Biga data sẽ được xử lý cho ra những thông tin cần thiết, có thể lưu trữ theo dạng đám mây, từ đó tạo ra một nền tảng chia sẻ dữ liệu để tất cả mọi người có thể truy cập – khai thác – sử dụng bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào trên nhiều ứng dụng hay các hệ thống khác nhau.

“Quá khứ quản lý đô thị dựa vào kinh nghiệm, nhưng bây giờ không thế nữa. Chúng ta có dữ liệu (data) sẽ cho ra những thông tin cần thiết, tạo nên kiến thức, nền tảng cho những quyết định sáng suốt”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ngoài việc giúp cho việc quản lý đô thị, bản đồ không gian địa lý (GEO Services) từ GIS, mỗi năm mang lại cho các nước trên thế giới doanh thu 150 – 270 tỷ USD/năm, giúp nền công nghiệp trò chơi video kiếm 25 tỷ USD/năm, ngành hàng không kiếm về 597 tỷ USD/năm. Mỗi năm, GEO Services giúp ngành vận tải, nông nghiệp tiết kiệm được từ 0,5 đến 2,8 tỷ USD.

Mỗi năm, Ấn Độ kiếm được 40 đến 50 tỷ USD từ các dịch vụ hoạt động dựa trên GEO Services và công nghệ này cũng giúp họ tiết kiệm được 70 đến 75 tỷ USD. Trong khi đó, các doanh nghiệp ở New Zealand kiếm được 1,2 tỷ USD từ các sản phẩm và dịch vụ sử dụng GEO Services. Với dân số TP. HCM 9 triệu người, nếu hệ thống GEO Services hoàn thiện, thành phố sẽ thu về một lượng tiền không hề nhỏ.

GEO Services không trực tiếp tạo ra tiền, nhưng tác động gián tiếp tạo ra tiền.

Trong mô hình đồng vận hành của OGC, 3 cụm nhà cung cấp dịch vụ - khách hàng –danh mục khách hàng sẽ được cùng vận hành trên hệ thống gọi là trung tâm mô tả - OWS-2, giúp tất cả các khách hàng điều hiểu và biết cách khai thác dữ liệu

Sau khi nghiên cứu, dựa trên chỉ dẫn của tổ chức OGC cùng quy định của nhà nước, xu thế phát triển, ông Sơn đề xuất với mô hình đồng vận hành tổng quát cho hệ thống thông tin tài nguyên cho TP. HCM như sau.

Mô hình nào cho sự vận hành thành phố thông minh vùng TP. HCM trong tương lai?
Mô hình đồng vận hành dành cho TP. HCM

“Hiện tại, chúng ta đang sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu không gian địa lý ArcGIS 2008 – 2009, chậm hơn thế giới gần 10 năm, bây giờ các nước trên thế giới đã ứng dụng IoT, Big Data, Cách mạng công nghiệp 4.0 vào thực tế”, ông Sơn cho biết. 

Theo ông Sơn, câu chuyện quan trọng của mô hình này là chúng ta không được chối bỏ sự phát triển của công nghệ, không nên bắt ép các cơ quan đoàn thể dùng một công nghệ giống nhau, tôn trọng sự lựa chọn công nghệ của đối tác, kiến tạo nên một môi trường và không gian giúp mọi người có thể phát huy tính đổi mới – sáng tạo. Mục tiêu là các cư dân thành phố, ai làm gì cũng sẽ có bản đồ và dữ liệu để sử dụng.