Nếu tính GDP theo tiêu chí 'xanh", kinh tế Việt Nam chưa chắc đã tăng trưởng

Phạm Sơn - 13:44, 30/12/2021

TheLEADERChỉ số GDP là một chỉ số rất “thô”, thể hiện được sự tăng trưởng của nền kinh tế nhưng những cá thể trong nền kinh tế đó lại không cảm nhận được sự tăng trưởng.

Nếu tính GDP theo tiêu chí 'xanh", kinh tế Việt Nam chưa chắc đã tăng trưởng
Chuyên gia thảo luận tại lễ khai mạc Triển lãm Nền kinh tế nhân văn do Oxfam tổ chức. Ảnh: Oxfam.

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, GDP Việt Nam tăng trưởng ước đạt 2,58% trong năm 2021, một con số tương đối khả quan trong bối cảnh nền kinh tế chịu những thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể bức tranh nền kinh tế, xã hội, có thể thấy sự tăng trưởng này dường như không phản ánh hết những gì nền kinh tế đã và đang tiếp tục phải trải qua.

Hình ảnh những dòng người lao động bỏ về quê, những hộ gia đình giảm thu nhập, mất việc làm, những người yếu thế mắc kẹt trong thời gian giãn cách xã hội trái ngược hoàn toàn với sự tăng trưởng.

Theo ông Trần Lương, Nghệ sĩ thị giác, tác giả của các tác phẩm sắp đặt tại Triển lãm Nền kinh tế nhân văn do Oxfam tổ chức, chỉ số GDP là một chỉ số rất “thô”, thể hiện được sự tăng trưởng của nền kinh tế nhưng những cá thể trong nền kinh tế đó lại không cảm nhận được sự tăng trưởng.

Định nghĩa lại phát triển

Gần 40 năm thực hiện mở cửa, đổi mới, nền kinh tế Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển về kinh tế ấy đang được đánh đổi bằng nhiều giá trị khác.

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến dịp Tết Nguyên đán, là khoảng thời gian có lẽ được mong chờ nhất bởi những người lao động xa xứ, vì đây là dịp để họ quay trở lại quê hương, quay lại với mái ấm gia đình sau suốt một năm vất vả.

Hiện tượng người lao động xa quê, tìm đến thành thị làm việc xảy ra như một lẽ tất yếu trong guồng quay của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những người lao động ấy lựa chọn kiếm kế sinh nhai bằng cách tìm đến văn hóa đô thị, để lại phía sau lưng những giá trị gắn với quê hương, gắn với thiên nhiên.

Điều này tạo ra động lực lớn cho nền kinh tế, tuy nhiên cũng tiềm tàng nhiều hệ lụy, từ những điều tưởng chừng hết sức nhỏ nhặt như việc người dân lạm dụng thuốc kháng sinh.

“Người lao động họ muốn làm thế nào để khỏi nhanh khi bị sốt, cảm để còn quay vào guồng công việc, dẫn đến lạm dụng thuốc kháng sinh, khiến cơ thể dần dần yếu đi”, ông Lương lý giải.

Nhìn ở khía cạnh vĩ mô hơn, những ngành công nghiệp khai thác, thâm dụng tài nguyên, những doanh nghiệp tích lũy tài nguyên để làm giàu, hay hiện tượng đô thị hóa, công nghiệp hóa ở những vùng nông thôn, trong suốt thời gian qua cũng là trợ lực quan trọng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, cái giá phải trả cho sự cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, sự xói mòn về văn hóa truyền thống thì chưa ai đo đếm. Mãi đến tận bây giờ, chúng ta mới nhìn lại và hối tiếc khi chính những giá trị bị đánh đổi lại có thể đem đến nhiều cơ hội kinh tế, đơn cử như mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái…

Qua đại dịch Covid-19, những giá trị bị đánh đổi càng được khắc họa rõ nét, từ sự bất bình đẳng, những bất cập trong hệ thống an sinh xã hội cho tới bài học về sự mất cân bằng thiên nhiên. Ông Lương nhận xét, đại dịch Covid-19 là điều “khá logic trong tiến trình phát triển, bởi nó đặt ra một dấu chấm để tất cả tạm dừng lại và nhìn lại".

Ông Lê Quang Bình, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội ECUE cho biết, những cái giá phải trả cho sự phát triển kinh tế đặt ra câu hỏi, liệu chúng ta có đang định nghĩa đúng sự phát triển? Liệu có đang đánh đổi những giá trị văn hóa, xã hội, môi trường?

Theo ông Bình, “phát triển không phải cứ là từ nông thôn ra nhà máy, từ cánh đồng sang khu tập thể hay lao động 10 tiếng mỗi ngày trong phân xưởng”. Định nghĩa lại sự phát triển không thể chỉ nhìn vào số tăng GDP, mà phải tính đến sự cân bằng, hài hòa giữa 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.

Nói cách khác, phát triển phải là phát triển bền vững, nền kinh tế phải là một nền kinh tế nhân văn, tuyệt đối không thể có sự đánh đổi. Thực tế, quan điểm này cũng đã được nhấn mạnh trong nhiều phát biểu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong thời gian gần đây khi đối mặt với dịch bệnh.

Đồng quan điểm với ông Bình, TS. Phan Đức Tùng, Giám đốc Viện nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI) cho biết, hiện nay một số quốc gia trên thế giới đang tính toán một chỉ số mới là GDP xanh (green GDP), tức là đo xem GDP tăng trưởng bao nhiêu phần trăm nếu trừ đi những “cái giá phải trả” cho môi trường, xã hội.

“Ở Việt Nam chưa tính thử chỉ số green GDP. Tuy nhiên, nếu tính theo cách đó, liệu GDP chúng ta có đang tăng”, ông Tùng đặt vấn đề.

TS. Nguyễn Thắng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng tư vấn chính sách kinh tế - xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nhận xét, thực chất việc phát triển kinh tế không phải là điều mâu thuẫn với tính bền vững, mà có thể là cơ hội tốt để tạo ra nguồn lực quay trở lại giải quyết các vấn đề về xã hội và môi trường.

Tuy nhiên, để làm được điều này, yếu tố quan trọng nhất là chính sách và thể chế. Theo ông Thắng, đứng trước thế giới đầy biến động, thiết kế chính sách cần có cơ chế phản hồi từ phía doanh nghiệp, người dân để linh hoạt điều chỉnh. Có như vậy, về dài hạn, phát triển kinh tế mới không phải là sự đánh đổi.