Tác động toàn diện của Luật sửa đổi Sở hữu trí tuệ năm 2022

Hường Hoàng - 14:05, 13/08/2022

Theo đánh giá của các chuyên gia, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 đã có những thay đổi sâu rộng, góp phần nâng cao khả năng bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt.

Tác động toàn diện của Luật sửa đổi Sở hữu trí tuệ năm 2022
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà, Công ty luật Vision & Associates, phát biểu trong Hội thảo "Bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp việt nam trong thời đại công nghiệp 4.0" ngày 2/8/2022 (Ảnh: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn)

Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã có ba lần được chỉnh sửa bổ sung. Lần đầu tiên là vào năm 2009, lần thứ hai là năm 2019. Lần sửa đổi thứ ba này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 đã điều chỉnh 102 trong tổng số 222 điều luật hiện hành, bổ sung hơn 10 điều khoản và bãi bỏ một số điều khoản. Ngoài ra, một loạt những quy định có liên quan trong luật giá, luật khoa học công nghệ, luật hải quan, luật quản lý tài sản công cũng được sửa đổi bổ sung tương ứng.

Với quy mô điều chỉnh như vậy, luật sư Nguyễn Thị Thu Hà (thuộc Công ty luật Vision & Associates, thành viên của Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam) đánh giá rằng đây là lần sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ sâu rộng và hoàn thiện nhất từ trước đến này. Theo bà Thu Hà, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 sẽ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với vấn đề bảo hộ và thực thi quyền tác giả, sáng chế và nhãn hiệu ở Việt Nam.

Quyền tác giả

Quyền tác giả chứng kiến nhiều thay đổi lớn và sâu rộng trong lần sửa đổi nay. Đây là lần đầu tiên chúng ta đã có một định nghĩa chính thức về thuật ngữ đồng tác giả. Trước đây, định nghĩa về đồng tác giả chưa có trong luật sở hữu trí tuệ mà mới chỉ được định nghĩa trong một văn bản dưới luật vào năm 2018, và định nghĩa này cũng chưa thật sự đầy đủ và rõ ràng.

Trong khi đó, cơ chế đồng tác giả là một cơ chế rất phổ biến trong thực tiễn và sáng tác từ trước đến nay. Như vậy, nhu cầu định nghĩa về đồng tác giả trong văn bản luật là một điều hết sức cần thiết, và trong lần sửa đổi này, chúng ta đã thực hiện được điều đó.

Theo Luật sửa đổi bổ sung: “Đồng tác giả được định nghĩa là những người cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm, với chủ ý cùng đóng góp để tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh”. Mặc dù vẫn có nhiều ý kiến, đánh giá, bình luận trái chiều về cách hành văn, cách thể hiện từ ngữ và cấu trúc, bà Thu Hà cho rằng, việc đưa một định nghĩa như vậy vào Luật Sở hữu trí tuệ đã là một bước tiến trong việc bảo hộ quyền tác giả ở Việt Nam.

Điểm nổi bật thứ hai liên quan đến quyền tác giả đó là giờ đây Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cho phép chuyển giao đối với quyền nhân thân. Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam được xây dựng theo hướng của châu Âu lục địa. Và theo đó, quyền nhân thân là quyền gắn liền với cá thể của cá nhân và cả tác phẩm, và không thể được chuyển giao.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên luật Sở hữu trí tuệ cho phép chuyển giao quyền nhân thân, mặc dù mới chỉ ở một phạm vi rất hẹp – quyền đặt tên tác phẩm. Tuy vậy, đây đã là một bước tiến quan trọng của pháp luật Việt Nam trong việc đưa ra những quy định phù hợp với thực tiễn trong nước, đồng thời thực hiện tốt hơn việc thương mại hóa quyền tác phẩm.

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 cũng quy định cụ thể hơn về những trường hợp ngoại lệ và các hạn chế đối với quyền tác giả và quyền liên quan, phù hợp hơn với pháp luật quốc tế.

Ngoài ra, một trong những điểm nổi bật nữa liên quan đến quyền tác giả là giả định liên quan đến quyền tác giả. Đây là một quy định phù hợp với cam kết ở Việt Nam với quốc tế mang nội dung như sau: Theo thủ tục dân sự, hành chính, hình sự của quyền tác giả và quyền liên quan, nếu như không có bằng chứng ngược lại, những cá nhân và tổ chức được nêu tên thường sẽ được coi là chủ thể quyền và được hưởng những quyền liên quan tương ứng. Điều này rất quan trọng trong việc thực thi quyền, và có thể dẫn đến những thay đổi trong cách thức tiến hành một số quyền liên quan đến quyền tác giả trên thực tế.

