Lãnh đạo Vinaconex nói về việc rút vốn khỏi dự án Cát Bà Amatina

Dũng Phạm - 09:01, 25/04/2024

TheLEADERTổng giám đốc Vinacinex cho biết, công ty sẽ tiếp tục bơm vốn cho dự án Cát Bà Amatina. Việc rút 2.200 tỷ đồng khỏi Vinaconex ITC, là số tiền huy động từ phát hành trái phiếu để hợp tác xây hai toà khách sạn nhưng tình hình thị trường khó nên công ty rút về trả nợ trái phiếu.

Vinaconex "vượt bão" với 3 trụ cột tăng trưởng
Đại hội cổ đông Vinaconex diễn ra sáng ngày 24/4 tại Hà Nội. Ảnh: ĐHCĐ

“Vinaconex đã thành công khi trở thành thương hiệu đứng top 2 trong số các nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam ngay trong năm 2023”, ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Vinaconex tự hào chia sẻ về vị thế mà công ty đã đạt được tại Đại hội đồng cổ đông thường niên.

Theo ông Thanh, định hướng chiến lược phát triển của Vinaconex dựa trên ba trụ cột kinh doanh chính là Xây dựng – Bất động sản – Đầu tư tài chính đã đạt được thành công trong năm 2023 trong bối cảnh tình hình kinh tế chung còn nhiều khó khăn. Đồng thời, định hướng phát triển này sẽ tiếp tục được tổng công ty duy trì trong những năm tiếp theo.

Cụ thể, về hoạt động xây lắp – mảng cốt lõi của tổng công ty, Vinaconex đã đảm bảo tiến độ, chất lượng trong việc triển khai nhiều công trình, dự án tiêu biểu như cao tốc Bắc Nam, Vành đai 4 Thủ đô, sân bay Long Thành, … Trong đó, tổng công ty đã hoàn thành đúng và vượt tiến độ nhiều dự án trong năm vừa qua như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 hay nhà ga T2 sân bay Phú Bài.

Thêm nữa, công tác đấu thầu là điểm sáng khi Vinaconex tiếp tục trúng nhiều gói thầu lớn trong năm 2023 với tổng giá trị kỷ lục hơn 13.200 tỷ đồng, giúp đảm bảo nguồn việc cho năm 2024 và các năm tiếp theo.

Trụ cột tiếp theo là đầu tư tài chính, tổng công ty vẫn tiếp tục thực hiện quá trình sáp nhập, thoái vốn các công ty liên doanh liên kết. Đặc biệt, một số công ty con mang tính chiến lược, như dự án Thủy điện Đăkba hay như những khoản đầu tư vào công ty cấp nước, giáo dục đều mang về hiệu quả đầu tư cao.

Bên cạnh đó, cơ cấu tài chính - nguồn vốn được tổng công ty thủ xếp ổn định, minh bạch, thể hiện qua việc giảm mạnh hơn 3.000 tỷ nợ vay tài chính dài hạn trong kỳ.

Về mảng bất động sản, Vinaconex hiện sở hữu quỹ đất lên tới trên 2.000ha, cung cấp ra thị trường đa dạng các sản phẩm bất động sản nhà ở, du lịch – nghỉ dưỡng, hạ tầng khu công nghiệp… 

Mặc dù vậy, theo Chủ tịch Đào Ngọc Thanh, Vinaconex không tập trung đầu tư lớn vào mảng này trong năm qua vì còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường.

Vừa qua, Vinaconex cũng đã và đang tham gia triển khai một số dự án bất động sản. Trong đó, các dự án trọng điểm như tòa căn hộ Green Diamond, dự án nghỉ dưỡng Cát Bà Amatina thu hút sự quan tâm và ý kiến từ nhiều cổ đông tham dự.

Đối với dự án cao cấp Green Diamond, ban lãnh đạo cho biết có 100 căn phục vụ tái định cư và 224 căn hộ thương mại. Hiện công trình đã nghiệm thu, hoàn thành xây dựng vừa mở bán trong năm 2023. Doanh thu từ Green Diamond đã ghi nhận vào năm 2023 là 1.734 tỷ đồng và lãi trước thuế 447 tỷ đồng, còn đến năm 2024 dự kiến doanh thu tiếp tục mang về 906 tỷ đồng doanh thu và 275 tỷ đồng tiền lãi.

