Nhiều người lo ngại về bảo mật thông tin khi cài Bluezone

Quỳnh Chi - 09:50, 14/08/2020

TheLEADERÔng Đỗ Công Anh, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và truyền thông) khẳng định, Bluezone chỉ sử dụng bluetooth để ghi nhận tiếp xúc và thông báo cho người dùng mà không có quyền truy cập mọi dữ liệu khác trên điện thoại. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc cũng chỉ được lưu trên điện thoại và cung cấp cho cơ quan y tế với sự đồng ý của người dùng hoặc trong trường hợp người dùng là người nghi nhiễm.

Nhiều người lo ngại về bảo mật thông tin khi cài Bluezone
Tính đến 11h ngày 13/8, đã có hơn 17 triệu người Việt cài đặt ứng dụng Bluezone

Tính đến 11h ngày 13/8/2020, đã có 17 triệu người dân trên cả nước cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone. Trong đó, Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh, TP. HCM và Bắc Ninh là năm tỉnh/thành phố đi đầu trong việc cài đặt ứng dụng. 

Đây là ứng dụng do Bkav cùng một số doanh nghiệp khác như Memozone, MobiFone và VNPT phát triển, được Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và truyền thông) ra mắt ngày 18/4/2020 nhằm đối phó và ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Chức năng của Bluezone là cảnh báo sớm cho người dân trong trường hợp đã từng tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Với cơ quan y tế, Bluezone giúp tìm ra chính xác những trường hợp có nguy cơ lây bệnh để từ đó có biện pháp cách ly và điều trị. 

Cụ thể, Bluezone tự động quét và ghi nhận những điện thoại khác xung quanh cũng đang cài Bluezone. Việc này giống như ghi nhật ký tiếp xúc với người khác. Khi phát hiện một ca nhiễm Covid-19 bất kỳ, nhật ký tiếp xúc trên điện thoại của bệnh nhân được đem ra tra cứu, so sánh với nhật ký tiếp xúc của tất cả những người dùng Bluezone khác trên toàn quốc.

Nếu nhật ký tiếp xúc trên máy của người dùng xuất hiện một ghi nhận trùng khớp với nhật ký tiếp xúc của bệnh nhân nêu trên, Bluezone sẽ cảnh báo cho người dùng biết là đã tiếp xúc với người nhiễm Covid-19.

Như vậy, tỷ lệ người dân cài đặt Bluezone tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 17,4% dân số. Theo ước tính của các chuyên gia, để ứng dụng phát huy hiệu quả, tỷ lệ người dùng Bluezone phải đạt tối thiểu 60% dân số trưởng thành. Do đó, việc cài đặt và sử dụng Bluezone là rất cần thiết để người dân chung tay cùng cả nước đối phó với sự lây lan của đại dịch.

Nhằm khuyến khích người dùng tải và sử dụng Bluezone, từ ngày 12/8, các nhà mạng lớn tại Việt Nam như Viettel, MobiFone, Vinaphone cũng đồng loạt thông báo tặng 5 GB data đồng thời miễn cước khi truy cập ứng dụng này. 

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều băn khoăn của người dân, đặc biệt là vấn đề quyền riêng tư, khả năng bảo mật và việc lưu trữ cơ sở dữ liệu người dùng Bluezone. 

Trên trang cá nhân facebook của mình, CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng khẳng định, Bluezone đảm bảo tính riêng tư của người dùng bằng cách không ghi nhận danh tính, số điện thoại và vị trí của những người mà người sử dụng đã từng tiếp xúc. Ứng dụng chỉ nhận mã số của người tiếp xúc và mã này liên tục thay đổi mỗi 15 phút. 

Mã Bluezone gốc chỉ được lưu trên thiết bị, không sử dụng để trao đổi. Do đó không có khả năng người khác có thể giả mạo.

Theo ông Đỗ Công Anh, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và truyền thông), Bluezone chỉ sử dụng quyền “truy cập tệp” để ghi lịch sử tiếp xúc vào bộ nhớ của thiết bị.

Nhiều người lo ngại về bảo mật thông tin khi cài Bluezone
Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và truyền thông)

Mặc dù vậy, theo chính sách của Google, bất cứ ứng dụng nào khi yêu cầu quyền “truy cập tệp” thì thiết bị vẫn tự động đề nghị "cho phép truy cập vào ảnh, phương tiện và tệp" ngay cả khi các ứng dụng đó (bao gồm cả Bluezone) không sử dụng các quyền còn lại.

Người dùng cần cấp quyền để có thể lưu lại lịch sử tiếp xúc. Bluezone hoàn toàn không sử dụng đến những quyền truy cập còn lại trong chính sách của Google.

Đáng chú ý, trước câu hỏi "Máy chủ và đơn vị tham gia vận hành phần mềm Bluezone là của Bkav, điều gì đảm bảo Bkav không khai thác các dữ liệu này vào mục đích riêng của họ" được đưa ra tại trong buổi giao lưu trực tuyến giải đáp thắc mắc về ứng dụng Bluezone, ông Anh cho biết, Bkav chỉ là một trong số những đơn vị hỗ trợ xây dựng và vận hành hệ thống chứ không có quyền khai thác và sử dụng những dữ liệu phát sinh. 

"Hiện nay đã có quy chế quy định rõ về vấn đề này và các giải pháp kỹ thuật kèm theo tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành về an toàn thông tin và an ninh mạng", ông Anh nói.

Trước nỗi lo về việc dữ liệu gửi lên máy chủ như ID của máy, số điện thoại có thể bị khai thác ngoài ý muốn, lãnh đạo Cục Tin học hóa cho biết, người dùng có quyền lựa chọn đăng ký thông tin cá nhân của mình để được hướng dẫn trợ giúp của cơ quan y tế khi cần thiết (bao gồm số điện thoại). Bằng việc đăng ký thông tin cá nhân, người dùng đồng y cho cơ quan y tế sử dụng với mục đích phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Máy chủ không lưu trữ mọi dữ liệu lịch sử tiếp xúc cũng như ID của người dùng. Dữ liệu tiếp xúc sẽ chỉ được phục vụ cơ quan y tế khi có sự đồng ý của người dùng hoặc trong trường hợp người dùng là ca nghi nhiễm.

"Dữ liệu cá nhân và các dữ liệu phát sinh của hệ thống Bluezone sẽ được lưu trữ và bảo mật bởi các cơ quan Chính phủ và chỉ sử dụng vào mục đích giúp người dân bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuyệt đối không sử dụng vào các mục đích thương mại, không xâm phạm đời tư", ông Anh khẳng định.