Ngoài ra, luật sửa đổi bổ sung này quy định một số điều về vấn đề pháp lý của những doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trung gian (ISPs) trên những nền tảng dịch vụ mà họ cung cấp. Trong đó ghi rõ một số trách nhiệm, một số trường hợp và điều kiện miễn trừ trách nhiệm pháp lý của đối tượng này.

Nhãn hiệu

Cuối cùng luật SHTT sửa đổi đã bổ sung âm thanh vào nhóm đối tượng được bảo hộ ở Việt Nam với tư cách là nhãn hiệu, với những quy định và cơ chế thẩm định đặc thù. Quy định này đã mở rộng thêm những đối tượng được bảo hộ ở Việt Nam. Ngay từ lúc này, khi đăng ký sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp có thể cân nhắc nộp cả nhãn hiệu âm thanh nếu muốn.

Với nhãn hiệu, luật sửa đổi cũng quy định giảm khoảng thời gian nhãn hiệu hết hạn hiệu lực có thể được sử dụng làm đối chứng. Điều này có nghĩa là theo luật hiện hành, chủ sở hữu vẫn có thể yên tâm về việc sở hữu nhãn hiệu sau 05 năm tính từ ngày hết hạn, vì luật dành quyền ưu tiên cho chủ đơn đã từng được cấp văn bằng. Tuy nhiên khoảng thời gian 5 năm ưu tiên cho chủ đơn cũ là quá dài, trong khi cùng với sự phát triển của công nghệ, vòng đời của sản phẩm ngày càng rút ngắn.

Do đó, việc giảm thời gian nhãn hiệu hết hiệu lực từ 5 năm xuống 3 năm là một việc làm đáng hoan nghênh, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường hiện tại. Thay đổi tưởng như là rất nhỏ này có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề thủ tục, bức xúc của các doanh nghiệp và cả đại diện sở hữu công nghiệp.

Ngoài ra, trong hoạt động thực thi quyền, luật sửa đổi cho phép sự tham gia chủ động của cơ quan hải quan trong trường hợp phát hiện hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ. Khi áp dụng những điều luật này, doanh nghiệp sẽ được bảo hộ nghiêm ngặt hơn, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng sẽ được can thiệp trực tiếp và sâu rộng hơn trong việc xử lý và thực thi quyền.

Sáng chế

An ninh sáng chế là một vấn đề khá nhạy cảm không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Trước đây, luật về vấn đề an ninh sáng chế của Việt Nam khá tối nghĩa và quá chặt khiến cho các doanh nghiệp khó khăn trong việc quản lý, bảo hộ và thực thi quyền sáng chế.

Cụ thể, trước đây luật quy định rằng không có một tổ chức, cá nhân Việt Nam nào được phép đăng ký sáng chế mật ra nước ngoài nếu không thỏa mãn được hai điều kiện: quốc gia mà người nộp đơn định đăng ký sáng chế phải có cơ chế bảo hộ sáng chế mật và phải được cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam cho phép thực hiện theo trình tự, thủ tục được Bộ Công an phối hợp Bộ Quốc phòng và Bộ Khoa học và công nghệ ban hành. Nhưng Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành không đề cập khái niệm sáng chế mật mà chỉ quy định việc giới hạn quyền đối với sáng chế thuộc bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của Chính Phủ.

Điều này dẫn tới hệ quả là mọi sáng chế được tạo ra ở Việt Nam bất luận nguồn gốc sáng tạo nó thuộc về cá nhân, tổ chức Việt Nam hay nước ngoài nếu nộp đơn ra nước ngoài đều có thể bị xem là trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế khi đăng ký ra nước ngoài. Hệ quả pháp lý nguy hại nhất đó là đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam hoặc đơn đăng ký sáng chế quốc gia và quốc tế theo Hiệp ước hợp tác sáng chế (PCT) có thể sẽ bị từ chối ngay ở giai đoạn hình thức.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022, pháp luật đã nâng cấp quy định kiểm soát an ninh đối với sáng chế khi nộp ra nước ngoài, vốn hiện đang chỉ được quy định ở cấp độ Nghị định của Chính Phủ, lên thành quy phạm pháp luật ở Luật Sở hữu trí tuệ. Điều này có vẻ như có khả năng sẽ tháo gỡ những nút thắt kéo dài hơn 10 năm của quy định kiểm soát an ninh đối với sáng chế khi nộp ra nước ngoài như nói ở phần trên.

Những sửa đổi, bổ sung lần này hứa hẹn sẽ mang lại những cải thiện một cách toàn diện các hoạt động bảo hộ, quản lý quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp; đồng thời, nâng cao khả năng thực thi quyền của các cơ quan quản lý.