Nghịch lý trong quản trị môi trường cấp tỉnh 2020

Hoàng Linh - 16:07, 14/04/2021

TheLEADERCác thành phố trực thuộc Trung ương lại là nhóm có điểm thấp nhất về quản trị môi trường, theo báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh 2020.

Kết quả báo cáo cho biết những vùng trũng nơi người dân quan ngại về hiện trạng môi trường là đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, nơi có nhiều khu công nghiệp tập trung.

Đáng chú ý, Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng (4 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương) rơi vào nhóm 16 tỉnh đạt điểm thấp nhất về chỉ số quản trị môi trường.

Các tỉnh phát triển công nghiệp, gồm Bình Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Lâm Đồng cũng nằm trong nhóm cuối.

Hưng Yên, Hà Nam, TP.HCM, Lâm Đồng, Hà Nội và Phú Thọ đạt điểm thấp nhất ở nội dung thành phần ‘chất lượng không khí’.

Bắc Giang, Lâm Đồng và Hải Phòng chỉ đạt 0,78 – 0,8 điểm ở nội dung thành phần ‘nghiêm túc trong bảo vệ môi trường’. Tỉ lệ người trả lời ở Hải Phòng đồng ý với nhận định ‘doanh nghiệp ở địa phương không đưa lót tay để trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường’ là thấp nhất.

Trong Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2020, các chỉ tiêu đánh giá bao gồm tỉ lệ người trả lời cho biết về chất lượng không khí và chất lượng nguồn nước sinh hoạt nơi cư trú.

Bên cạnh đó là chỉ tiêu phản ánh phát hiện của người dân về hiện tượng dự án hoặc doanh nghiệp đầu tư vào địa phương có trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường bằng cách ‘chung chi’ với chính quyền địa phương hay không.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới nhiều xung đột, mâu thuẫn giữa người dân và doanh nghiệp hoặc nhà nước xung quanh vấn đề môi trường trong những năm gần đây.

Ở chiều tích cực, 11 tỉnh/thành phố cải thiện đáng kể ở chỉ số quản trị môi trường. Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Hòa Bình và Hà Nam tăng ít nhất 10% điểm so với năm 2019.

Đồng Tháp là tỉnh duy nhất trên toàn quốc đạt mức điểm 5,2 trên thang đo từ 1 đến 10 điểm ở chỉ số nội dung này.

Ở nội dung thành phần ‘chất lượng không khí’, Quảng Ninh, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn và Thanh Hóa đạt điểm cao nhất.

Không chỉ trong nội dung về quản trị môi trường, các thành phố trực thuộc Trung ương cũng rơi về nhóm cuối trong một số nội dung khác như trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng ở khu vực công, thủ tục hành chính công.

Năm nay, Quảng Ninh đã vượt lên 2 bậc để đứng đầu cả nước với tổng số điểm 48,81 điểm, dẫn đầu trong nội dung về công khai minh bạch, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và cung ứng dịch vụ công.