Nền kinh tế cần mở cửa mạnh mẽ để 'trợ thở' cho doanh nghiệp

Phương Linh - 09:27, 13/10/2021

TheLEADERKhông phải "nửa đóng, nửa mở", nhiều chuyên gia cho rằng, nền kinh tế Việt Nam cần mở cửa một cách mạnh mẽ hơn nữa, nhằm tạo điều kiện phục hồi cho doanh nghiệp.

Nền kinh tế cần mở cửa mạnh mẽ để 'trợ thở' cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp cả nước đang gặp khó khăn về dịch bệnh

Doanh nghiệp đang "kẹt cứng" giữa hai luồng tư duy: “Zero Covid” và sống chung với dịch

Sau hơn 4 tháng giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19, GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã chứng kiến sự “rơi thẳng đứng” của nền kinh tế. GDP từ 6,61% quý II rơi xuống âm 6,17% vào quý III/2021.

Kinh tế cả nước đang cho thấy sự sa sút trầm trọng, kéo theo đó là sự yếu đi nhanh chóng của các doanh nghiệp. Số lượng lớn người lao động thất nghiệp, không có việc làm tăng mạnh, an sinh xã hội bị tác động nặng nề.

Số liệu của Tổng cục Thống kê vửa công bố cho thấy, trong 9 tháng đầu năm cả nước có 85.000 doanh nghiệp được thành lập mới trong khi số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là trên 90.000 doanh nghiệp, chưa kể đến số lượng không nhỏ doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường nhưng chưa thể làm thủ tục giải thể phá sản do dịch bệnh.

Cần mở cửa mạnh mẽ nền kinh tế để "trợ thở" cho doanh nghiệp
GS.TS Hoàng Văn Cường

Bình quân một tháng, cả nước chứng kiến sự "ra đi" của hơn 10 nghìn doanh nghiệp. Nghiêm trọng hơn, ngay cả các doanh nghiệp còn hoạt động thì phần lớn cũng đang kiệt quệ, nhiều doanh nghiệp chết lâm sàn.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê 94% doanh nghiệp trong cả nước đang gặp khó khăn về dịch bệnh. Tại 19 tỉnh thành phố phía Nam, 98% doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt ở vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Phần lớn các doanh nghiệp nói rằng, họ khó có thể trụ thêm 3 – 6 tháng tới, nếu tình hình không được cải thiện.

Đồng quan điểm, tại Toạ đàm “Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch Covid-19” do Tạp chí điện tử Reatimes tổ chức, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, nền kinh tế đang phải đối mặt với những khó khăn, suy thoái rõ rệt. 

Theo đó, vướng mắc lớn nhất gây khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay là sự "kẹt cứng" giữa hai luồng tư duy: Mô hình “zero Covid” và cách sống chung an toàn với dịch. 

"Thời gian vừa qua, cách chống dịch của Việt Nam chủ yếu là “zero Covid”, hy sinh lợi ích kinh tế khiến các doanh nghiệp, doanh nhân "kẹt cứng". Thực chất, đây là phản ứng chính sách chống dịch cực đoan, gây sốc phản vệ cho doanh nghiệp. Nếu sắp tới, Chính phủ và các địa phương không tháo gỡ được tư duy này thì sẽ không thể gỡ vướng cho doanh nghiệp", ông Dũng nhận định. 

Theo vị chuyên gia này, việc phục hồi kinh tế hiện nay là vấn đề còn lớn hơn phòng chống dịch Covid-19 nhiều lần. Các mục tiêu xung đột, mâu thuẫn cần được điều chỉnh. Nếu muốn phát triển kinh tế thì cần phải chấp nhận có các ca Covid-19 trong giới hạn năng lực y tế đáp ứng được. 

Hơn nữa, khi đã vaccine Covid-19 được triển khai tiêm chủng trên diện rộng thì vấn đề Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng không còn quá nghiêm trọng. Nền kinh tế cần được mở cửa trở lại để cứu doanh nghiệp.

