Nghệ thuật giống như tình yêu, đòi hỏi sự tận hiến

Kim Yến - 10:47, 26/01/2020

TheLEADERKhông chỉ là nhiếp ảnh với những bức hình thiếu nữ có thời chiếm gần hết các trang bìa của những hãng thời trang lớn, Lê Thanh Hải còn là nhà sản xuất âm nhạc, dân chơi hi-end có tiếng với những bộ sưu tập có một không hai. Bạn bè vẫn thường gọi anh là người duy mỹ đến mức cực đoan.

Gần đây, anh dồn hết tâm sức cho sân chơi âm nhạc Sapa Art Space như một nỗ lực âm thầm để người nghe và người nghệ sĩ tâm giao đến được với nhau, cùng nhau gieo những hạt mầm cho nghệ thuật đích thực được đâm chồi.

Anh đã vượt qua những thách thức liên tục về kinh doanh, về cuộc sống cá nhân như thế nào để theo đuổi sự duy mỹ trong những cuộc chơi nghệ thuật?

Nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải: Cứ vào dịp này, năm nào cũng vậy, khi mà Noel, Tết tây rồi Tết ta sầm sập kép đến, giống như mọi người, ngoài việc giải quyết bao nhiêu vấn đề trong dịp năm cùng tháng tận làm đau đầu không ít, mình có tâm lý kiểm điểm lại kết quả công việc trong một năm sắp vụt qua.

Nghệ thuật giống như tình yêu, đòi hỏi sự tận hiến
Tác phẩm thiếu nữ của nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải.

Lạ là, càng ngày kết quả công việc, dù luôn cố gắng hết sức, lại càng nhỏ lại. Mình thì vẫn thế, có chăng là vất vả hơn, và buồn hơn. Những niềm vui chỉ đến khi mình đang làm việc. Ngày xưa các cụ nói: “Luận anh hùng không luận thành bại”. Nếu nghĩ theo cách hiện nay, thành công nghĩa là có nhiều tiền, có nhiều biểu hiện có thể trông thấy, sờ thấy và nghe thấy được thì ngẫm lại, mình đã có chặng đường thất bại hơn 30 năm.

Nhiếp ảnh, âm nhạc và hội họa đã mang lại cho anh sự giàu có như thế nào cả về tinh thần và vật chất, với những bộ sưu tập có một không hai ở Việt Nam?

Nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải: Có gì vui thì chỉ là được chọn những công việc tử tế và lao động chân chính, công việc cho mình được gặp những người hay ho, thú vị, mình học hỏi được nhiều điều từ họ. Công việc tử tế và tâm huyết nên tràn ngập tiếng cười, niềm vui và nhiều điều chia sẻ.

Mình học mỹ thuật và điện ảnh, người ta lại biết mình nhiều nhất qua nhiếp ảnh - nghề mà mình hoàn toàn tự học. Nhưng cái mà mình yêu nhất lại là âm nhạc, vậy mới rắc rối.

Do có nhiều nghề để cày cuốc nên mình bận và vất vả. Hai mươi năm nay, ngày nào cũng lao động 16 tiếng, mãi thành quen với nhịp độ cao nên lạy giời, mình giàu có sức khoẻ. Cụ thể là 30 năm không hề gặp bác sĩ, mà có gặp thì mình cũng chả tin vào bác sĩ!

Công việc thường nhật của mình oái oăm thay lại toàn liên quan đến nghệ thuật, mà lại là những ngành sản xuất đắt tiền, nghĩa là dính chặt đến khoa học và kỹ thuật. Nghĩa là phải cập nhật dù mình hạn chế tối đa việc “chạy đua vũ trang” vì “Gia đình không có điều kiện”. Tóm lại, thu không đủ chi, kiếm thì ít, tiêu thì nhiều, lúc nào cũng vậy nên chẳng lúc nào dư giả cả, một chút phong lưu thì có, thậm chí nhiều người bảo mình hoang…

Nghệ thuật, với mình, giống như tình yêu vậy, nó đòi hỏi sự tận hiến nếu muốn cảm nhận hạnh phúc từ nó.

Vậy điều gì khiến anh buồn nhất trong cuộc đời nghệ thuật của mình?

Nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải: Một nỗi buồn, không chỉ riêng mình, mà có trong tất cả những người có cái tâm và cái tầm muốn chia sẻ với xã hội nghệ thuật đích thực, cái mà có thể mang lại niềm vui thật sự, hạnh phúc thật sự… là xã hội đang lẫn lộn hay nhập nhèm giữa nghệ thuật và trò giải trí, giữa cống hiến chân thành và phương tiện mua vui cho đám đông dễ dãi.

Có một nhạc sĩ từng nói: “Khi đồng tiền cất lên tiếng hát, thì âm nhạc chết lặng”. Ngẫm thấy quá đúng, đúng cả với cuộc đời, không chỉ riêng âm nhạc. Nghệ sĩ thực thụ nào cũng biết như thế, nhưng cũng giống như mình, phải chịu thôi. Những vấn đề thuộc về tầm vĩ mô, các cá nhân không giải quyết được.

Nghệ thuật giống như tình yêu, đòi hỏi sự tận hiến 1
Tác phẩm của Nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải.

Trong thực trạng đó, giữ được nhân cách, không trở thành công cụ hay những kẻ cơ hội “bưng bô” đã là tốt lắm rồi. Đợi vậy, đợi một sự thay đổi ích cực trong vô vọng.

Quan điểm về cái đẹp đích thực trong nhiếp ảnh, âm nhạc... của riêng anh?

Nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải: Trong nhiếp ảnh, điện ảnh hay hội hoạ, theo quan điểm hiện đại gộp thành Visual Art- Nghệ thuật Thị giác. Đối với nghệ sĩ đích thực, quan trọng bây giờ là yếu tố tư tưởng và thái độ chứ không quan trọng về hình thức thể hiện hay yếu tố kỹ thuật, nó là hồn cốt của các tác phẩm.

Nhiều bạn trẻ bây giờ luôn mồm nói thích chủ nghĩa tối giản mà thực sự không hiểu nó là cái gì và dựa trên cơ sở nào. Với mình, không thể làm tốt một việc mà không định nghĩa được nó, đơn giản là thế.

Thí dụ về tối giản, chấp nhận chủ nghĩa tối giản thì phải chấp nhận bỏ cái gọi là đề tài. Nghe thì vớ vẩn nhưng đề tài là cái nhân loại có sẵn từ ba ngàn năm trước hay từ giờ trở đi ba ngàn năm sau nữa nếu loài người còn tồn tại. Đối tượng của nghệ thuật chỉ là về thân phận con người, và vì con người không tồn tại đơn lẻ nên có thêm quan hệ giữa con người với nhau. Chấm hết! Bỏ hai thứ đó ra có phim Bi, phim Hài, phim Dã sử không? Chắc chắn là không rồi.

Là người nổi tiếng với sự kiên định đến mức cực đoan khi theo đuổi cái đẹp, anh đã từng phải trả giá thế nào?

Nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải: Ba mươi mấy năm lăn lộn, mình là kẻ thất bại, chẳng làm được gì nhiều vì cuộc đời không dành cho những kẻ lương thiện nhiều cơ hội. Có một cái tên, không phải ai cũng biết, nhưng 10 điều mà mọi người thường cho là quý nhất mà không thể mua được, mình có cả, thế thì không giàu tiền cũng chẳng sao, sống giản dị đỡ bệnh tật và cũng vui mà.

Dồn tất cả tâm huyết và tiền của để gầy dựng Sapa Art Space, sân chơi cho người làm nghệ thuật và thưởng thức nghệ thuật đích thực, anh muốn gửi gắm điều gì?

Nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải: Bỏ ra hơn hai năm để xây dựng một dàn nhạc nhỏ làm sân chơi cho các nghệ sĩ biểu diễn và khán giả chia sẻ với nhau về tình yêu đối với âm nhạc. Có một phòng tranh nhỏ của bạn bè mình thỉnh thoảng gặp gỡ trao đổi với nhau về hội hoạ, một phòng chiếu phim nhỏ xíu để chiếu phim tư liệu cho bạn bè cùng xem. Tất nhiên, vì nghề nghiệp. Có một studio vừa vừa để quay phim và chụp ảnh. Đơn giản thế thôi.

Với mình thế là tạm đủ, dù vẫn phải cật lực từng ngày để duy trì cho nó hoạt động,. Ba mươi năm hoạt động, chưa bao giờ mình có 1 xu tài trợ từ bất cứ nguồn nào, phải tự lực cánh sinh thôi.

Trong những nỗ lực, gần như vô vọng, tạo dựng một sân chơi đúng nghĩa cho những người yêu nhạc hàng tuần được giao lưu chia sẻ với nhau tình yêu âm nhạc, nhiều năm rồi, đôi khi thấy lạc lõng và không ít đêm trắng cảm thấy chạnh lòng. Sự nhầm lẫn giữa trò giải trí kiếm tiền với cống hiến cho nghệ thuật đích thực là một khoảng cách quá xa… Nó là văn hoá nền tảng.

Nghệ thuật giống như tình yêu, đòi hỏi sự tận hiến 2
Tác phẩm thiếu nữ của Nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải.

Mình có nhiều người quen, theo thói thường gọi là bạn cũng được, tất bật, nháo nhào suốt ngày kiếm phé, kiếm show, kiếm tiền… Đời sống khó khăn, “cơm áo gạo tiền” lúc nào chẳng là gánh nặng cho bất kỳ ai, ở bất cứ nơi đâu! Mình chưa bao giờ trách họ không tắm tưới cho đời sống tinh thần, chỉ hơi phân vân và tiêng tiếc cho họ. Ăn ngon, mặc đẹp, nhà to, xe bảnh… tóm lại là tất cả những gì thiên hạ có thể cân được, đo được và xem được, liệu đã đủ chưa cho một cuộc sống đích thực? Khi mời một cuộc ăn nhậu để bên bàn nhậu nói về những điều cao cả xen lẫn những điều dung tục, bạn mình đông lắm và ít khi vắng mặt. Còn chia sẻ và thưởng ngoạn nghệ thuật tử tế thì… The Lonely Shepherd. Không có Lavie en Rose đâu, xưa rồi Diễm!

Điều anh muốn chia sẻ với những nhà sản xuất, nhà đầu tư, doanh nhân trong lĩnh vực nghệ thuật, khi mà những giá trị sống bị đảo lộn, giá trị của nghệ thuật đích thực chưa được coi trọng?

Nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải: Hỏi làm nghệ thuật có vui không? Có.

Hỏi làm nghệ thuật có buồn không? Nhiều.

Hỏi có hy vọng không? Có.

Hỏi có thất vọng không? Nhiều.

Hỏi có kiên nhẫn không? Hơn thế nhiều. Lì lợm.

Hỏi có mệt không? Rất mệt.

Dịp cuối năm, đầu năm mới, chúc mọi người gặp nhiều may mắn, nhiều niềm vui và nhiều sức khoẻ, đừng lận đận như mình.