Lao động lay lắt, tìm cách sinh tồn giữa Covid-19

Minh Nhật - 11:23, 26/03/2020

TheLEADERHàng loạt ngành nghề của xã hội bị ảnh hưởng khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng, người lao động buộc phải tìm cách sống sót khi chưa biết bao giờ hết dịch.

Đã khoảng hai tháng này, chị Nhung – một phụ nữ đã ngoài 40 tuổi – không có thu nhập đáng kể khi công việc chính là dọn dẹp tại một khách sạn đã bị dừng. Không chỉ chị mà nhiều nhân viên tại nhiều vị trí khác cũng buộc phải nghỉ khi khách sạn dừng hoạt động vì không có khách.

“Đáng lẽ ra sau Tết là khoảng thời gian khách Trung Quốc sang rất nhiều, cả người đi buôn bán lẫn các đoàn khách tham quan. Thế nhưng dịch bệnh vừa rồi như quét sạch, không còn bất cứ người Trung Quốc nào ở đây”, chị Nhung cho biết.

Sau khi công việc chính không còn, chị Nhung quyết định ở nhà trồng rau, thi thoảng mang ra chợ bán, kiếm đồng ra đồng vào dù mức thu hoạch không ổn định và phải bắt đầu trồng trọt từ đầu.

“Có một ít diện tích bãi cạnh nhà nên chị quyết định cải tạo lại làm chỗ trồng rau, chủ yếu để nhà ăn, thi thoảng rau tốt thì mang bán, được vài nghìn hay vài chục nghìn đồng. Mình nghỉ việc thì cũng khó, nhưng cũng phải hiểu cho chủ. Thời thế bây giờ không còn cách nào thì họ cũng mới phải làm vậy”, chị chia sẻ.

Đến nay, chưa có những con số thống kê chính thức về số lao động rơi vào cảnh thất nghiệp vì dịch Covid-19 nhưng thực tế cho thấy một điều rõ ràng rằng, khách sạn sẽ là một trong những ngành bị tác động mạnh mẽ nhất khi tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” cũng như các lệnh hạn chế được kích hoạt.

Phố cổ Hà Nội – nơi vốn luôn đông đúc du khách qua lại, đặc biệt vào buổi tối – nay gần như không còn bóng dáng khách du lịch. Cùng với đó, người dân cũng hạn chế ra ngoài tụ tập hơn trước, khiến thành phố trở nên im ắng.

Hàng loạt khách sạn nhỏ trên các con phố của Hà Nội buộc phải tạm dừng hoạt động khi doanh thu không thể bù đắp phần chi phí vận hành. Các biển báo sang nhượng mặt bằng hay tạm dừng kinh doanh ngày càng nhiều hơn. Cơn sóng Covid-19 ào tới, đóng sập các cánh cửa vốn đông đúc người qua kẻ lại.

Lao động lay lắt, tìm cách sinh tồn giữa Covid-19
Phần lớn lao động trong ngành du lịch - khách sạn đã 'thất nghiệp' tạm thời

Từ ngày 22/3/2020, Việt Nam tạm dừng nhập cảnh với tất cả người nước ngoài cũng như các trường hợp mang giấy miễn thị thực được cấp cho người gốc Việt Nam và thân nhân. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm việc kiểm soát người nhập cảnh cả đường biển, đường thuỷ, đường bộ và đường hàng không.

Các hãng hàng không từ khi dịch bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc đã cắt giảm tần suất bay và cho đến nay đã tạm dừng khai thác đường bay quốc tế, đồng nghĩa với nhiều nhân viên ngành này cũng tạm dừng công việc.

Lao động tìm cách sinh tồn

Khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đầu tháng này chỉ ra rằng, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, khoảng 74% doanh nghiệp có thể phá sản, chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng.

Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì bao gồm du lịch (lưu trú, khách sạn, ăn uống), giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ. Rất nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch, giáo dục không thể ứng phó kịp khi đồng loạt không có khách hàng, trong khi các cơ sở giáo dục ngoài công lập không có học sinh đến trường.

“Chúng tôi đã kiệt sức! Về tài chính, về năng lượng và cả ý chí” là tiếng kêu khẩn thiết của 150 cơ sở giáo dục ngoài công lập trong bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng, các phó thủ tướng và các bộ, ngành liên quan, trình bày những khó khăn khi học sinh phải nghỉ học kéo dài do dịch bệnh.

