IFC cấp khoản vay 100 triệu USD cho ngân hàng Phương Đông

Trần Anh - 13:33, 27/03/2019

TheLEADERKhoản vay hướng tới đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) do phụ nữ làm chủ hoặc quản lý.

Ngày 27/3, IFC, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới thông báo sẽ cấp khoản vay trị giá 100 triệu USD cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB).

Gói tài chính dài hạn gồm 57,16 triệu USD từ IFC và 42,84 triệu USD từ nhiều nhà tài trợ thông qua Chương trình Danh mục Đồng Cấp vốn (MCPP) do IFC quản lý.

Gói tài chính kèm dịch vụ tư vấn do IFC thu xếp sẽ giúp OCB gia tăng các khoản vay dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ hoặc quản lý, đồng thời giúp thúc đẩy tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Cho đến nay, thông qua các ngân hàng thương mại, IFC đã cung cấp hơn 400 triệu USD cho các doanh nhân do phụ nữ làm chủ hoặc quản lý tại Việt Nam. Việt Nam là một trong ba thị trường lớn nhất của chương trình tài trợ cho phụ nữ của IFC.

Với OCB, ngân hàng đặt mục tiêu sử dụng tối thiểu 50% khoản vay này để tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ hoặc quản lý.

Ngoài việc cấp vốn, với sự hỗ trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), IFC sẽ giúp OCB phát triển hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng (SCF).SCF là một giải pháp hợp tác giữa người mua hoặc người bán là doanh nghiệp với ngân hàng, qua đó cho phép các nhà cung cấp và phân phối của doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn tài trợ vốn lưu động mà không cần phải thế chấp tài sản.

Giải pháp này chuyển đổi các khoản phải thu và các khoản phải trả thành tiền mặt ngay tức thời và nhờ đó tạo điều kiện cho các nhà cung cấp và phân phối tiếp cận được nguồn tài chính với chi phí thấp hơn dựa trên nền tảng tín nhiệm tín dụng của người mua.

Mặc dù Việt Nam là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, hiện tại có rất ít ngân hàng địa phương cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với sự hỗ trợ của IFC, OCB sẽ xây dựng nền tảng điện tử phục vụ cho hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng nhằm hỗ trợ việc cấp vốn cho các giao dịch thương mại một cách minh bạch và hiệu quả.

“Chúng tôi chia sẻ tầm nhìn của OCB trở thành ngân hàng hàng đầu về dịch vụ ngân hàng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam thông qua tìm kiếm các cơ hội mới và triển khai các giải pháp đổi mới nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tài chính của các SMEs,” ông Vivek Pathak, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của IFC phát biểu.

Quan hệ hợp tác giữa IFC và OCB bắt đầu từ năm 2011 với khoản tài trợ thương mại trị giá 20 triệu USD thuộc khuôn khổ Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu của IFC. IFC đã cấp thêm cho OCB khoản vay 25 triệu USD vào tháng 3 năm 2012 và một khoản vay 10 triệu USD nhằm giúp OCB tăng khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương giải quyết các vấn đề thanh khoản trong ngắn hạn. Quan hệ đối tác này cho phép OCB cung cấp được nhiều khoản vay hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và giúp nhiều công ty địa phương gia tăng được các cơ hội thương mại và tạo việc làm.

SMEs hiện chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Đây là nguồn tạo việc làm chính tại Việt Nam, sử dụng tới hơn một nửa lực lượng lao động và đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước. Song, khoảng 60% SMEs phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn, ước tính khoảng 21 tỷ USD. 

Có quy mô ngân hàng chỉ ở mức trung bình, OCB những năm qua đã có những bước lột xác mạnh mẽ. Năm 2018, tổng tài sản ngân hàng xấp xỉ 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm trước đó. Cho vay đạt 56.316 tỷ đồng, tăng trưởng 14,5%.

Lợi nhuận của OCB năm 2018 đạt 1.761 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2017. Lợi nhuận của OCB cao hơn khá nhiều so với các ngân hàng cùng quy mô tài sản.

Lợi nhuận tốt đến từ khả năng kiểm soát nợ xấu hiệu quả của OCB. Đây cũng là 1 trong 3 ngân hàng được NHNN áp chuẩn Basel 2 trước thời hạn.