EREX muốn đầu tư điện sinh khối tại Việt Nam

Nhật Hạ - 16:12, 18/02/2022

TheLEADERTập đoàn EREX (Nhật Bản) đang lên kế hoạch trồng cây cao lương và sản xuất nhiên liệu điện để xuất khẩu sang Nhật Bản.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công thường Nguyễn Hồng Diên ngày 17/2, ông Honda Hitoshi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EREX cho biết tập đoàn đang có ý định đầu tư sản xuất điện sinh khối tại Việt Nam.

Được biết, EREX là nhà sản xuất, cung cấp điện và cũng là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực điện sinh khối tại Nhật Bản.

Tập đoàn Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào điện sinh khối tại Việt Nam
Ông Honda Hitoshi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn EREX tại buổi làm việc với Bộ Công thương ngày 17/2. Ảnh: Trang tin của Bộ Công thương.

"Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, có nhiều nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực điện sinh khối, thuận lợi cho doanh nghiệp này đầu tư tại đây", ông Honda Hitoshi nhận định.

Đại diện Tập đoàn EREX cho hay, tuy Nhật Bản đang xây dựng nhà máy điện sinh khối lớn nhất thế giới nhưng tại Nhật Bản lại thiếu nguồn nguyên liệu nên công ty mong muốn có thể nhập khẩu được nguồn nguyên liệu này từ Việt Nam.

Từ năm 2018, EREX đã trao đổi với các địa phương tại Việt Nam về kế hoạch trồng cây cao lương và sản xuất nhiên liệu điện để xuất khẩu sang Nhật Bản trong giai đoạn 2021-2026.

Theo ông Honda Hitoshi, khu vực có điều kiện tự nhiên để trồng cây cao lương mới tại Việt Nam là Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang với tổng diện tích dự kiến triển khai là 12.000ha. Trước mắt, công ty đã trồng thử 30ha từ tháng 7/2021 tại tỉnh Phú Yên.

Tập đoàn cũng đang lên kế hoạch trồng thử nghiệm tại Việt Nam để tiến tới nghiên cứu cây sinh khối thân thảo khác nhằm mục đích làm nguyên liệu điện sinh khối theo công nghệ của Nhật Bản.

Ông Honda Hitoshi cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên EREX cân nhắc đầu tư công nghệ phát điện sinh khối ngoài Nhật Bản.

Theo đó, tập đoàn đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ xây dựng 1.500 MW điện sinh khối; cắt giảm 27,570kt/năm CO2 vào năm 2035 và phát nguồn điện ổn định. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên sinh khối chưa sử dụng ở Việt Nam, phát triển nhiên liệu sinh học mới nhằm góp phần cải thiện thu nhập của nông dân và tạo việc làm liên quan đến vận hành nhà máy điện.

Ông nhận định, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển điện sinh khối trong tương lai. Với kinh nghiệm đã đầu tư và phát triển lĩnh vực này tại Nhật Bản, ông Honda Hitoshi tin tưởng các dự án của EREX được đầu tư tại Việt Nam sẽ được triển khai thành công và Việt Nam sẽ trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu cho điện sinh khối trong khu vực và trên thế giới.

Lãnh đạo tập đoàn này cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ phía Bộ Công thương, Chính phủ Việt Nam để các dự án được triển khai đúng tiến độ và về đích như mục tiêu đã đề ra.

Đánh giá cao ý tưởng và chiến lược đầu tư của EREX tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch rất tốt cho hiện tại và tương lai nhưng để phát triển được lĩnh vực này cần phải có nguồn điện ổn định.

Theo đó, điện sinh khối cùng với các nguồn điện có tính chất ổn định khác có vai trò quan trọng để khai thác và phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời để bù đắp lại sản lượng điện thiếu hụt của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bộ trưởng cho rằng, EREX cần sớm thu xếp để làm việc với các cơ quan năng của Bộ Công thương và các bộ, ngành, các địa phương ở Việt Nam để có được cái nhìn xác thực và hướng phát triển phù hợp.

Theo tính toán của Viện Năng lượng Việt Nam, nguồn năng lượng sinh khối của nước ta dồi dào với tổng nguồn sinh khối vào khoảng 118 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, hiện nay, việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng sinh khối rất thấp, chỉ chiếm 0,14% lượng điện thương phẩm và 0,94% công suất lắp đặt trên toàn quốc (522,27MW).

Hiện nay, Việt Nam mới có khoảng 10 dự án nhà máy điện sinh khối và chỉ có 3 dự án được ghi nhận công suất trên Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, bao gồm: Nhà máy KCP - Phú Yên, nhà máy điện sinh khối An Khê (Gia Lai) và nhà máy điện sinh khối Bourbon (Tây Ninh). 

Công suất điện sinh khối chiếm tỷ lệ dưới 1% tổng công suất lắp đặt của cả nước, tuy nhiên điện thương phẩm được đưa lên lưới tiêu thụ thậm chí chỉ có hơn 0,1%.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), Việt Nam đã ban hành rất nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện sinh khối. Trong đó, cơ chế hỗ trợ giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) cũng đã được Chính phủ nghiên cứu và đề xuất giá mua điện cao hơn so với trước đây. Mặc dù vậy, điện sinh khối vẫn còn "khiêm tốn".

Điều này là do giá nhiên liệu thay đổi theo mùa vụ, khả năng cung cấp nhiên liệu thiếu ổn định và bền vững; vốn đầu tư ban đầu khá lớn; cơ chế giá khuyến khích mua điện chưa hấp dẫn các nhà đầu tư; thiếu kinh nghiệm phát triển, kỹ sư và nhân công lành nghề các dự án nhiên liệu sinh học...