Du lịch làm gì để tăng tốc sau đại dịch

Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt Tours - 11:48, 04/05/2020

TheLEADERTrong đại dịch Covid-19, du lịch là ngành tổn thất đầu tiên, nặng nề nhất và phục hồi chậm nhất. Để trở lại bình thường, nhất là mảng quốc tế, phải mất cả năm, với điều kiện kinh tế các nước không suy thoái.

Vừa nới lỏng giãn cách xã hội, các doanh nghiệp du lịch đã chủ động mở cửa, tiếp thị, chào bán sản phẩm. Chỉ tiếc là các địa phương chưa thống nhất nơi mở, nơi đóng, làm vuột mất kỳ nghỉ vàng 4 ngày liền dịp 30/4 và 1/5, trước khi học sinh trở lại trường sau 3 tháng nghỉ dịch. 

Lâm Đồng mạnh dạn mở tung cửa, khách đông nghẹt. Vũng Tàu cấm biển. Tây Nam bộ và miền Bắc, trừ Hải Phòng, im ắng. Các trọng điểm Trung bộ, lượng khách chưa bằng Đà Lạt, nhưng là những tín hiệu vui về nhu cầu và khả năng du lịch nội địa sau dịch.

Việt Nam là điểm sáng về hiệu quả phòng chống dịch Covid-19. Chỉ 270 ca lây nhiễm và chưa có tử vong, thấp hơn nhiều so với các nước Asean. Mỹ và châu Âu vẫn trong tâm dịch, Việt Nam 17 ngày không có ca nhiễm mới. Với đà này, các hoạt động sẽ trở lại bình thường vào giữa tháng 5. Du lịch quốc tế cần nhiều thời gian hơn và nhường ngôi cho nội địa.

Nhiều nước chưa hết dịch, lữ hành quốc tế, nhất là châu Âu và Mỹ tiếp tục đóng băng, buộc các doanh nghiệp mảng này, phải lấy ngắn nuôi dài, chuyển sang kinh doanh nội địa. Cạnh tranh càng quyết liệt. Ngành du lịch cả nước và các đối tác đang nỗ lực kích cầu, làm mới sản phẩm, giảm giá tối đa để giành thị phần. Người hưởng lợi nhất trong cuộc đua là khách hàng. Tha hồ chọn lựa sản phẩm, chọn mặt gửi vàng để có giá thành thấp nhất và được chăm chút tốt nhất.

Ngành du lịch đã kiệt quệ vì đại dịch nên rất cần được nhà nước tiếp sức để kích cầu. Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia, Tổng cục du lịch, Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp đã kiến nghị Nhà nước “giảm 50% thuế doanh thu, thuế lợi tức và bảo hiểm xã hội”. Gói hỗ trợ 250.000 tỷ đã được duyệt giúp doanh nghiệp vượt qua bĩ cực. Việc giảm thêm 50% ba khoản thu thiết thực trên là Nhà nước tiếp tục hỗ trợ và đồng hành với du lịch để tăng tốc sau đại dịch.

Nếu các khoản thu vẫn giữ nguyên, các sản phẩm kích cầu du lịch, cả nội địa lẫn quốc tế, rất khó giảm sâu. Đây là thời cơ vàng để phát huy vai trò nhạc trưởng của Tổng cục du lịch với những chỉ đạo sát sườn, gỡ khó cho địa phương. Là dịp thể hiện cần thiết sự liên kết vùng sáng tạo và hiệu quả. Nếu nỗ lực tối đa, để du lịch nội địa 2020 không tăng trưởng âm. Du lịch quốc tế, cả inbound (đến Việt Nam) và outbound (ra nước ngoài), dự đoán tăng trưởng âm ít nhất 30% so với năm ngoái.

Hết dịch, nhu cầu du lịch rất lớn nhưng kinh tế cạn kiệt, các công ty buộc phải giảm bớt phúc lợi nhân viên, nhất là khoản nghỉ mát. Lượng khách đoàn chắc chắn giảm sút hoặc chuyển vào năm sau. Các tour dài ngày, chi phí cao cũng hạn chế. Dù được giảm giá với nhiều dịch vụ cộng thêm của các gói kích cầu, dự báo đa phần khách lẻ ưu tiên chọn các tour nội địa đường dài, đi máy bay, tour Campuchia (phía Nam) và Trung Quốc (phía Bắc) đường bộ, tour Thái Lan...

