Những chỉ số bất thường của nền kinh tế

Hoàng Đông - 08:00, 24/04/2024

TheLEADERĐang trong đà phục hồi với một vài con số “đẹp” nhưng theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), phục hồi kinh tế quý I/2024 là thiếu bền vững.

Những chỉ số bất thường của nền kinh tế
TS. Nguyễn Đình Cung tại tọa đàm Tọa đàm Kinh tế Việt Nam và Thế giới quý I/2024. Ảnh: VnEconomy

Số liệu dễ thấy nhất chứng tỏ sức khỏe của nền kinh tế đang yếu là số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao. Riêng quý I/2024, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn gấp đôi so với doanh nghiệp thành lập mới. Tính bình quân, trong ba tháng đầu năm, cứ mỗi tháng Việt Nam mất đi gần 5 nghìn doanh nghiệp.

Ông Cung nhìn nhận, bức tranh doanh nghiệp cho thấy nền kinh tế đang gặp phải những khó khăn đáng kể, tổn thương đến tính ổn định và động lực tăng trưởng trong tương lai.

Đi sâu vào phân tích các số liệu, những điểm bất thường tiếp tục được nguyên lãnh đạo CIEM chỉ ra. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp của từng tháng trong quý I/2024 không ổn định, tháng 1 tăng mạnh đến hơn 18%, tháng 2 lại giảm tương đối sâu. Dù tháng 2 là thời điểm Tết Nguyên đán nhưng những con số có sự biến động như vậy là quá lớn so với bình thường.

Mặt khác trong năm 2023 và quý I/2024, tăng trưởng trung bình của giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp cao hơn nhiều so với giá trị sản xuất công nghiệp, trong khi thông thường hai con số này chênh lệch nhau không quá lớn.

Điều này càng bất thường khi đặt trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu có dấu hiệu tăng cao. Bởi lẽ chi phí tăng, bán hàng không thay đổi nhưng lợi nhuận lại tăng lên.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý đầu năm đạt hơn 93 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Riêng tháng 3, xuất khẩu đạt 34 tỷ USD, cao hơn mức trung bình 30 tỷ USD mỗi tháng của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Cung, mức tăng này chưa đáng kể và sẽ rất khó có thể vượt trong những tháng còn lại bởi tình hình quốc tế diễn biến khó lường và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến hệ quả là nền kinh tế khó có khả năng bứt phá, bởi xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng chính.

Một động lực tăng trưởng khác là dịch vụ cũng lộ rõ sự hụt hơi khi chỉ tăng hơn 6,1% trong ba tháng đầu năm, tăng trưởng loại trừ yếu tố giá chỉ đạt 5,1%. Lĩnh vực dịch vụ vẫn thấp hơn giai đoạn trước đại dịch và có thể sẽ đi xuống khi nguy cơ lạm phát tăng cao còn thu nhập của người dân không thay đổi.

Tiếp đó, đầu tư công vốn được xem là giải pháp quan trọng để kích thích kinh tế trong bối cảnh thách thức kép suốt những năm qua. Tuy nhiên, tăng trưởng đầu tư công đạt 3,7% trong quý I, tụt dốc mạnh so với mức tăng hơn 21% của quý IV/2023.

Ông Cung dự báo, đầu tư công khó có thể tăng mạnh so với năm 2023 bởi tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, “nhiều người chưa muốn làm”.

Tăng trưởng đầu tư tư nhân, đầu tư doanh nghiệp nhà nước và đầu tư toàn xã hội cũng có sự tụt giảm, duy chỉ có tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là tăng. Điều này cũng thể hiện sự thiếu ổn định trong hoạt động đầu tư, lộ rõ khó khăn trong thu hút vốn vào những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Vốn FDI tăng nhưng mức tăng được nguyên Viện trưởng CIEM nhận xét là không đáng kể. Mặt khác, quy mô vốn đầu tư của mỗi dự án FDI đang có xu hướng giảm. Tính từ năm 2015 trở lại đây, trung bình quy mô mỗi dự án đều thấp hơn mức trung bình của hơn 30 năm thu hút vốn FDI.

Điều này bộc lộ những rủi ro của hoạt động thu hút FDI khi có dấu hiệu doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam kéo theo cả “họ hàng”, tức là những đơn vị phụ trợ, cung ứng. Từ đó, doanh nghiệp trong nước vấp phải sự cạnh tranh gay gắt và ít có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.