Đặc biệt, chủ tịch Vinaconex nhấn mạnh dự án này không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế mà còn khẳng định giá trị thương hiệu, uy tín của công ty khi có thể triển khai thành công dự án từ khu tập thế cũ tại khu vực nội đô – điều không nhiều chủ đầu tư có thể làm trong thời gian qua.

Nhận được nhiều ý kiến quan tâm tại đại hội là các vấn đề về đại dự án Cát Bà Amatina. Đây là dự án có quy mô hơn 172ha với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 11.000 tỷ đồng được lên ý tưởng từ năm 2005 nhưng chỉ mới được tổng công ty tái khởi động sau khi thoái vốn Nhà nước.

Hiện tại, tất cả các thủ tục pháp lý quan trọng nhất của dự án đã hoàn tất và công ty đang làm sổ đỏ cho từng khu sản phẩm đủ điều kiện, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật còn lại về điện, nước, san nền, … cơ bản được hoàn tất. Các khu vực mới chưa được đẩy mạnh kinh doanh do thị trường khó khăn.

Bổ sung thêm thông tin, Tổng giám đốc Vinaconex - ông Nguyễn Xuân Đông cho biết nhu cầu thị trường với các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng hiện rất yếu, công ty kế hoạch năm nay có thể bán buôn một phần dự án nếu đảm bảo lợi nhuận. Vinaconex đang tìm kiếm đối tác để bán hàng, cố gắng ghi nhận một phần doanh thu trong năm nay.

Ông Đông cho biết Vinaconex vẫn sẽ tiếp tục bơm vốn cho dự án Cát Bà Amatina vì trước giờ Vinaconex ITC “làm gì có tiền”. Về khoản tiền 2.200 tỷ Vinaconex rút từ việc hợp tác với Vinaconex ITC, đây là số tiền huy động từ phát hành trái phiếu để hợp tác xây hai toà khách sạn nhưng tình hình thị trường khó khăn, “bán hàng sẵn còn khó chứ chưa tính tới việc xây dựng”, nên HĐQT đã quyết định rút về trả nợ trái phiếu chứ không phải Vinaconex rút khỏi dự án Cát Bà.

Bất chấp những khó khăn chung về thị trường cũng như nền kinh tế, mảng bất động sản vẫn cho thấy là “mũi nhọn” của Vinaconex khi tăng trưởng đột phá, mang lại hơn 700 tỷ đồng lợi nhuận gộp trong năm qua, đạt tỷ suất lên tới 30%.

Trong bức tranh kinh doanh đa sắc màu sáng tối trong năm 2023, ban lãnh đạo Vinaconex cho biết toàn thể công ty đã hết sức cố gắng, dù chưa hoàn thành chỉ tiêu đề ra nhưng cũng đã thành công trong việc mang lại cho cổ đông mức lợi nhuận vượt trên so với kết quả năm 2022.

Năm 2024 Vinaconex lên kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập 15.000 tỷ đồng, lãi ròng 950 tỷ, tăng lần lượt 15% và 140% so với thực hiện 2023. 

Để tăng thêm năng lực về vốn pháp định cũng như dòng tiền tài chính, HĐQT cũng trình loạt phương án tăng vốn tại buổi đại hội. Theo đó, Vinaconex sẽ phát hành hơn 64 triệu cổ phiếu (12%) để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

Đồng thời, Vinaconex cũng lên phương án chào bán tối đa gần 120 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương 20% số cổ phiếu lưu hành sau chia cổ tức. Giá chào bán là 10.500 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 50% giá cổ phiếu VCG chốt phiên 24/4 là 21.650 đồng/cổ phiếu.

Số tiền gần 1.200 tỷ đồng dự kiến sẽ được Vinaconex sử dụng để thanh toán các khoản nợ đến hạn, bao gồm nợ ngân hàng, các tổ chức tín dụng, nhà thầu, nhà cung cấp đến hạn trả trong năm 2024 - 2025.