Tour nội địa gần, nhiều nhóm gia đình và bạn bè, thay vì mua trọn gói, khách tự lái xe hoặc thuê xe tự lái, để giảm chi phí quản lý. Khách nhóm sẽ mua dịch vụ một phần (Free & Easy) và tự tổ chức. Mảng bán hàng online du lịch càng phát triển, cạnh tranh giữa các công ty lữ hành và các mạng bán dịch vụ.

Các mạng bán phòng lưu trú có kinh nghiệm, đa dạng và khắp nơi nhưng không ít khách than phiền, vì nhiều khi xem hình ảnh không thể đoán chất lượng. Các mảng dịch vụ khác cũng vậy. Trục trặc khó mà đòi bồi hoàn. Các công ty lữ hành có lợi thế là địa chỉ cụ thể, có thể đòi bồi hoàn nếu dịch vụ không tương xứng. Nhiều thương hiệu có uy tín, có kinh nghiệm tổ chức.

Sau dịch, du lịch làm gì để tăng tốc?
Vừa nới lỏng giãn cách xã hội, các doanh nghiệp du lịch đã chủ động mở cửa, tiếp thị, chào bán sản phẩm.

Hết dịch, các công ty lữ hành sẽ tung nhiều sản phẩm cạnh tranh, giành thị phần. Khách hành càng có nhiều lợi thế chọn lựa. Điều quan trọng chưa hẳn là giá cả, mà ở các dịch vụ cộng thêm, các cam kết chất lượng, đảm bảo không thu thêm khoản nào trên tour, minh bạch giá, bồi thường khi dịch vụ không đúng hợp đồng. Không có kiểu “giá từ…” lập lờ câu khách hay “Giảm sốc 50 – 60%”, nhưng không ai biết rõ giá gốc để đối chiếu.

Cùng với việc tăng tốc du lịch nội địa, cần chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đón khách inbound và đưa khách outbound đến các thị trường gần hết dịch, sắp mở cửa du lịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, các nước Asean… Các nước đang chờ hết dịch, đồng loạt kích cầu để giành thị phần. Việt Nam cần nhanh nhạy, chủ động hơn trong cuộc đua du lịch quốc tế, không thể cam phận “Trâu chậm, uống nước đục”.

Phát huy thành quả bước đầu phòng chống đại dịch Covid-19, tận tình chăm sóc du khách, và người nước ngoài bị nhiễm, Việt Nam cần đẩy mạnh việc quảng bá, làm mới hình ảnh là điểm đến “An toàn, thân thiện, y tế đảm bảo”. Song song với đó là giảm thiểu các vấn nạn xã hội, cải thiện chất lượng dịch vụ, đổi mới tinh thần và thái độ phục vụ, kèm những chính sách khuyến mại hợp lý.

Đặc biệt chú ý những du khách từng ở Việt Nam và được chăm sóc trong mùa dịch. Mời họ trở lại, làm đại sứ quảng bá du lịch trong thời kỳ mới, lột xác sau dịch.

So với nhiều nước, Việt Nam thiệt hại tương đối nhẹ hơn nên hồi phục nhanh hơn. Đại dịch Covid-19 đảo lộn trật tự thế giới, làm nhiều nước kiệt quệ, nhưng là đòn bẩy phát triển cho các quốc gia biết chớp thời cơ, vượt qua khó khăn, khẳng định phẩm chất “Vàng thật không sợ lửa”.

Có chuyên gia cho rằng, đây là thời cơ lịch sử. Việt Nam đã lỡ dịp lần thứ nhất sau năm 1975, khi đất nước thống nhất. Lần thứ hai sau thời kỳ đổi mới, cuối những năm 1980 của thế kỷ trước. Và lần này, thứ ba.

“Quá tam ba bận”. Phải chớp thời cơ để tăng tốc. Du lịch Việt Nam sẵn sàng đồng tâm, hiệp lực, góp phần xứng đáng vào sự trỗi dậy của kinh tế nước nhà.

Nếu lại chần chừ, chậm chân, lỡ nhịp thì lịch sử sẽ không tha thứ cho bất cứ biện minh nào.