"Mở cửa hay là chết”

Trước bối cảnh doanh nghiệp và nền kinh tế đang khó khăn như hiện nay, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, giải pháp "trợ thở" quan trọng nhất đối các doanh nghiệp là "mở cửa" - “Mở cửa hay là chết”. Từ đầu tháng 10, cả nước đã dần mở cửa nhưng sắp tới, cần mạnh mẽ hơn nữa chứ không phải nửa đóng nửa mở.

Cần mở cửa mạnh mẽ nền kinh tế để "trợ thở" cho doanh nghiệp 1
Ông Vũ Tiến Lộc

"Chúng ta đang trong bối cảnh cả thế giới trở nên căng thẳng, khó đoán định. Ba tháng cuối năm sẽ là thời gian vàng và cũng là thách thức sinh tử với nền kinh tế Việt Nam. Mở cửa là con đường không thể nào khác được! Nếu mở cửa chậm hơn thì cái giá phải trả là vô cùng lớn", ông Lộc cho hay.

Tuy nhiên, để sống chung với dịch, ông Lộc cũng cho rằng, các cơ quan quản lý cần một quy định riêng, có thể là cuốn “cẩm nang” hay là “bộ luật” để các cấp chính quyền địa phương chủ động mở cửa thay vì doanh nghiệp phải “xin - cho” như hiện nay. 

Đây là một công cụ quan trọng để có thể chủ động và kiên định chung sống an toàn với dịch bệnh, tránh lúc “đóng” , lúc “mở”; lúc “siết”, lúc “buông”; trên nói một đằng, dưới làm một nẻo; tỉnh A thông đường, tỉnh B rào chặn; quận, huyện bảo doanh nghiệp được vận hành, xã phường bảo người lao động “ở đâu yên đó”, “ngăn sông, cấm chợ”, làm khó doanh nghiệp, người dân.

Có cẩm nang rồi, thì điạ phương không phải xin phép Trung ương, doanh nghiệp và người dân không phải chờ phê duyệt của chính quyền. Từ đó, họ có thể chủ động các phương án dự phòng để duy trì sản xuất. Các chủ nhãn hàng quốc tế cũng có thể yên tâm vào khả năng thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp Việt Nam.

"Đối với thế giới, thông điệp của chúng ta là: Việt Nam đã mở cửa, tái khởi động phục hồi nền kinh tế, rằng, chúng ta không để đại dịch kìm chân. Virus sẽ không thể buộc Việt Nam phải đóng cửa nền kinh tế. Việt Nam đã đang và sẽ là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư", ông Lộc cho hay.

Bên cạnh việc mở cửa nền kinh kinh tế, ông Lộc cho rằng, Chính phủ cần nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ về dòng tiền, "tiếp máu" cho doanh nghiệp. 

Đối với việc mất khả năng thanh khoản đang là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay, Chính phủ cần hỗ trợ tiếp máu cho doanh nghiệp bằng các chính sách tài khoá. Nếu chỉ có ngân hàng giảm lãi suất thì không đạt được kết quả tích cực nhất do đó cần có các chính sách, các quỹ bảo lãnh ngân hàng. 

Cần nhấn mạnh rằng, chính sách tài khoá phải tích hợp với chính sách tiền tệ để "bơm máu" cho doanh nghiệp. Hiện nay, các gói chính sách mới thực hiện được 50% do đó còn rất nhiều dự địa để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. 

Theo ông Lộc, các biện pháp hỗ trợ này không chỉ cứu doanh nghiệp vượt qua khó khăn mà còn nhằm thúc đẩy các ngành và doanh nghiệp có tiềm năng phát triển, đóng góp cho sự hồi phục của nền kinh tế.

Đồng quan điểm, TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ về vốn vay, lãi suất cho doanh nghiệp hiện nay là hết sức cần thiết. 

Nhìn ra thế giới có thể thấy, nhiều quốc gia đã áp dụng nhiều chính sách khác nhau để hỗ trợ cho doanh nghiệp của họ. Ví dụ như Hoa Kỳ, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng 30% GDP của các nước; con số này ở Nhật Bản là 50% GDP. Còn tại Việt Nam con số này vẫn còn rất nhỏ bé. 

Đã đến lúc chúng ta cần hoạch định rõ ràng cho tương lai, để sống cho hiện tại và bền vững về sau, ông Hợp nhấn mạnh.