Dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay đạt mức kỷ lục 800 tỷ USD

Nhật Hạ - 10:42, 23/08/2022

TheLEADERVới con số này, kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2021. Mức dự báo đã được Bộ Công thương nâng mạnh so với hơn 1 tháng trước đây.

Kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng năm nay đạt trên 433 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD có 33 mặt hàng xuất khẩu và 35 mặt hàng nhập khẩu.

Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng 17%, mức này này cao hơn khu vực có đầu tư nước ngoài (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 16%) cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện còn nhiều khó khăn.

Trong đó, với kim ngạch xuất khẩu lập đỉnh trong tháng 7, dệt may đang là tâm điểm chú ý. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp có trị giá đạt trên 3 tỷ USD. Tính chung 7 tháng qua đã tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó là thủy sản, mặc dù đã giảm 3 tháng liên tiếp sau khi lập đỉnh vào tháng 4/2022, nhưng tính chung 7 tháng, mặt hàng này vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng 34% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu nói về tốc độ tăng trưởng, mặt hàng phân bón các loại và than các loại đang dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu khi 7 tháng đầu năm tăng lần lượt 174% và 100% so với cùng kỳ năm trước.

Với kết quả khả quan này, Bộ Công thương mới đây đã nâng mức dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm nay lên 800 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, tăng khoảng 20% so với năm 2021, thay cho con số hơn 735 tỷ USD (tăng 10% so với cùng kỳ) được cơ quan này đưa ra vào đầu tháng 7.

Theo báo cáo trước đó, cán cân thương mại dự kiến năm nay xuất siêu khoảng 1 tỷ USD, đạt mục tiêu kế hoạch.

Dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay đạt mức kỷ lục 800 tỷ USD
Cán cân thương mại dự kiến năm nay xuất siêu khoảng 1 tỷ USD.

Bộ Công thương cho rằng, nửa cuối năm 2022, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao theo chu kỳ xuất nhập khẩu hàng hóa và hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP ngày càng được thực thi toàn diện và hiệu quả hơn. Dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc.

Tuy nhiên, tình hình thế giới cũng được dự báo tiềm ẩn nhiều biến động, rủi ro và khiến ổn định kinh tế vĩ mô trong nước gặp nhiều thách thức, đặc biệt áp lực lạm pháp gia tăng trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận định tại buổi làm việc với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài cách đây mấy ngày.

Theo đó, thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều sức ép. Dự báo các thị trường lớn của Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động của lạm phát, đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD, thị trường xuất nhập khẩu thu hẹp do tổng cầu giảm. Chính sách thắt chặt tiền tệ và chính sách ‘zero Covid’ tại một số thị trường cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường xuất nhập khẩu của chúng ta theo hướng kém thuận lợi hơn.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, từ đó tham mưu phát triển thị trường, kết nối giao thương; đồng thời chủ động cảnh báo, phòng ngừa, đưa ra khuyến cáo, kiến nghị xử lý các rủi ro, hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương của Việt Nam xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và xuất khẩu phù hợp nhằm tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Ông đặc biệt nhấn mạnh, phải thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi; đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.

Thủ tướng đề nghị tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác đầu tư, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong nước, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như cơ khí, chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hoá chất, dược phẩm… Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Bệnh cạnh đó, các thương vụ đẩy mạnh tìm kiếm, phát hiện, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước; thúc đẩy hợp tác với nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước chủ động trong sản xuất và xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.