Nếu chỉ cần 1.000 trung tâm ngoại ngữ đóng cửa thì hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị mất trắng và hơn 30.000 lao động sẽ mất việc, trong đó có các thầy cô giáo, nhân viên, các bảo vệ, lao công.

Nếu bị phá sản hoặc mất thanh khoản, chỉ tính tại 200 trường phổ thông tư nhân quy mô vừa ở TP. HCM và Hà Nội thì sẽ có hàng ngàn giáo viên mất việc, hàng ngàn tỷ đồng tiền vay ngân hàng sẽ không được trả đúng hạn.

Đấy là chưa kể sẽ có hàng ngàn giáo viên nước ngoài tại các trung tâm tiếng Anh và trường tư mất việc. Nếu họ chọn rời khỏi Việt Nam thì chi phí để tuyển dụng họ quay trở lại sẽ rất lớn.

Không chỉ ở những đơn vị ngoài công lập, những giáo viên hợp đồng tại các đơn vị giáo dục công lập cũng phải tìm cách cải thiện thu nhập, vượt qua những ngày dịch và chờ ngày được quay trở lại bục giảng. Dù mức lương hợp đồng vẫn được tính như khi đi dạy, con số ấy quả thực rất khó để có thể nuôi sống gia đình, chị Hiền chia sẻ. Trước đây, hai vợ chồng chị còn có thêm mức lương từ giờ dạy thêm nhưng “trẻ con không đi học thì biết bới ở đâu ra”.

Chị Hiền đã quyết định làm thêm công việc thời vụ tại khu công nghiệp với mức lương khoảng 250.000 đồng/ngày, nếu làm tăng ca có thể được 300.000 đồng/ngày.

“Công việc theo dây chuyền nên không yêu cầu chuyên môn gì cả, chỉ cần đủ sức khỏe đứng suốt nhiều tiếng thôi. Tranh thủ được nghỉ chị kiếm thêm để nuôi bọn trẻ con, khi nào trường học lại thì lại đi dạy”, chị tâm sự.

Lao động lay lắt, tìm cách sinh tồn giữa Covid-19 1
Con đường vốn tấp nập người mua kẻ bán giờ đây trở nên vắng vẻ, nhiều cánh cửa đóng chặt vì Covid-19.

Không chỉ chị Hiền, nhiều lao động tự do khác như anh Khuyến tại làng nghề gỗ cũng lựa chọn công việc thời vụ tại khu công nghiệp khi thị trường quá ảm đạm suốt nhiều tháng.

“Buôn bán kinh doanh nhỏ lẻ nên anh chủ yếu bán cho Trung Quốc. Giờ khách Trung Quốc vãng lai không có, đơn đặt hàng cũng không có vì biên chưa thông nên chẳng có thu nhập. Nhiều tiền của đổ vào làm hàng sẵn, giờ không bán được hàng cũng chẳng rút được tiền ra”, anh tâm sự.

Nhà xưởng cho thuê dù đã hạ giá nhiều so với năm ngoái và những năm trước đó nhưng vẫn chẳng thể có khách. Một số nhà hàng tại những khu vực đông khách Trung Quốc qua lại trước đây giờ cũng buộc phải treo biển nhượng lại hoặc cho thuê lại.

Tổ chức lao động quốc tế: Thế giới có thể có thêm 25 triệu người thất nghiệp vì Covid-19

Tổ chức lao động quốc tế (ILO) trong đánh giá sơ bộ chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do Covid-19 gây ra có thể làm tăng thêm gần 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu với nền số lượng người thất nghiệp sẵn có là 188 triệu trong năm 2019. Nhìn lại trong tương quan với năm 2008-2009, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khi đó khiến 22 triệu người rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Tình trạng thiếu việc làm (không sử dụng được đầy đủ khả năng làm việc của người lao động có việc làm) cũng được dự báo sẽ tăng theo diện rộng, khi những tác động về kinh tế của Covid-19 sẽ khiến cả giờ làm và tiền lương bị giảm.

Giảm số lượng việc làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập lớn cho người lao động. Nghiên cứu ước tính con số này tương đương từ 860 tỷ USD đến 3,4 nghìn tỷ USD trong năm 2020. Điều này sẽ dẫn tới giảm tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, từ đó tác động tới triển vọng của doanh nghiệp và các nền kinh tế.

Tình trạng lao động nghèo được dự báo cũng sẽ gia tăng đáng kể, bởi “việc giảm thu nhập do suy giảm các hoạt động kinh tế sẽ ảnh hưởng xấu tới những người lao động cận nghèo hoặc sống dưới chuẩn nghèo”.