Giá thịt lợn tác động mạnh lên CPI tháng 7

Nhật Hạ - 11:00, 29/07/2022

TheLEADERVới mức tăng giá gần 4,3%, thịt lợn đang là mặt hàng tác động mạnh nhất lên chỉ số CPI.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước; tăng 3,59% so với tháng 12/2021 và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước.

Giá thịt lợn tăng cao, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 7 tăng, theo Tổng cục Thống kê.

Giá thịt lợn tác động mạnh lên CPI tháng 7

Trong mức tăng 0,4% của CPI tháng 7 so với tháng trước có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với 1,37% (làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm), trong đó: lương thực tăng 0,31% (tác động CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm); thực phẩm tăng 1,6% (tác động tăng 0,34 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 1,28% (tác động CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm).

Ở mặt hàng lương thực, chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,24% theo giá gạo xuất khẩu và giá vật tư phân bón, nguyên liệu đầu vào sản xuất ở mức cao.

Còn các mặt hàng thực phẩm, giá thịt lợn tăng mạnh 4,29% làm CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm. Giá thức ăn chăn nuôi, giá vận chuyển tăng làm cho giá thịt gia cầm tăng 1,92%...

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,79% do giá dịch vụ du lịch trong nước tăng 1,99%; du lịch ngoài nước tăng 0,32% và khách sạn, nhà khách tăng 0,76% khi nhu cầu du lịch nội địa tăng cao vào dịp hè. Đồng thời, giá thiết bị văn hóa trong tháng tăng 0,06% so với tháng trước; dịch vụ thể thao tăng 0,89%, thiết bị dụng cụ thể thao tăng 0,11% do nhu cầu tăng trong dịp hè.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,49% do giá điện sinh hoạt tháng Bảy tăng 1,86% so với tháng trước ; giá nước sinh hoạt tăng 0,84% do nhu cầu sử dụng tăng trong mùa hè; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 1,09% ; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,63%. Ở chiều ngược lại, giá gas giảm 1,54% ; giá dầu hỏa giảm 1,38%.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,43% tập trung chủ yếu ở mặt hàng chăm sóc cơ thể như kem dưỡng da, son môi và nước hoa tăng 0,56%; dao cạo râu, bàn chải đánh răng và kính mát tăng 0,23%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 0,88%; dịch vụ hiếu hỉ tăng 0,51%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 0,21%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,39% do nhu cầu tiêu dùng tăng lên trong mùa hè, đồng thời giá nguyên liệu đầu vào và giá vận chuyển tăng .

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,32% do giá nguyên phụ liệu sản xuất, chi phí vận chuyển và nhu cầu mua sắm vào mùa hè tăng .

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,32% tập trung chủ yếu ở các mặt hàng như: Đồ nhựa và cao su tăng 0,99%; giấy ăn tăng 0,46%; đồ dùng bằng kim loại tăng 0,43%; xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,38%; giá giường, tủ, bàn ghế tăng 0,28%... Ở chiều ngược lại, giá bếp gas giảm 0,72% so với tháng trước; bàn là điện giảm 0,53%; nồi cơm điện giảm 0,34%.

Nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,26%. Nhóm giáo dục tăng 0,20%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%.

Ngược lại, nhóm duy nhất có chỉ số giảm là giao thông khi tụt 2,85%, làm CPI chung giảm 0,28 điểm phần trăm, do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 01/7/2022, 11/7/2022 và 21/7/2022 làm cho giá giá xăng giảm 8,68%; giá dầu diezen giảm 4,03%.

Tuy nhiên, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 2,16% do đang mùa cao điểm du lịch; giá xe máy, xe đạp, xe ô tô mới tăng lần lượt là 0,98%, 0,47% và 0,36% do thiếu nguồn cung linh kiện, phụ tùng chủ yếu từ Trung Quốc.

Lạm phát cơ bản tháng 7/2022 tăng 0,58% so với tháng trước, tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,44% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Đại diện Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm là rất lớn.

Trong đó, một số yếu tố chính có thể khiến CPI tăng cao trong các tháng cuối năm như giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao mà Việt Nam là nước phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát toàn nền kinh tế. 

Đặc biệt là giá xăng dầu có nhiều biến động sẽ tác động đến mặt bằng giá nhiều hàng hóa quan trọng như xăng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê thì giá xăng dầu cứ tăng 10% sẽ tác động làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.

Giá lương thực, thực phẩm cũng có khả năng tăng trong các tháng cuối năm, nhất là khi dịch đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại như thời gian trước khi đại dịch diễn ra. Chúng ta có lợi thế là chủ động được về nguồn lương thực, thực phẩm ở trong nước, tuy nhiên chúng ta cũng sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng khi mà thế giới đang có nguy cơ phải đối mặt với khủng hoảng lương thực toàn cầu. 

Mà nhóm hàng lương thực, thực phẩm có quyền số khá cao, gần 28% trong rổ hàng hóa tính CPI, do đó biến động giá của nhóm hàng này sẽ có tác động mạnh tới lạm phát của nền kinh tế. Đặc biệt trong đó nhóm hàng thịt lợn đang có xu hướng tăng giá trở lại.